Chúng ta

Đằng sau cái bắt tay giữa FPT và Nguyễn Kim

Thứ hai, 29/4/2019 | 08:19 GMT+7

Hai nhà bán lẻ điện máy và công nghệ có tiếng trong nước là Nguyễn Kim và FPT vừa đưa ra mô hình liên kết mua sắm trực tuyến những mặt hàng điện máy của Nguyễn Kim trên trang web mua sắm online của FPT Shop.

Dù chỉ là thử nghiệm nhưng nhiều chuyên gia cho rằng động thái này cho thấy thị trường thương mại điện tử Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu không chuyển mình sớm sẽ dễ bị loại khỏi sân chơi này.

Chia sẻ lý do chọn Nguyễn Kim làm đối tác, chị Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FPT Retail, cho biết doanh nghiệp đã nghiên cứu thị trường này nhiều năm trước, bây giờ là thời điểm phù hợp để hợp tác. Việc hợp tác lần này dựa trên cơ sở tối ưu thế mạnh sẵn có của đôi bên, đa dạng hóa sản phẩm, mang lại cho khách hàng hiện hữu nhiều ưu đãi và cơ hội tiếp cận thêm sản phẩm khác.

NK-7-PNG-2669-1555018426-8874-1556500506

Trang bán điện máy của FPT Shop và Trung tấm mua sắm Nguyễn Kim.

Cũng theo chị Điệp, trước làn sóng bùng nổ thương mại điện tử, FPT Retail sẽ đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá sao cho phù hợp nhất với phương thức bán hàng online. Bên cạnh đó, chị Điệp nhìn nhận thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển khá nhanh và vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Môi trường và hệ sinh thái gồm cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, các chính sách của nhà nước, dịch vụ logistics, công nghệ mới cũng như việc ngày càng hoàn thiện các cổng thanh toán trực tuyến đang và sẽ hỗ trợ rất tốt cho sự phát triển mạnh hơn nữa của thương mại điện tử.

Theo ông Trương Văn Quý, Giám đốc điều hành EQVN (đơn vị đào tạo digital marketing đầu tiên tại Việt Nam), việc bắt tay của Nguyễn Kim và FPT cho thấy vai trò của công nghệ trong công ty bán lẻ trực tuyến đang thay đổi.

Phân tích rõ hơn, ông Quý cho rằng quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thị trường thương mại toàn cầu. Các công ty bán lẻ truyền thống sẽ có ba chiến lược cơ bản để thích nghi với quá trình này. Thứ nhất là tự xây dựng đội ngũ công nghệ và thương mại điện tử bên trong doanh nghiệp, điều mà Thế Giới Di Động làm từ năm 2005 hay Vingroup đã làm với Adayroi.vn. Thứ hai là mua lại các công ty thương mại điện tử và thứ ba là hợp tác chiến lược với các công ty công nghệ thương mại điện tử.

Theo ông Quý, liên doanh Nguyễn Kim - FPT sẽ làm thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thêm thành viên mới. Tuy vậy, để cạnh tranh với Thế Giới Di Động, Lazada, Shopee, Tiki hay Adayroi thì hai đơn vị này còn rất nhiều việc để làm. Cùng đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cũng cần sớm bắt tay vào quá trình chuyển đổi số nếu vẫn muốn tồn tại trên thị trường trong thời gian tới.

Cùng quan điểm, ông Võ Thế Thắng, chuyên gia về thương mại điện tử, phân tích: Nguyễn Kim là nhà bán lẻ điện máy lâu năm tại TP HCM và Hà Nội. Trong khi FPT là đơn vị mạnh về công nghệ, có kinh nghiệm triển khai các sàn thương mại điện tử như Shopee… Việc liên kết giữa hai doanh nghiệp là tận dụng thế mạnh của nhau và đây có thể là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

Thị trường thương mại điện tử còn dư địa lớn nhưng rồi sẽ chỉ là sân chơi của các doanh nghiệp lớn, giống như xu hướng trên thế giới là Mỹ có sàn thương mại điện tử Amazon và Ebay, Trung Quốc có Alibaba... Các doanh nghiệp nhỏ rất khó mà chen chân vào thị trường này nếu không có những sản phẩm đặc thù, tìm ra thị trường ngách, tạo sự khác biệt với những sàn thương mại điện tử lớn.

>> FPT Shop cho khách đặt hàng từ Amazon, 2 tuần sản phẩm đến tay

PLO

Ý kiến

()