Chúng ta

FPT sẽ đưa công nghệ Big Data, VR vào phát triển nền tảng ViOlympic

Chủ nhật, 20/5/2018 | 11:07 GMT+7

Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, những năm tới, chương trình giải Toán qua Internet-ViOlympic sẽ biến đổi hoàn toàn. FPT sẽ phát triển ViOlympic với công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), thực tế ảo (VR), đưa ViOlympic trở thành công cụ học tốt nhất, thông minh nhất.

Thông tin nêu trên được ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT chia sẻ tại lễ tôn vinh và trao giải cuộc thi giải Toán, Vật lý qua Internet - ViOlympic năm học 2017 – 2018 khu vực phía Bắc được tổ chức tại Hà Nội hôm nay, ngày 19/5. Năm nay, ViOlympic cũng đánh dấu chặng đường 10 năm phát triển với nhiều cột mốc đáng nhớ.

ictnews-violympic-mien-bac-4249-15267832

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT.

Theo Ban tổ chức, năm học 2017 - 2018, toàn quốc có hơn 10.000 học sinh đến từ 49 tỉnh thành trên cả nước tham gia vòng chung kết cuộc thi ViOlympic. Trong đó, có 2.151 học sinh đạt giải ở cả 3 bộ môn: Toán tiếng Anh, Toán tiếng Việt và Vật lý.

Hà Nội là thành phố đạt thành tích cao nhất năm nay, theo sau là Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Nam Định. Đặc biệt, dù mới quay trở lại cuộc thi sau một thời gian dài, Nam Định đã xuất sắc nằm trong Top 4 tỉnh thành đạt nhiều giải thưởng nhất.

Góp mặt tại lễ tôn vinh và trao giải cuộc thi ViOlympic khu vực miền Bắc có hơn 400 học sinh của các trường Tiểu học, THCS và THPT ở Hà Nội, Hải Dương, Hà Nam, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang… đại diện cho hơn 1.000 học sinh các tỉnh, thành miền Bắc đạt các giải Vàng, Bạc, Đồng và Khuyến khích cuộc thi ViOlympic năm nay.

Theo kế hoạch, tiếp sau sự kiện tại Hà Nội, buổi lễ tôn vinh và trao giải tại khu vực miền Nam và miền Trung dự kiến sẽ lần lượt được diễn ra vào ngày 23/5 tại Vũng Tàu và ngày 26/5 tại Quảng Bình.

ictnews-violympic-mien-bac-1-1-6795-1526

Đại diện Ban tổ chức cuộc thi ViOlympic năm học 2017 - 2018 trao giải Vàng cho các học sinh xuất sắc khu vực miền Bắc.

Bên cạnh đó, năm 2018 cũng đánh dấu 10 năm ViOlympic ra đời và phát triển. Năm 2008, lần đầu tiên Việt Nam có một cuộc thi giải Toán trên mạng Internet hoàn toàn miễn phí vì cộng đồng. ViOlympic mang trong mình sứ mệnh phát triển niềm đam mê toán học và công nghệ cho lớp trẻ Việt Nam.

Một năm sau khi thành lập, ViOlympic đã nhận được giải thưởng CNTT-TT Việt Nam năm 2009, đồng thời, cũng ghi nhận lần đầu tiên giành giải thưởng Sao Khuê cho hạng mục sản phẩm và dịch vụ giáo dục. Tiếp đó, nhằm bồi dưỡng một thế hệ công dân toàn cầu, năm 2013, Violympic ra mắt cuộc thi giải Toán tiếng Anh. Năm học 2016 – 2017, Violympic cũng bổ sung thêm bộ môn Vật lý, đáp ứng niềm yêu thích môn học này của nhiều học sinh trên cả nước.

Với độ bao phủ khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam, ViOlympic liên tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong việc phổ cập và phát triển bộ môn Toán học trên toàn quốc. Trong suốt 10 năm qua, Violympic đã có gần 50 triệu học sinh tham gia, lan tỏa tới 63 tỉnh, thành trên cả nước, chính thức trở thành thương hiệu tin cậy nhất về Toán trên Internet.

Trong phát biểu tại lễ tôn vinh và trao giải cuộc thi ViOlympic năm học 2017 – 2018 khu vực miền Bắc, đánh giá ViOlympic là một chương trình đặc biệt thành công, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho hay, diễn ra trong 10 năm, cuộc thi ViOlympic đã có hơn 20 triệu tài khoản, tạo ra một phong trào tự học Toán học rộng khắp.

“Có thể nói, ViOlympic là một dấu ấn điển hình đóng góp vào việc xây dựng xã hội học tập như chúng ta mong muốn hiện nay… Với sự phát triển của CNTT, hơn bao giờ hết, nhân loại đứng trước cơ hội vô cùng tuyệt vời để xây dựng nên những nền tảng như ViOlympic nhằm tạo điều kiện cho những ai mong muốn học, có nguyện vọng học thì có thể học bất kỳ nơi đâu, vào bất cứ thời gian nào, phù hợp với đặc điểm của mỗi cá nhân. Chính điều đó giúp phát huy hết năng lực, tiềm năng trong mỗi con người”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Theo chia sẻ của Nhà giáo Nguyễn Áng, Cố vấn nội dung của cuộc thi ViOlympic ngay từ những ngày đầu tiên, ViOlympic ra đời trong bối cảnh chương trình cải cách giáo dục vừa được thực hiện khoảng 5 năm, nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và phụ huynh về một sân chơi toán học lành mạnh. Những năm đầu tiên, cuộc thi chỉ có gần 700.000 học sinh đăng ký tham gia, đến nay, tính đến thời điểm cao nhất, năm học 2015 - 2016, con số này đã tăng lên gấp 100 lần, đạt 7 – 8 triệu học sinh. Điều này phần nào thể hiện cuộc thi đã tiếp thêm ngọn lửa đam mê Toán học của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam.

Còn nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhận định, ViOlympic không chỉ khuyến khích sự ham mê Toán học của học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, mà ứng dụng CNTT-TT đã góp phần đảm bảo cơ hội học tập bình đẳng của học sinh trên khắp mọi miền đất nước.

ictnews-violympic-mien-bac-3-7067-152678

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, ViOlympic là một chương trình đặc biệt thành công, diễn ra trong 10 năm, đến nay chương trình đã có hơn 20 triệu tài khoản, tạo ra một phong trào tự học Toán học rộng khắp (Trong ảnh: hơn 400 học sinh xuất sắc khu vực miền Bắc dự lễ tôn vinh và trao giải cuộc thi ViOlympic được tổ chức ngày 19/5)

Là một người xây dựng, cho ra đời chương trình ViOlympic, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết ông cũng không ngờ sau 10 năm cuộc thi đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, tác động tới một số lượng học sinh lớn một cách bền bỉ và hiệu quả đến như vậy.

Cho rằng các học sinh yêu Toán học ngày nay may mắn, thuận lợi hơn thế hệ mình trước đây bởi hiện nay học sinh đã có được sự hỗ trợ từ CNTT, Internet, ông Bình cũng cho biết nếu như thế hệ ông học Toán để phát triển tư duy và cách nhìn hệ thống của bản thân, với các bạn trẻ say mê Toán học hiện nay, tương lai rộng lớn hơn rất nhiều.

“Bởi vì với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trái tim của nó là trí tuệ nhân tạo mà trí tuệ nhân tạo thực chất là Toán. Toán học là sức mạnh mà Việt Nam vượt trội trên thế giới… FPT đang làm việc với các trường đại học, các phòng nghiên cứu để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc giáo dục đào tạo trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, robot, máy bay không người lái, blockchain… những công nghệ mà người Việt Nam thuận học. Các nước có một số người rất giỏi nhưng số đông thì không; còn Việt Nam chúng phải chiến thắng bằng sự khác biệt, bằng số đông”, ông Bình chia sẻ.

Ông Bình cũng cho biết, trong bối cảnh đó, ViOlympic sẽ biến đổi hoàn toàn. FPT sẽ đem tất cả những kiến thức, công nghệ tốt nhất mà mình có để nâng cấp ViOlympic thành ra một công cụ học tốt nhất, thông minh nhất, hiện đại nhất. Ông Bình nhấn mạnh: “Mục tiêu cao nhất của Violympic chính là nuôi dưỡng niềm đam mê Toán học cho học sinh Việt Nam. Bằng việc ứng dụng công nghệ, cuộc thi này đã mang đến một phương pháp học tập mới mẻ, lý thú hơn. Trong những năm tới, FPT cam kết đẩy mạnh việc phát triển ViOlympic với công nghệ dữ liệu lớn và công nghệ thực tế ảo”.

Thời gian tới, Ban tổ chức ViOlympic sẽ tiếp tục bổ sung thêm ứng dụng công nghệ 4.0 như ứng dụng chatbot – robot giải đáp thắc mắc đối với các câu hỏi thường gặp, công nghệ thực tế ảo hay tương tác thực tế góp phần tạo ra hình thức thi trực quan, sinh động, truyền tải nội dung hiện đại và thú vị hơn cho học sinh.

ViOlympic là cuộc thi về Toán học và Vật lý trên Internet do Tập đoàn FPT tổ chức. Cuộc thi dành cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên toàn quốc. Để góp mặt tại vòng thi Quốc gia, tất cả các thí sinh đều phải trải qua các vòng thi tự do. Những thí sinh xuất sắc sẽ được tham gia kỳ thi cấp quốc gia.

>> Thí sinh dân tộc Tày: 'ViOlympic nuôi dưỡng em đam mê học Vật lý'

ICT News

Ý kiến

()