Chúng ta

FPT và câu chuyện khát vọng đem công nghệ 'đổ bộ' Myanmar

Thứ tư, 22/2/2017 | 11:14 GMT+7

Sau gần bốn năm đặt chân tới Myanmar, Tập đoàn FPT đã trở thành một trong những đối thủ nặng ký trong lĩnh vực công nghệ thông tin-viễn thông tại đây khi “ẵm” những gói thầu “triệu đô,” triển khai nhiều dịch vụ cho các công ty lớn…

​Giờ đây, người FPT không giấu tham vọng đem công nghệ “đổ bộ,” khai phá thị trường còn rất tiềm năng này.

Hành trình “khai phá”

Trong câu chuyện với chúng tôi tại “tổng hành dinh” của FPT Myanmar, Phó Tổng Giám đốc phụ trách toàn cầu hóa của Tập đoàn FPT kiêm Chủ tịch FPT Myanmar Dương Dũng Triều kể rằng, những ngày đầu “tiến binh”, FPT gặp không ít khó khăn. Ấy là câu chuyện về một thị trường mới, khi mà các văn bản pháp luật, thủ tục đầu tư còn chưa hoàn thiện, do đó có rất nhiều chính sách cần có thời gian thay đổi mới có thể đạt được kỳ vọng của các công ty nước ngoài muốn đầu tư vào Myanmar.

fpt-my2-9977-1487687305.jpg

Những thành viên đầu tiên của văn phòng FPT Sofware Myanmar.

Ở Myanmar, khó nhất chính là các giấy phép con, một số giấy phép bán không thể xin ở cấp Chính phủ mà chỉ có thể xin ở cấp thành phố và cấp bang. Ví dụ, FPT khi có giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông vào năm 2015, để triển khai được hạ tầng Internet, FPT Myanmar phải xin thêm một loạt giấy phép khác như giấy phép cung cấp dịch vụ kết nối Intenet quốc tế, giấy phép kéo cable dưới đất...

Đấy là chưa kể, Myanmar vốn được xem là “miền đất màu mỡ” nên rất nhiều doanh nghiệp ào ạt vào xứ này tìm cơ hội tạo nên sức ép cạnh tranh lớn. Rồi, những khác biệt về văn hóa, tính cách của con người cũng là những rào cản không nhỏ cho việc “đóng dinh” ở xứ sở chùa Vàng.

Vốn là một doanh nghiệp có gần 20 năm chinh chiến ở thị trường nước ngoài (từ năm 1999, FPT đã xác định chiến lược toàn cầu hóa đầu tiên), FPT Myanmar từng bước chinh phục thị trường 54 triệu dân này. Các bài học, kinh nghiệm ở hàng chục thị trường trước đó được người FPT vận dụng triệt để. Và rồi, chỉ sau mấy tháng có mặt, Công ty FPT Myanmar chính thức được thành lập vào tháng 7/2013, đánh dấu sự có mặt của doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam ở nước bạn.

BDD1FEAC5D17C11235852C2FC25247-2100-1972

Những thành viên của FPT Myanmar.

Bốn năm qua, FPT Myanmar đã từng bước chứng tỏ mình là một “thế lực” đáng gờm trong làng công nghệ thông tin nơi đây. Điều này không thể hiện bằng lời nói mà bằng những giấy phép, gói thầu lớn mà doanh nghiệp này nhận được bằng sự tin tưởng của nhà nước cũng như các doanh nghiệp tại Myanmar.

Đơn cử như trong lĩnh vực viễn thông, FPT là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên được Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Myanmar cấp giấy phép triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ viễn thông vào năm 2015.

Để xin được giấy phép này, Chủ tịch FPT Myanmar Dương Dũng Triều bảo rằng đã mất khá nhiều thời gian từ khâu nộp, hoàn thiện cho đến phê duyệt hồ sơ. Song với sự theo đuổi kiên trì và nghiêm túc, FPT đã được cơ quan chức năng nước bạn tin tưởng và lựa chọn.

DSCN6171rs23761442479863-2782-1487687305

Chủ tịch và TGĐ FPT Myanmar gặp và trao đổi với Bộ trưởng Công nghệ Thông tin và Truyền thông Myanamar (thứ hai, từ trái sang). 

Cũng trong năm 2015, FPT IS khởi động dự án triển khai giải pháp quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) cho Tập đoàn United Paints Group (UPG) của Myanmar. Dự án sẽ được triển khai cho trụ sở chính, nhà máy, 5 chi nhánh ở Myanmar và một công ty con tại Singapore của UPG. Tháng 8/2016, FPT Myanmar được Công ty cổ phần chuyển mạch tài chính - thanh toán quốc gia Myanmar (MPU) lựa chọn là nhà đầu tư chính cho dự án Hệ thống chuyển mạch tài chính quốc gia. FPT sẽ đầu tư xây dựng và triển khai toàn bộ hệ thống và cho MPU thuê trong vòng 10 năm, hưởng phần trăm từ việc thu phí trên các giao dịch điện tử.

Bên cạnh đó, FPT Myanmar còn thực hiện nhiều dự án quan trọng như: Cổng thông tin quốc gia Myanmar; Triển khai hạ tầng mạng tại trung tâm dữ liệu Ooredoo; Hệ thống quản lý phân phối, bán hàng (DMS) cho MMI…

Mắt xích trong mục tiêu 1 tỷ USD

Cho dù thị trường Nhật Bản luôn là “át chủ bài” trong chiến lược toàn cầu hóa của FPT (hiện FPT có mặt ở 21 quốc gia), nhưng theo ông Dương Dũng Triều, Myanmar sẽ là một trong những mắt xích quan trọng của Tập đoàn công nghệ này trong mục tiêu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài vào năm 2020.

Lãnh đạo FPT Myanmar bảo rằng, một trong những khó khăn hiện tại của họ là các dự án công nghệ thông tin của Chính phủ Myanmar không có kinh phí. Tuy nhiên, may mắn là Myanmar hiện nay đang có các khoản tiền ODA từ WorldBank, ADB, JICA... và một phần các dự án này sẽ được đầu tư vào hiện đại hóa các hệ thống công nghệ thông tin của chính phủ.

150119My-7001-1487687305.jpg

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông dự lễ khai trương FPT Myanmar.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm triển khai thành công các dự án tương tự tại Việt Nam, đây sẽ là “điểm cộng” của FPT Myanmar và đơn vị này sẽ tập trung tâm huyết, kinh nghiệm và nguồn lực công nghệ của mình vào các dự án công nghệ này với mong muốn đóng góp được ít nhiều cho sự phát triển của Myanmar.

Bên cạnh đó, với năng lực đã được chứng minh ở nhiều thị trường khác trên thế giới, FPT Myanmar cũng luôn được các đối tác đánh giá cao trong các dịch vụ cốt lõi như tích hợp hệ thống, viễn thông, đào tạo công nghệ thông tin, dịch vụ quản trị doanh nghiệp (ERP).

Theo ông Triều, ngoài việc tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ và giải pháp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp và chính phủ Myanmar, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân phối các sản phẩm công nghệ với hai mảng kinh doanh chính là thiết bị công nghệ thông tin-viễn thông, điện thoại di động.

DSC22711486626596-660x0-9118-1487687305.

PTGĐ FPT kiêm Chủ tịch FPT Myanmar Dương Dũng Triều hào hứng nói về các dự án của FPT Myanmar với các thành viên MCIA Mandalay và Liên đoàn máy tính Myanmar trong chuyến thăm FPT FPT Tân Thuận vào 9/2 vừa qua. 

Bên cạnh đó, FPT sẽ triển khai dịch vụ viễn thông hạ tầng mạng cho 1 số tập đoàn, công ty tại Myanmar; cung cấp băng thông rộng. Ở lĩnh vực phần mềm, tháng 6/2015, FPT đã đưa vào hoạt động Trung tâm Ủy thác Dịch vụ CNTT (IT Outsourcing) tại thành phố Yangon với mục tiêu trước mắt là cung cấp nguồn nhân lực cho các dự án với khách hàng Nhật Bản. Dự kiến cuối năm 2017, trung tâm này sẽ có 100 lập trình viên.

“Chúng tôi đặt mục tiếu đến năm 2020, FPT có sự hiện diện của các công ty thành viên tại Myanmar để đem tất cả các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ của FPT ở Việt Nam sang triển khai ở quốc gia này”, ông Triều nói.

Thực tế, mục tiêu, khát vọng của FPT trong việc đem công nghệ “đổ bộ” tại Myanmar là hoàn toàn khả thi bởi nó không phải câu chuyện của gần hai mươi năm trước, khi FPT “dò dẫm” những bước đi đầu tiên trong chiến lược toàn cầu hóa. Hiện giờ, họ đang là một “thế lực” với những gói thầu của FPT Software, FPT IS cho các tập đoàn hàng đầu tại Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Bangladesh… Và rõ ràng, FPT đã và đang dựng xây, dần khẳng định thế mạnh của trí tuệ Việt trên bản đồ công nghệ - viễn thông toàn cầu.

>> FPT Software lần thứ tư liên tiếp lọt danh sách Global Outsourcing 100

Vietnam Plus

Ý kiến

()