Chúng ta

FPT dự kiến bán robot thông minh vào đầu năm 2016

Thứ tư, 24/6/2015 | 07:42 GMT+7

Nếu thành công, Rogo, sản phẩm robot mới nhất của Viện Công nghệ FPT (FRTI) có khả năng biến chiếc smartphone thành một “trợ lý” của mình, có thể hỗ trợ chat video, trả lời câu hỏi giao tiếp, kết nối thiết bị thông minh trong gia đình… sẽ được chuyển đến tay người mua từ tháng 1/2016.

Ngày 15/6, trang www.indiegogo.com lần đầu công bố Rogo (viết tắt của "Robot on the go" - Robot đi vào cuộc sống), một sản phẩm bao gồm ba thành phần RogoCloud, RogoDock và chiếc smartphone do Viện Công nghệ FPT phát triển.

MG-6223-JPG-9025-1435052352.jpg

Rogo (trái), được FPT gọi là "trợ lý riêng" dành cho gia đình.

Anh Lê Ngọc Tuấn, quản trị nhóm Robot, thuộc Viện Công nghệ FPT, cho biết, Rogo sẽ biến chiếc smartphone thành một “trợ lý” thông minh của mình với 3 tính năng chính: RogoTele (hỗ trợ chat video với người thân từ xa như các ứng dụng Skype, Facetime nhưng người gọi có thể chủ động nhìn bất cứ góc nào họ muốn); RogoPic (hỗ trợ người dùng chụp ảnh tự động bằng lệnh, chụp ảnh góc rộng 2x360 giống Youtube 360 nhưng là ảnh tĩnh) và RogoCloud, một mạng xã hội cho gia đình kết nối robot thiết bị và các thành viên.

Hiện nhóm nghiên cứu cũng đang phát triển và hoàn thiện hai chức năng mới là RogoChat (như một trợ lý hỗ trợ người dùng trả lời các câu hỏi giao tiếp đơn giản, những kiến thức chung từ Wikipedia) và RogoHome (kết nối các thiết bị thông minh trong gia đình như bộ đèn Phillip Hue, các cảm biến).

Chức năng thứ hai nhóm đang phát triển và kỳ vọng Rogo sẽ thành một cổng thiết bị thông minh trong gia đình và giao tiếp bằng giọng nói.

Ý tưởng phát triển Rogo đến với nhóm Robot từ cuộc thi SMAC Challenge của FPT và với mong muốn đưa sản phẩm AI (Artificial Intelligence - trí tuệ nhân tạo), robot đến gần hơn cuộc sống.

Quản trị nhóm Robot cho biết, hiện nay, để đầu tư một chú robot như NAO, Pepper, Jibo, chi phí rất cao. “Chúng tôi nghĩ tại sao không dùng một chiếc điện thoại làm CPU chính để phát triển các app cho robot, vừa giảm chi phí đầu tư ban đầu, vừa có thể trải nghiệm những công nghệ mới nhất để làm phong phú thêm cuộc sống”.

Bằng kinh nghiệm khi làm dự án SmartOshin, SMAC Challenge, nhóm đã sở hữu những công nghệ cơ bản về AI và robot. Bắt tay làm Rogo từ tháng 1/2015, nhóm gồm 6 thành viên và các nhân sự về nền tảng xử lý ngôn ngữ như tiến sĩ Nguyễn Hồng Phương của Ban Công nghệ FPT.

Sau quá trình cấu hình, dựng mẫu phần cứng, phần mềm và chạy thử, ngày 15/6, sản phẩm chính thức ra mắt cộng đồng công nghệ.

“Cộng đồng nước ngoài rất cởi mở, sẵn sàng góp ý và mua sản phẩm mới dù nó chưa hoàn thiện. Rogo muốn có nhiều sự đóng góp của cộng đồng nước ngoài để hoàn thiện sản phẩm. Nếu thành công, từ tháng 1/2016, Rogo sẽ được chuyển đến tay những người mua”, anh Tuấn lý giải việc đưa Rogo lên trang nước ngoài. “Tuy nhiên, nhóm vẫn mong muốn sẽ có nhiều người ở Việt Nam làm và thử sản phẩm nhiều hơn. Rogo đi được vào cuộc sống là mong muốn lớn nhất của nhóm”.

Viện trưởng Viện Công nghệ FPT Trần Thế Trung chia sẻ, robot như một định dạng mới để giao tiếp và nó sẽ khác biệt hoàn toàn với các phần mềm trên di động thông thường.

"Các ứng dụng sẽ được bổ sung tiếp bởi cộng đồng và FPT chỉ là "người gieo mầm". Quan trọng nhất là chúng tôi đưa ra khái niệm: Dùng robot làm cách thức giao tiếp mới, giao tiếp bằng ngôn ngữ và cử chỉ của robot, với các ứng dụng di động. Chỉ cần cảm xúc là tạo ra sự khác biệt”.

>> FPT tung ‘trợ lý riêng’ cho gia đình

ICT News

Ý kiến

()