Chúng ta

Livestream nâng bước ngành giải trí

Thứ năm, 17/11/2016 | 10:40 GMT+7

Liveshow của Noo Phước Thịnh đã thu hút 1,93 triệu lượt xem trên các ứng dụng di động, Facebook, Youtube.

Các nghệ sĩ, nhà sản xuất biết tận dụng công nghệ xem truyền hình trực tuyến (livestream) để đưa hình ảnh, sản phẩm của mình tới công chúng rộng rãi và dễ dàng hơn.

Nghệ sĩ “nóng” với livestream

Noo Phước Thịnh live concert - đêm nhạc kỷ niệm 8 năm ca hát của chàng ca sĩ điển trai Noo Phước Thịnh diễn ra tối 12/11 tại SVĐ Quân khu 7 (TP HCM) thành công vang dội với gần 35 nghìn khán giả. Ngoài lượng khán giản khủng, đêm nhạc Funring day 2016 - Noo Phước Thịnh live concert còn được phát trực tiếp trên ứng dụng di động của các trang mạng xã hội như: Fanpage của Noo Phước Thịnh, fanpage của Funring, MobifoneTV, mMusic, FPT Play, Youtube... thu hút hàng triệu lượt xem.

Khác với các chương trình livestream thường thấy của nghệ sĩ, phần lớn chỉ có một góc máy cố định từ điện thoại thông minh, Noo Phước Thịnh live concert được phát trực tiếp với hình ảnh và kỹ thuật chất lượng HD trên facebook.

liveshow-cua-noo-phuoc-thinh-t-7534-6688

Liveshow của Noo Phước Thịnh thu hút khoảng 2 triệu lượt xem trên các ứng dụng di động.

Trước đó, vào tháng 7, ca sĩ Đinh Mạnh Ninh cũng từng tổ chức liveshow bằng hình thức trực tuyến qua kênh truyền hình FPT Play và Truyền hình cáp FPT, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem. Toàn bộ buổi diễn được ghi hình và thu âm với chất lượng cao như trong studio. Chương trình không chỉ phục vụ hàng trăm khán giả tại chỗ, mà còn phục vụ các thuê bao xem truyền hình trực tuyến trên các nền tảng thiết bị có kết nối internet như: Smartphone, tablet, máy tính cá nhân.

Nhiều ca sĩ như: Hồ Ngọc Hà, Sơn Tùng M-TP, Giang Hồng Ngọc… cũng lựa chọn hình thức livestream giới thiệu những sản phẩm âm nhạc tới đông đảo khán giả trong các sự kiện hạn chế người tham dự. Ngay tại các gameshow truyền hình, livestream cũng được tận dụng tối đa. Trong nhiều đêm liveshow của chương trình Giọng hát Việt nhí, khán giả không xem tivi có thể theo dõi các liveshow trực tuyến trên Youtube với độ nét HD. Không chỉ vậy, ở những phút giải lao, khán giả còn được theo dõi trực tiếp hậu trường của các thí sinh. Và ngay đêm chung kết Bước nhảy ngàn cân ngày 13/11, chương trình cũng được phát trực tuyến trên fanpage VTV giải trí, cũng đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.

Tiện ích và nỗi lo của truyền hình chính thống

Theo nhà sản xuất Mỹ Thanh, liveshow của Noo Phước Thịnh đã thu hút 1,93 triệu lượt xem trên các ứng dụng di động, facebook, Youtube (chỉ riêng fanpage của Noo Phước Thịnh đã có 873 nghìn lượt xem). Đây là con số ấn tượng với một liveshow ca nhạc mà nhiều người mong ước, cũng phần nào chứng tỏ những ưu thế của công nghệ livestream. Chị Mỹ Trang, Phó giám đốc Công ty Giải trí Mỹ Thanh, nhìn nhận, hình thức trực tuyến giúp nghệ sĩ tiếp cận được lượng khán giả đông đảo trên chính fanpage của họ không kể khoảng cách gần xa nhờ máy tính, điện thoại chứ không nhất thiết phải ngồi trước màn hình tivi hoặc tìm kênh phát sóng. Ngoài ra, trong suốt quá trình livestream, nghệ sĩ còn có thể tương tác với người xem khiến khán giả cảm thấy hào hứng hơn xem truyền hình.

Không chỉ đối với trực tiếp nghệ sĩ, hình thức truyền hình trực tuyến còn giúp nhiều nhãn hàng, nhà tài trợ cho các chương trình nhận diện được khả năng thu hút, hiệu quả của chương trình thông qua số lượng người xem trực tiếp, hiển thị chính xác theo thời gian thực. Họ không dựa vào cách tính rating thông thường, hay phụ thuộc vào bất cứ đơn vị thứ ba nào. “Tôi nghĩ cách làm này đã tối đa hóa được nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp, bằng cách tận dụng làn sóng tất yếu của thị trường kỹ thuật số trong xã hội, tiếp cận được nhiều người, chủ động lựa chọn đối tượng khách hàng mục tiêu”, chị Trang chia sẻ.

live-fpt-play-3284-1470649887-7734-14793

Diễn viên Hàn Quốc Han Min Chae và ca sĩ Đinh Mạnh Ninh trong chương trình Đinh Mạnh Ninh LIVE! (30/7 tại Hà Nội), chương trình đầu tiên được live streaming cả một live concert cũng như được thu âm trực tiếp đúng chuẩn phòng thu. Chương trình được đánh giá là tiên phong cho trào lưu làm show live streaming một cách chuyên nghiệp tại VN.

Đồng quan điểm với chị Mỹ Trang, anh Đăng Khoa, Giám đốc điều hành ViVa network chia sẻ thêm, công nghệ livestream hiện tại vẫn miễn phí, điều này tốt cho các nhà tài trợ vì họ không tốn chi phí mua sóng truyền hình, lại không bị kiểm duyệt gắt gao. Ngoài ra, việc trực tuyến còn tạo ra nội dung tức thời, ít tốn kém nhưng sức thu hút có thể bằng hoặc hơn truyền hình vì người xem hiện nay chủ yếu sử dụng thiết bị di động. Khán giả cần những nội dung không phụ thuộc vào thời gian. Hơn nữa, livestream còn giúp người xem có cảm giác được xem video một cách chân thực, chứ không phải theo hình thức kịch bản có sẵn, được duyệt hay sắp xếp lại.

Xu hướng mới đòi hỏi hạ tầng công nghệ đi kèm

Bên cạnh những thành công mà công nghệ trực tuyến trên mạng xã hội đem lại, anh Khoa cũng tiết lộ thêm những khó khăn của công nghệ này: Hiện tại, các kênh, mạng xã hội như: Youtube, facebook đã có những phần mềm kiểm duyệt bản quyền, nhằm kiểm soát nạn vi phạm bản quyền các video hoặc các file âm nhạc. Do đó, việc kiểm soát vi phạm bản quyền với hình thức công nghệ truyền hình trực tuyến khá đảm bảo.

Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn ở đường truyền bởi đường truyền tại Việt Nam còn bấp bênh, không đảm bảo chất lượng. Chị Mỹ Trang chia sẻ, bài toán khó nhất với hình thức livestream trên mạng xã hội và các ứng dụng di động là hạ tầng công nghệ. Nếu đủ mạnh, nó sẽ đáp ứng được nhu cầu tải dữ liệu của một lượng người dùng rất lớn ở cùng một thời điểm. Ngoài ra, vấn đề đáng quan tâm nhất trong quá trình livestream của một show ca nhạc chính là chất lượng của hình ảnh và âm thanh. Người dùng khi xem trên mạng xã hội và các ứng dụng cũng được tận hưởng chất lượng hình ảnh, âm thanh chân thực nhất, tiệm cận nhất với việc xem trực tiếp tại điểm biểu diễn. Cùng đó, do trực tuyến nên sẽ khó chỉnh sửa được những lỗi mắc phải khi lên sóng.

Một câu hỏi đặt ra rằng, với đà phát triển của công nghệ truyền hình trực tuyến như hiện nay, nó có phải là đối thủ đáng gờm với truyền hình chính thống? Rõ ràng, công cụ livestream chính là một trong những vũ khí quan trọng của thị trường kỹ thuật số. Nhưng dù là livestream hay truyền hình chính thống thì điều quyết định thành công vẫn là nội dung và những đột phá trong việc tiếp cận người xem.

>> FPT Play về Nhì giải Best Cup 2016

Giao Thông

Ý kiến

()