Tháng 4/2016, ý tưởng về cuộc thi iKhiến được nhen nhóm. Ban lãnh đạo đặt ra bài toán xây dựng một chương trình thúc đẩy, khuyến khích tinh thần sáng tạo, nâng cao năng suất lao động toàn Tập đoàn. Trong đó, chương trình cần hướng đến ứng dụng thế mạnh cốt lõi là công nghệ trong công việc và hoạt động hàng ngày.
Chương trình sẽ là sân chơi hội tụ, tìm kiếm những sáng kiến có thể phát triển thành sản phẩm để thương mại hóa và giúp hình thành tinh thần tự nghiên cứu, tự học và làm chủ công nghệ của người FPT.
Nhiệm vụ này được giao cho Ban Truyền thông FPT (nay là Ban Maketting và Truyền thông FPT), Ban Đảm bảo Chất lượng và báo Chúng ta đồng tổ chức. Sau thời gian chuẩn bị, lên ý tưởng và lắng nghe những góp ý, tháng 1/2017, iKhiến chính thức ra mắt.
Từ những ngày đầu, chương trình được tổ chức theo format vòng loại tháng, vòng bán kết và chọn ra 2 đội xuất sắc nhất bước vào vòng chung kết. Hội đồng thẩm định là các lãnh đạo phụ trách công nghệ tại Tập đoàn và CTTV.
Đây là lần đầu tiên FPT tổ chức giải thưởng quy mô lớn dành cho sáng tạo với niềm tin mỗi người nhà F đều chứa đựng những khả năng sáng tạo vô hạn. Cuộc thi ban đầu dự kiến được triển khai trong 3 năm (2017-2019). Song với những dấu ấn và tinh thần mà iKhiến mang lại, BTC quyết định tiếp tục đưa iKhiến trở thành cuộc thi thường niên.
Chương trình iKhiến lần đầu ra mắt vào 2017, tính đến nay đã trải qua 7 mùa tổ chức. |
Sự ra đời của iKhiến là công sức của rất nhiều cá nhân tại FPT, những người dùng chính tinh thần sáng tạo để xây dựng nên iKhiến. Trong đó, không thể không nhắc đến những đóng góp của anh Bùi Quang Ngọc, anh Nguyễn Thành Nam và anh Phan Phương Đạt - những người đề xuất ra giải thưởng, góp ý và thúc đẩy iKhiến lan tỏa rộng trong FPT.
"Vua ý tưởng" của FPT - anh Phan Phương Đạt - là cha đẻ của iKhiến. Anh đề xuất ý tưởng này vào tháng 4/2016. Sau đó, đến tháng 1/2017, cuộc thi iKhiến đã chính thức xuất hiện, anh là người đã đồng hành với iKhiến từng bước đi đầu tiên.
Anh Bùi Quang Ngọc, thời điểm đó đang giữ vai trò Tổng giám đốc FPT, chính là người đã đưa iKhiến đi đúng hướng, biến sân chơi này trở thành một phong trào tới các công ty thành viên (CTTV).
Còn anh Nguyễn Thành Nam chính là cầu nối giữa tác giả và thành viên hội đồng thẩm định. Bằng sự hiểu biết, khả năng dẫn dắt của mình, anh đã khiến cuộc thi sôi nổi hơn, đưa iKhiến trở thành một sân chơi mà bất kì nhà sáng tạo nào tại FPT đều không thể bỏ qua.
Năm 2017, iKhiến lần đầu được tổ chức trong sự chờ đợi, hồi hộp của các tác giả và khán giả đến cổ vũ. Trận chung kết đầu tiên để lại điểm nhấn bằng màn thư hùng của hai ý tưởng xuất sắc gồm “Mở két” cùa tác giả Đinh Tiến Dũng, Nguyễn Văn Long và Nguyễn Anh Vũ (FPT Telecom) và SSC Portal - sản phẩm tâm huyết của anh Tô Trọng Hiếu và các cộng sự tại FPT Software.
Anh Đinh Tiến Dũng - đại diện nhóm tranh luận, với những minh chứng về hiệu quả sử dụng khi đã có 1.500.000 người tham gia và 2.500.000 người xem trò chơi tương tác đầu tiên của Việt Nam. Trong khi đó, anh Hiếu với sự trình bày đầy cảm xúc đã nhấn mạnh vào tính thực tế và khả năng ứng dụng khi SSC Portal đang là một nền tảng mở. Hội đồng thẩm định “đau đầu” đánh giá, từ ý tưởng, thực tế triển khai cho đến khả năng tranh biện của 2 dự án đều xuất sắc.
Anh Phan Phương Đạt, thời điểm đó là Trưởng ban đào tạo FUNix và cũng là một trong những giám khảo đã đưa "Mở két" và "SSC Portal" vào trận chung kết, chia sẻ rằng: "Thực sự rất vui vì không nghĩ trận chung kết lại kịch tính như vậy".
Sau thời gian dài thảo luận, BTC đã quyết định trao đồng giải Sáng tạo của năm cho cả 2 sản phẩm. Mỗi đội nhận 70 triệu đồng tiền thưởng - giải thưởng kỷ lục đối với cá nhân nhà F vào thời điểm đó.
Không chỉ là sân chơi thúc đẩy sáng tạo, iKhiến nhà F còn là điểm tựa cho loạt giải pháp/sản phẩm “made by FPT” được ươm ầm, được có cơ hội đầu tư, phát triển và nhân rộng.
Theo anh Phan Phương Đạt - “cha đẻ” của iKhiến, FPT đã từng có nhiều chương trình sáng kiến trong hơn 30 năm phát triển, song chưa có chương trình nào kéo dài được 4 năm và mỗi năm lại càng nhiều cảm xúc như chương trình iKhiến.
Bí quyết để iKhiến tồn tại và đi sâu vào “quần chúng” nhà F là hiểu được quá trình sáng tạo và động lực khiến nhân viên sáng tạo. Đa số các chương trình sáng kiến chú ý vào “đề xuất sáng kiến” một cách bị động. Chương trình iKhiến đi theo cách khác. Mấu chốt của chường trình là niềm tin rằng ở khắp nơi và mọi cấp đều có những nhân viên đang liên tục sáng tạo cho công việc của mình và đồng nghiệp. Tên gọi iKhiến được anh Phan Phương Đạt lí giải ngắn gọn, mọi người đang sáng tạo bất chấp lãnh đạo chứ không phải nhờ lãnh đạo, “nên mới gọi là ai khiến”, anh nói.
Đến năm 2022, iKhiến có sự thay đổi với 2 bảng đấu: Bảng A là Sáng kiến về sản phẩm, dịch vụ; Bảng B gồm các Sáng kiến về và quy trình quản trị, công cụ và phương tiện làm việc.
Được đầu tư mạnh mẽ, iKhiến đã thành công trong việc gìn giữ và thúc đẩy “gene đổi mới sáng tạo” của FPT. Từ 155 hồ sơ tham gia vào năm đầu tiên, đến 2022, con số này đã tăng lên 1.108. Sau 6 năm, iKhiến đã nhận về gần 4.000 hồ sơ. Trong đó, hơn 10 sáng kiến đã được nhân rộng trong Tập đoàn.
Bước sang năm thứ 7, Giải thưởng Sáng tạo FPT - iKhiến có nhiều cải tiến, đổi mới so với những mùa trước. Các CTTV đều dành sự quan tâm đặc biệt cho hoạt động đổi mới sáng tạo bằng cách cộng điểm loyalty, tăng mức giải thưởng hoặc thưởng nhân rộng cho tác giả sáng kiến.
Ở cấp Tập đoàn, anh Vũ Anh Tú - Trưởng ban tổ chức cho biết, iKhiến 2023 đã điều chỉnh mức thưởng cho cá nhân, tập thể có nhiều sáng kiến và hoạt động tích cực trong năm, với tổng giá trị lên đến 700 triệu đồng. Đặc biệt, tinh thần “các bạn sáng tạo, chúng tôi đầu tư” - Tập đoàn sẵn sàng “rót vốn” để các sản phẩm/giải pháp được tối ưu, nhân rộng.
Với những thay đổi này, BTC iKhiến 2023 kỳ vọng các cấp CTTV tiếp tục tìm ra những sáng kiến mang lại hiệu quả trong hoạt động, sau đó nhân rộng ở các CTTV khác nhau. Và quan trọng nhất, hội đồng sáng kiến ở CTTV đánh giá, thưởng “nóng” hiệu quả cho các sáng kiến chính xác, nhanh và kịp thời.
F-Story ra mắt với chủ đề “F ta 35 năm” mong muốn tạo không khí sôi nổi, lan tỏa, truyền cảm hứng tự hào về hành trình FPT 35 năm nói chung và quy mô phát triển của Tập đoàn. Từ đây, người FPT sẽ được hòa mình vào những tháng ngày tươi đẹp của FPT trong 35 năm qua. Chương trình sẽ bao gồm 2 nội dung chính: chuỗi minigame diễn ra thứ Tư hàng tuần trên Workplace FPT Chungta News với giải thưởng lên tới 10.000 Gold và loạt câu chuyện truyền cảm hứng trong hành trình 35 năm lên sóng vào thứ Sáu. Hoạt động sẽ kéo dài từ 26/7 đến 13/9, trong 8 tuần với các chủ đề hấp dẫn, “thâm cung bí sử” FPT. |
Hà Huy
Ý kiến
()