Dưới áp lực của khối lượng công việc khổng lồ với hơn 1 triệu hình ảnh đo kiểm và hàng nghìn thiết bị cần kiểm tra mỗi tháng, những kỹ thuật viên của nhóm Bảo trì hạ tầng tại FPT Telecom đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc đảm bảo chất lượng và hiệu quả dịch vụ viễn thông - internet cung cấp cho khách hàng. Trước đây, luồng công việc này tiêu tốn từ 3-4 ngày công, đòi hỏi người làm tự tạo công việc, ra hiện trường, ghi nhận hình ảnh và bảo lưu kết quả trên giấy, sau đó nhập liệu bằng tay vào cuối ngày để đội ngũ kiểm duyệt xem xét, kiểm tra và đưa ra quyết định cho tác vụ tiếp theo. Các công đoạn thủ công gây tốn nhiều thời gian, kèm theo những rủi ro về con người tiềm ẩn sai sót không mong muốn.
Sáng kiến AIOpTech được phát triển bởi nhóm tác giả nhà FPT Telecom gồm (từ trái qua): anh Nguyễn Quang Vinh, anh Lê Tăng Có và anh Nguyễn Nhật Khang. |
Nhận thấy nhu cầu cấp thiết này, nhóm sáng kiến đến từ nhà Viễn thông đã phát triển AIOpTech - một giải pháp thông minh ứng dụng AI để tự động phân tích hình ảnh và đọc giá trị đo kiểm. Nhờ ứng dụng của AI, sáng kiến có thể tự động phân tích vấn đề qua hình ảnh, từ đó đề xuất hướng xử lý trong giây lát, giúp kỹ thuật viên bảo trì thực hiện công việc kịp thời. Quá trình kiểm tra trở nên nhanh chóng, chính xác hơn, giúp FPT Telecom tiết kiệm đáng kể thời gian và nâng cao năng suất làm việc.
AIOpTech ra đời đem lại những kết quả thực tiễn cao, tuy nhiên quá trình phát triển sáng kiến của nhóm lại gặp nhiều khó khăn cả về nhân lực và công nghệ. Vào thời điểm tháng 11/2022, khi nhóm quyết định khởi động dự án với ý tưởng ban đầu, ngay lập tức đã gặp phải những thách thức như vừa phải triển khai quy trình sử dụng đa nền tảng và vừa phải tích hợp AI. Không những thế, việc quản lý dự án giữa các team cần phải thay đổi linh hoạt để hoàn thành công việc kịp theo tiến độ yêu cầu.
“Đặc biệt, khâu training AI cũng gặp khó khăn khi một số góc chụp không đạt yêu cầu, số lượng mẫu ít gây tác động tiêu cực đến độ chính xác của mô hình AI” - anh Lê Tăng Có, đại diện nhóm sáng kiến chia sẻ. Theo lý giải của đại diện nhóm, khi bộ dữ liệu có sẵn có phần lớn hình ảnh bị mờ, chói, không đạt yêu cầu cho AI học, phải loại bỏ hình ảnh, gây thiếu hụt trong bộ dữ liệu đào tạo.
Công tác đo kiểm được tự động hóa bằng công nghệ AI, giảm 90% thời gian bảo trì thiết bị của các kỹ thuật viên. Ảnh do nhóm tác giả cung cấp |
Để khắc phục tình trạng này, nhóm tác giả phải nhờ đến sự hỗ trợ của đội Bảo trì hạ tầng. Các kỹ thuật viên trong quá trình công tác, sẽ thực hiện thu thập hình ảnh theo đúng tiêu chuẩn thực tế, bổ sung vào bộ dữ liệu cho công tác đào tạo AI. Còn đối với khó khăn về khối lượng công việc dày đặc, nhóm đã bàn họp cùng nhau để lên kế hoạch chi tiết, chia và phân bổ các tác vụ theo mức độ ưu tiên, then chốt với dự án. Nhóm cũng liên tục trao đổi giữa các thành viên để đảm bảo mọi quá trình được thông suốt, giải quyết các vấn đề phát sinh nhanh chóng. Những giải pháp rõ ràng của nhóm đã dần dần tháo gỡ những vướng mắc, và phần nào tăng cường tinh thần chiến đấu, tình đồng đội giữa các anh em.
Sau bao ngày tháng cố gắng, cuối cùng sản phẩm cũng đã đem lại những trái ngọt dành cho nhóm tác giả. Khi phần hệ thống đã hoàn tất, nhóm triển khai sản phẩm ra thực tế ghi nhận hơn 100.000 hình ảnh được chụp từ các ca vụ triển khai/bảo trì phân bố dọc khắp toàn quốc tính từ tháng 7/2024. “Những ghi nhận, phản hồi tích cực, lời khen và hạnh phúc của các kỹ thuật viên khối bảo trì hạ tầng đã đem đến cho chúng tôi những cảm xúc không thể diễn tả thành lời” - anh Có bồi hồi chia sẻ.
Thực tế cho thấy, sau quãng thời gian triển tại hiện trường, AIOpTech đã giảm hơn 90% thao tác của các kỹ thuật viên, hạn chế tới 90% sự cố liên quan tới ắc quy và suy hao tập điểm cùng độ chính xác lên đến 98%. Sáng kiến tiết kiệm cho đơn vị ước tính 103 ngày công mỗi tháng , tương đương 1,2 tỷ đồng mỗi năm. Trong tương lai, sáng kiến AIOpTech sẽ được tiếp tục cải thiện độ chính xác, mở rộng áp dụng cho các thiết bị đo kiểm và các thành phần hạ tầng khác trên mạng lưới, phát triển trợ lý AI phục vụ các anh em kỹ thuật viên, anh em vận hành.
Bằng ảnh chụp của các kỹ thuật viên, AIOpTech phân tích, đọc màn hình và ghi dữ liệu tự động, từ đó đề xuất giải pháp kịp thời nếu phát hiện bất thường. Ảnh do nhóm tác giả cung cấp |
Đến với chương trình iKhiến 2024, sáng kiến AIOpTech đã xuất sắc đem về giải Vàng cho nhóm trong buổi chung khảo số 5. Với anh Lê Tăng Có nói riêng và cả nhóm nói chung, đây là thành quả tự hào, và cũng là nguồn động viên rất lớn cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả nhóm trong suốt thời gian qua.
Bày tỏ sự ủng hộ với chương trình iKhiến, anh Có cho rằng, iKhiến là chương trình giúp khuyến khích sự sáng tạo và đổi mới trong từng cá nhân cũng như tập thể. Đây cũng là cơ hội để mọi người được chia sẻ những ý tưởng đột phá và ứng dụng vào thực tiễn, từ đó lan tỏa tinh thần học hỏi. “Văn hóa đổi mới - sáng tạo tại FPT thực sự rất mạnh mẽ. Tinh thần này thúc đẩy chúng tôi luôn tìm kiếm cách cải tiến, nâng cao hiệu quả công việc và mang lại giá trị lớn hơn cho khách hàng. Đó là một phần cốt lõi của FPT, khiến chúng tôi không ngừng tiến lên và tạo ra những đột phá mới”.
Đại diện nhóm cũng cho biết, văn hoá Đổi mới iKhiến đang được triển khai, lan toả mạnh mẽ tại FPT Telecom. Mọi người trong công ty đều có quyền sáng tạo, đề xuất ý tưởng mới mẻ, cách làm khác hiệu quả hơn từ những nhiệm vụ nhỏ nhất.
Đức Trung
Ý kiến
()