Chúng ta

Tân CEO FPT: Việc lớn của người trẻ

Thứ năm, 18/4/2019 | 08:55 GMT+7

Tập đoàn FPT vừa chính thức có Tổng Giám đốc mới: Nguyễn Văn Khoa. Đây là vị CEO thứ 5, cũng là một trong những CEO trẻ nhất của FPT, được bổ nhiệm khi mới 42 tuổi. NCĐT đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Văn Khoa về những quan điểm, suy nghĩ trong cương vị mới.

aa-18811540-3630-1555552384.jpg

Nguyễn Văn Khoa là CEO trẻ nhất ở một khúc quanh quan trọng đối với tập đoàn công nghệ lớn nhất Việt Nam.

- Lãnh đạo một doanh nghiệp đã dẫn đầu ngành, đạt quy mô doanh thu hàng  tỉ USD, Công ty lại đang định hướng chuyển từ gia công phần mềm sang tư vấn chuyển đổi số như Accenture, Deloitte DX... Mọi thứ dường như sẽ rất áp lực cho anh?

- Ở cương vị mới, áp lực lớn với tôi có lẽ là duy trì ngọn lửa nhiệt huyết cho tất cả. Nhưng may mắn cho tôi là đã có 22 năm trưởng thành cùng FPT cũng như học hỏi, trải nghiệm qua nhiều vị trí lãnh đạo ở các công ty thành viên: FPT Telecom, FPT Online, FPT IS. Tôi nhận thấy, khi trở thành CEO FPT, điều cần làm là phải cùng với lãnh đạo các công ty thành viên đem đến 3 giá trị: truyền cảm hứng làm việc;  đi đến tận cùng công việc để ra kết quả tốt; đồng thời giúp đỡ, ủng hộ, tạo không gian để cán bộ nhân viên phát triển.

Nhưng với nhân sự ở FPT đã lên tới 28.000 con người, kêu gọi họ đồng lòng, cùng nhau hiện thực hóa các mục tiêu sẽ rất thách thức... Bởi thế, việc ưu tiên làm ngay bây giờ của tôi là tổ chức lực lượng và tập trung vào con người.

- Cụ thể, anh sẽ làm những gì?

- Chúng tôi sẽ tăng thêm đội ngũ. FPT hiện có 16.000 chuyên gia, kỹ sư công nghệ, lập trình viên. Nhưng với nhu cầu và tầm nhìn sau 10 năm có mặt trong top 50 công ty cung cấp dịch vụ số, dịch vụ IT hàng đầu thế giới, chúng tôi  phải gia tăng nhân sự. Ngoài ra, FPT cũng cần sáng tạo đổi mới để cung cấp các giải pháp dịch vụ , giúp các công ty chuyển đổi thành doanh nghiệp, tổ chức số, tăng hiệu suất; giúp đời sống người dân nhờ công nghệ mà thuận tiện hơn. FPT cũng sẽ đưa phương pháp quản trị OKRs (quản trị mục tiêu và kết quả chủ chốt), từng áp dụng thành công tại các công ty công nghệ nổi tiếng thế giới như Intel, Google, Facebook.

- Chuyển đổi số là thay đổi mô hình hoạt động, từ truyền thống sang áp dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây... FPT lại muốn ngay năm nay chuyển đổi thành doanh nghiệp số và giúp các công ty khác cùng chuyển đổi số. Liệu mục tiêu này có quá sức?

- Công nghệ là lĩnh vực đòi hỏi thay đổi, sáng tạo không ngừng. Từ nhiều năm nay, FPT đã biến mình thành tổ chức học tập. Quá trình học tập, thay đổi này diễn ra liên tục, rộng khắp. Năm ngoái, FPT chi gần 80 tỉ đồng cho đào tạo. Hiện FPT sở hữu hơn 1.200 chứng chỉ công nghệ của các hãng hàng đầu thế giới như Amazon Web Services, GE, Airbus... Tất cả giúp FPT đủ năng lực, tiêu chuẩn và tư vấn, triển khai các dự án công nghệ mới trên toàn cầu, đặc biệt là các dự án chuyển đổi số.

Chúng tôi cũng đã lập Ban Chuyển đổi số và Học viện số FPT. Công ty còn mời ông Phương Trầm, cựu CIO DuPont, tập đoàn quy mô 85 tỉ USD, tiêu biểu trên thế giới về chuyển đổi số thành công, về làm Tư vấn trưởng mảng chuyển đổi số của FPT. Trước mắt, FPT đặt mục tiêu sẽ chuyển đổi số thành công cho 3 trường hợp, cho chính FPT, 1 doanh nghiệp nước ngoài và 1 doanh nghiệp trong nước.

- FPT nuôi tham vọng “hóa rồng” nhưng vì sao tăng trưởng lợi nhuận đề ra giai đoạn 2019-2021 lại chỉ 15%/năm?

- FPT cần 2-3 năm để hoàn thiện gói/chuỗi danh mục giải pháp, sản phẩm trong chuỗi giá trị dịch vụ số. Sau giai đoạn này, vị thế của FPT sẽ khác.

- Quả không dễ dàng gì cho anh...

- Khi còn là nhân viên cho đến lúc kinh qua các vị trí quản lý cấp trung, tôi luôn hiểu cái mình cho là tốt vẫn có thể chưa đủ tốt như cấp trên mong muốn. Tôi quan niệm rằng mọi việc, mọi kết quả mình làm ra phải luôn cao hơn mong đợi của người quản lý trực tiếp và đồng nghiệp. Do vậy, chấp nhận thách thức là phẩm chất bắt buộc, đặc biệt khi bạn là lãnh đạo.

Ông đã gặt hái không ít thành tựu trong sự nghiệp của mình như tham gia lập nên Công ty Viễn thông Quốc tế FPT - FTI (đơn vị thành viên của Công ty Viễn thông FPT), chuyển đổi hạ tầng cáp đồng sang cáp quang, kinh doanh truyền hình qua internet... Có yếu tố may mắn không thưa anh?

Có lẽ có phần may mắn. Trong bất cứ trường hợp nào tôi cũng có những cộng sự sẵn sàng từ bỏ những thứ tốt đẹp, thuận lợi, sẵn có để xả thân làm những dự án khó và mới cùng với tôi. Ví dụ như dự án đường trục Bắc - Nam, anh Phạm Thanh Tuấn lúc đó đang là Giám đốc vùng của FPT Telecom đã sẵn sàng đảm nhận Dự án đường trục Bắc Nam với vô vàn áp lực. Sau cùng, chúng tôi đã hoàn thành 1.800 km đường trục trong thời gian ngắn kỷ lục 9 tháng.

- Làm thế nào thuyết phục người khác tin anh, theo anh?

- Tôi tin và ủng hộ người ta trước. Có như vậy họ mới tin và ủng hộ mình.

tai-xuong-6319-1555552384.png
 

- Lâu nay, người ta biết về anh là một lãnh đạo thân thiện, gần gũi. Nay ở cương vị mới, anh sẽ điều hành theo cách nào?

- Có vẻ tôi chưa nhận được lời phàn nàn nào về sự thân thiện và gần gũi cho đến nay (cười). Lấy nhân trị làm gốc, nhưng tôi sẽ chú trọng hơn vào yếu tố kỷ luật.

- Mọi người vẫn ngạc nhiên khi biết anh từng học ngành du lịch, thay vì công nghệ thông tin...

- Học ngành du lịch nhưng tôi vốn yêu thích khoa học, kỹ thuật. Hồi nhỏ tôi còn ao ước trở thành phi công. Vì thế, tôi đã xin gia nhập FPT từ năm 1997 ở vị trí kỹ thuật viên. Lúc đó, FPT đang phát triển mạng intranet Trí tuệ Việt Nam, tiền thân của internet.

- Anh đã tự học như thế nào để thích nghi với công việc, vị trí mới?

- Lúc mới vào FPT, tôi xác định bỏ ra 5 năm đầu tiên như 5 năm đại học để học Trường FPT. Tôi học mọi thứ có thể. Hồi đó, tôi may mắn được anh Trương Đình Anh (nguyên Chủ tịch FPT Telecom) trực tiếp dạy về lập trình, anh Thái Thanh Sơn dạy về bán hàng, chị Chu Thanh Hà (Chủ tịch FPT Telecom) cử đi sửa máy tính.

Ở FPT không quan trọng bạn học ở đâu, mà quan trọng là bạn có yêu thích và nỗ lực hết mình trong công việc không.

- Anh muốn thấy FPT như thế nào sau 5-10 năm nữa?

- Tôi có niềm tin mạnh mẽ FPT sẽ bền vững hàng trăm tuổi!

>> Con đường của Khoa

Nhịp cầu Đầu tư

Ý kiến

()