Chúng ta

'Hồi sinh' nhờ quỹ khởi nghiệp

Thứ ba, 28/2/2017 | 10:20 GMT+7

Nhiều dự án khởi nghiệp trên bờ vực thất bại đã may mắn “hồi sinh” nhờ những hỗ trợ về vốn cũng như kỹ năng từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của nhà nước và tư nhân.

Ý tưởng “cà phê nhai luôn ly” - tức vỏ ly đựng cà phê được làm bằng bánh cookie và chocolate trắng, khi uống xong là có thể ăn luôn phần ly, của anh Trần Thanh Tùng, chủ quán cà phê Monkey in Black (MiB), nghe qua thì có vẻ rất thú vị nhưng bắt tay vào làm mới thấy không hề đơn giản bởi chi phí làm sản phẩm quá cao khiến thu không đủ bù chi, dẫn tới nguy cơ “dẹp tiệm” vì mất khả năng tài chính. May mắn là ý tưởng này đã giành được giải thưởng Ý tưởng sáng tạo nhất của cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp - Start up wheel" năm 2015 do Trung tâm BSSC tổ chức.

10548674-301074250071929-82805-7505-3360

Không gian quán cà phê Monkey in Black.

Từ đó, MiB đã thu hút được sự chú ý rất lớn từ giới trẻ. Đặc biệt, với nguồn vốn hỗ trợ 350 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và nhiều hỗ trợ về đào tạo từ Vườn ươm doanh nghiệp trẻ của Trung tâm BSSC, Tùng và những người bạn đã giữ vững thương hiệu. Sau hơn 2 năm đi vào hoạt động, đến nay Monkey in Black đã mở chi nhánh thứ ba và có doanh thu tăng trưởng ổn định.

Được đánh giá là một trong 8 giải pháp triển vọng tại cuộc thi Nhân tài Đất Việt, nhưng dự án áp dụng công nghệ thông tin và viễn thông và việc đăng ký khám chữa bệnh của anh Nguyễn Khoa Tuấn Anh, Giám đốc Công ty CP Viễn thông May mắn (Lucky Telecom), lại gặp rất nhiều khó khăn trong việc thương mại hóa ý tưởng này.

Chính việc tham gia vào Vườn ươm doanh nghiệp trẻ thuộc BSSC đã tạo ra bước ngoặt cho ý tưởng nói trên. Anh Tuấn Anh cho biết, ngoài những hỗ trợ về kỹ năng, được thuê văn phòng với giá ưu đãi, nhóm của anh còn nhận được hỗ trợ 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp để phát triển dự án. Từ những hỗ trợ đó, nhóm của Tuấn Anh đã mở rộng triển khai thêm giải pháp hỗ trợ các bệnh viện phát huy hệ thống nhận bệnh qua tin nhắn. Hiện giải pháp đã được ứng dụng tại Bệnh viện Đa khoa Cam Ranh (Khánh Hòa), Bệnh viện Nhi Đồng 2, Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp (TP.HCM)... Công ty đang tiếp tục kết nối với các bệnh viện khác để xây dựng ứng dụng này.

Năm 2016, Hàng Bá Trí đã từ bỏ vị trí trưởng bộ phận phát triển sản phẩm của một công ty Nhật Bản với mức lương cao ngất để thành lập Công ty Cổ phần Công nghệ Go-ixe với nhiều dịch vụ như: Go-bike (gọi xe ôm); Go-taxi (gọi xe taxi); Go-car (gọi xe ôtô); Go-travel (gọi xe du lịch, đi chung xe) và Go-share (dịch vụ thuê xe tự lái). Chỉ cần cài đặt ứng dụng này trên phần mềm Android, người dùng có thể gọi bất kỳ loại hình dịch vụ chuyên chở nào. Trong vòng 6 tháng, tính từ thời điểm Go-ixe chính thức ra mắt đã kết nối 10.000 người tham gia hệ thống với số lượng xe lên tới hơn 500, tốc độ tăng trưởng người dùng hàng tháng lên tới trên 30%.

Có được thành công này, theo Trí, là nhờ trong thời gian chạy dự án, anh đã tích cực tham dự các sân chơi khởi nghiệp để quảng bá cho Go-ixe và hoàn thiện ứng dụng này dựa trên sự góp ý của ban giám khảo - những chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để anh kêu gọi vốn đầu tư. Với Giải Nhì cuộc thi ý tưởng Startup Wheel 2016 do Trung tâm BSSC tổ chức, dự án đã nhận được nguồn vốn hỗ trợ của trung tâm, cùng với đó, một số hãng taxi đã ngỏ ý muốn liên kết với Go-ixe, mở ra cơ hội kinh doanh cho dự án.

Tương tự, Công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm Setech Viet của Đoàn Thiên Phúc và các thành viên khác cũng ra đời dựa trên những hỗ trợ kịp thời từ BSSC. Ban đầu chỉ là sản xuất khóa chống trộm cho xe máy với các giải pháp ứng dụng công nghệ vào cuộc sống. Từng bước thăm dò thị trường, sản phẩm nhận được phản hồi tốt vì có nhiều ứng dụng không chỉ chống trộm mà còn có thể điều khiển tất cả từ chiếc điện thoại di động như tìm kiếm, khởi động máy. Thậm chí, thiết bị còn tự động nhắn tin trả lời vị trí xe (gồm số nhà, đường, quận...) khi được chủ xe yêu cầu. Công ty Cổ phần Giải pháp Phần mềm Setech Viet đã cải tiến nhiều lần và sản phẩm mới đây đã hoàn thiện hơn, nhỏ gọn và giá cả cạnh tranh hơn trước đây, hiện giá sản phẩm là 500.000 đồng/sản phẩm so với ban đầu 2,6 triệu đồng/sản phẩm.

4-3759-1457352244-3971-1488245737.jpg

Công nghệ của CyRadar cũng được xây dựng để sẵn sàng cho xu hướng đổi mới trong môi trường làm việc hiện đại của các doanh nghiệp khi mà số lượng thiết bị cá nhân mang vào doanh nghiệp rất đa dạng, xu hướng BYOD (bring your own device) và IoT tăng cao. Dự án khởi nghiệp của FPT đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ Internet và mạng di động để đưa ra các gói dịch vụ về bảo mật cho người sử dụng cá nhân ngay từ phía nhà mạng với một mức phí vô cùng rẻ.

Ngoài ra, nhiều dự án cũng đã đạt được những thành công nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ các quỹ đầu tư. Cụ thể, với những hỗ trợ, đồng hành, tư vấn của FPT Ventures, dự án CyRadar - hệ thống phát hiện tấn công đe dọa, đã được lọt vào Top 10 start-up tiềm năng châu Á tại cuộc thi khởi nghiệp quốc tế tổ chức ở Thái Lan - Echelon Thailand’s Start-up Launchpad 2015; hay ELSA Speak - Ứng dụng di động dạy phát âm tiếng Anh cũng đã đạt giải nhất cuộc thi hàng đầu thế giới về khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục tại Mỹ SXSWedu Launch 2015. Từ đây, hàng loạt cơ hội tiếp cận các nguồn vốn lớn từ quốc tế cũng mở ra cho các dự án này, mở rộng quy mô hoạt động của dự án ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

>> FPT đến MWC cập nhật xu hướng công nghệ

Hải Quan

Ý kiến

()