Trong khuôn khổ ngày hội công nghệ Open Doors Day vừa diễn ra tại Khu Công nghệ cao TP HCM vào sáng 12/11, ban tổ chức đã mang tới một màn trình diễn khá ấn tượng của robot NAO. Sự xuất hiện của NAO được xem là điểm nhấn đặc biệt tại sự kiện, khiến hàng trăm sinh viên trong hội trường vô cùng thích thú.
Robot NAO có giá 10.000 USD. |
NAO là một robot thông minh có 4 khu vực cảm biến, có khả năng nhận diện giọng nói, hình ảnh, khả năng biểu cảm, sao chép hành vi con người, tự động kết nối internet và có thể nói 19 loại ngôn ngữ khác nhau, do tập đoàn SoftBank (Nhật Bản) phát triển.
Xuất hiện trong dịp này, NAO đã thể hiện khả năng tự giới thiệu bản thân rành rọt bằng tiếng Việt. Ngoài ra, ban tổ chức đã dành một khoảng thời gian ngắn cho NAO trình diễn khả năng nhảy theo nhạc với nhịp điệu của bài Gangnam Style nổi tiếng.
Màn trình diễn của robot NAO là mở đầu cho bài thuyết trình về Internet of Things (mạng lưới vạn vật kết nối) do một chuyên gia công nghệ đến từ FPT Software trình bày. Ngoài Internet of Things, các chủ đề liên quan tới Digital Transformation (chuyển dịch kỹ thuật số), Big Data (dữ liệu lớn), S.M.A.C (Social - Xã hội, Mobile - Di động, Analytics - Phân tích dựa trên dữ liệu lớn, và Cloud - Đám mây),... cũng thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn sinh viên.
"Steve Job, Bill Gate ở tuổi của các bạn đã kích thích được niềm đam mê để tạo ra chiếc điện thoại và máy tính mang dấu ấn lịch sử. Hay trong một buổi nói chuyện như thế này, ý tưởng lé lên đã giúp Mark Zuckerberg tạo ra mạng xã hội Facebook kết nối hơn 1 tỉ người trên toàn cầu...", ông Đinh Lê Đạt, một chuyên gia về Big Data nói, để khơi dậy niềm đang mê của các sinh viên công nghệ.
Từ đó, ông Đạt nhắn nhủ các bạn sinh viên rằng, lan bàn trong sự nghiệp chính là Social, Mobile, Analytics và Cloud. Khi làm chủ công nghệ để tạo ra sản phẩm đáp ứng đủ các yếu tố này cũng như đáp ứng tốt nhu cầu thiết thực của xã hội thì sản phẩm sẽ được đón nhận.
Những xu hướng công nghệ hiện nay. |
Sau khi nghe thuyết trình, các bạn sinh viên đã mạnh dạng gửi những câu hỏi tới các diễn ra để tìm hiểu kỹ hơn về tương lai, thị trường việc làm của những xu hướng công nghệ nói trên, cũng như tính bảo mật liên quan tới công nghệ "đám mây" trong S.M.A.C.
Ban tổ chức cho biết, sự kiện đã thu hút sự tham gia của gần 1.500 sinh viên đến từ các trường đại học trong nhóm ngành công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, ngoại ngữ,... giúp sinh viên có được những thông tin chung về ngành phần mềm để định hướng sự nghiệp sau khi tốt nghiệp.
Theo các chuyên gia quản lý nguồn nhân lực, hiện nhu cầu về nhân lực CNTT khá cao. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, các bạn sinh viên khi ra trường cần phải có được 3 yếu tố quan trọng là: Nắm vững kiến thức của một ngôn ngữ lập trình, thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và hoàn thiện các kỹ năng mềm liên quan đến vị trí ứng tuyển.
Chẳng hạn tại FPT Software, trong giai đoạn 2017 - 2020, đơn vị này lên kế hoạch tuyển dụng tới 20.000 nhân sự ở tất cả các vị trí từ kiểm thử, lập trình viên, kỹ sư cầu nối, biên dịch cho đến quản trị dự án. Còn trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, riêng FPT Software TP HCM cần tuyển khoảng gần 500 nhân sự mới.
Theo báo cáo thị trường nhân lực Việt Nam của một website việc làm, lĩnh vực IT - Software đứng đầu danh sách 10 lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, luôn có hơn 1.000 vị trí trống cần tuyển dụng trong lĩnh vực này. Trong đó, nhiều nhất là các vị trí làm việc liên quan đến ngôn ngữ lập trình Java, PHP, .Net, C++, Linux,… |
>> Người FPT tại Mỹ: 'Chờ bước đi của Trump'
Dân Việt
Ý kiến
()