Chúng ta

Chuyển đổi số và giấc mơ điểm sáng công nghệ của FPT

Thứ tư, 12/9/2018 | 08:42 GMT+7

Người khổng lồ cũng sẽ phải xuống dốc sau khi lên đến đỉnh nếu không có những đỉnh cao mới. Đó là tâm niệm của người nhiều ý tưởng và ước mơ Trương Gia Bình khi dẫn dắt FPT.

Từ giấc mơ vươn tầm thế giới

20 năm trước, khi đang là công ty tin học số 1 Việt Nam, FPT tự đặt ra thách thức mới: Vươn ra thế giới với hướng đi chiến lược xuất khẩu phần mềm.

“FPT có thể đi vào con đường suy thoái nếu tự hài lòng và không có những thách thức mới. Thách thức mới sẽ là toàn cầu hóa. FPT sẽ vượt qua biên giới địa lý quốc gia, vươn ra thế giới như các công ty toàn cầu khác, FPT sẽ xuất khẩu phần mềm”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nhớ lại.

Năm 1998, Trung tâm Xuất khẩu phần mềm, tiền thân của FPT Software (đơn vị thành viên phụ trách mảng xuất khẩu phần mềm của FPT) ngày nay ra đời. Đây là bước đi đầu tiên của FPT trên hành trình chinh phục thử thách “đặt tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới”, mặc dù khi đó, chính ông Trương Gia Bình cũng không biết bắt đầu từ đâu.

Mò mẫm tìm đường xuất khẩu phần mềm, FPT đã không ít lần vấp váp, từ chuyện thất thủ tại Ấn Độ, tới việc đóng cửa văn phòng ở Mỹ chỉ sau hơn một năm hoạt động… Rồi đến doanh thu xuất khẩu phần mềm chưa bằng một nửa số chi phí đầu tư cho hoạt động này.

Thế nhưng, khó khăn không làm nhụt chí FPT và cá nhân ông Trương Gia Bình. Kiên gan với mục tiêu chinh phục thị trường thế giới, cuối cùng FPT đã thành công với chiến lược: Phải chơi được với những công ty lớn. Mở đầu với những tên tuổi lớn NTT IT, IBM Pháp và sau này là những “đại gia” trong danh sách 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới theo tạp chí Fortune bình chọn như Airbus, Siemens, General Electrics, Microsoft, Hitachi, RWE…. Danh sách đối tác của FPT nối dài những cái tên của người khổng lồ. Năm 2016, số khách hàng trong top 500 Fortune của FPT mới đạt con số 24. Nhưng đến nay con số này đã lên đến gần 100 tập đoàn.

Anh-1-3405-1536673435.jpg

FPT ký kết hợp đồng có tổng giá trị trên một trăm triệu USD liên quan đến công nghệ IoT và các nền tảng chuyển đổi số cho innogy SE (công ty trực thuộc RWE).

Xuất khẩu phần mềm trở thành trụ cột doanh thu của khối công nghệ với tốc độ tăng trưởng bình quân 26%/năm và chiếm tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận lần lượt là 56% và 94%. Từ một doanh nghiệp bán lẻ, khi 7 năm trước 70% doanh thu đến từ bán điện thoại, FPT đã thực sự chứng minh được điều họ đã cố thuyết phục Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, rằng FPT là một công ty công nghệ.

Theo đánh giá của VCSC, lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT vẫn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao và dự phóng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 24% trong năm 2018 so với 2017. FPT đã khẳng định vị trí không có đối thủ của mình tại Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ước mơ đặt tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ thế giới đã thành hiện thực khi bất cứ báo cáo lớn nào trên thế giới cũng không quên nhắc tên Việt Nam. Trong bảng xếp hạng của hãng tư vấn AT Kearney công bố tháng 9/2017, Việt Nam đứng thứ 6 trong các quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu 2017. Trước đó, Việt Nam đứng số 1 thế giới về địa điểm dịch vụ gia công quy trình DN (BPO) trên bảng xếp hạng của Cushman & Wakefield năm 2016.

Đến tầm nhìn và tham vọng mới trong cách mạng số

Tại trụ sở FPT, nhìn sâu vào ánh mắt của những con người đã và đang lèo lái con tàu này, họ có sự phấn khích của những trận đánh đỉnh cao, và sự ấm áp của những con người luôn đi tìm lời giải mới. Điều gì giống và khác với tương lai mà họ mường tượng 30 năm trước? Trương Gia Bình cười, ánh mắt ngoài ấm áp còn thêm lấp lánh: “Ngày xưa chúng tôi đi bước đi dài với 13 con người đầu tiên. Nay chúng tôi có 33.000 người trên khắp thế giới. Và 95 triệu đồng bào thì các bạn tưởng tượng xem, chúng tôi sẽ còn đi xa đến đâu?”.

Anh-2-4072-1536673435.jpg

FPT hiện có hơn 33.000 CBNV với độ tuổi trung bình 28.

Nếu chỉ mãi gia công phần mềm, Việt Nam và doanh nghiệp Việt như FPT sẽ hụt hơi trong cuộc đua mới, mãi ở vị trí người làm thuê. Năm 2018, FPT lại một lần nữa đặt cho mình thử thách tiên phong, để chinh phục đỉnh núi tiếp theo: Dịch vụ chuyển đổi số.

Ngày 12/7 là một ngày đặc biệt với FPT, khi doanh nghiệp họp trực tuyến hai đầu cầu Hà Nội và Atlanta, Mỹ để công bố việc mua 90% Intellinet, một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ. Lần đầu tiên, một doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam mua một công ty tư vấn của Mỹ. Giá trị thương vụ theo FPT cho biết có thể lên tới 45-50 triệu USD. Ở thời điểm ký kết, FPT phải trả 30 triệu USD, phần còn lại sẽ dựa trên kết quả kinh doanh của Intellinet trong vòng 3 năm tới.

Anh-3-5663-1536673435.jpg

Lần đầu tiên, một doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam mua một công ty tư vấn của Mỹ.

Sự kiện mua lại Intellinet là dấu mốc quan trọng trong hành trình hiện thực tầm nhìn và tham vọng mới, chinh phục lĩnh vực dịch vụ chuyển đổi số, đưa Việt Nam trở thành một “điểm sáng công nghệ toàn cầu” của FPT.

Theo một khảo sát, các tổ chức hoạt động thành công nhất trong khu vực tư nhân và khu vực công chi lần lượt 33% và 21% ngân sách công nghệ thông tin năm 2017 vào đầu tư chuyển đổi số. Trong năm 2018, các tổ chức này dự kiến tăng mức chi lên 43% ngân sách công nghệ thông tin cho số hóa, các tổ chức công tăng lên mức 28%. Một dự báo khác cho thấy đến năm 2020, chi phí cho chuyển đổi số toàn cầu đạt khoảng 2.000 tỷ USD.

Nhận rõ tiềm năng và cơ hội, không chỉ rót vốn để sở hữu công nghệ, FPT đã bắt tay hợp tác với nhiều đối tác lớn. Hiện FPT có trong tay danh sách khoảng 550 khách hàng là các tập đoàn lớn trên toàn cầu, là đối tác quan trọng của những tập đoàn đứng đầu trong các lĩnh vực hàng không, công nghiệp, năng lượng như Airbus, Siemens, GE.

Anh-4-3854-1536673435.jpg

Tháng 12/2017, FPT là một trong những đối tác đầu tiên phát triển công nghệ trong lĩnh vực hàng không dựa trên nền tảng công nghệ Skywise của Airbus.

“Trước đây, FPT từng mất 10 năm để thuyết phục một hãng hàng không hàng đầu thế giới ký kết dự án nhưng với năng lực về công nghệ hiện nay, đặc biệt là các công nghệ mới liên quan đến chuyển đổi số, thời gian thuyết phục đối tác chỉ còn tính theo đơn vị tháng”, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình nói.

Cách tiếp cận của FPT giờ đây cũng đã thay đổi. Thay vì bán từng phần mềm riêng lẻ theo đặt hàng của từng doanh nghiệp, FPT cung cấp các giải pháp công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn. Doanh nghiệp cũng không giấu diếm tham vọng trở thành đối tác cấp cao nhất của các tập đoàn sở hữu nền tảng công nghệ IoT. Mục tiêu của FPT là tăng trưởng doanh thu từ mảng cung cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số đạt bình quân 50 - 70%/năm.

Cái thế của FPT giờ đây cũng đã khác. Từ vị trí làm thuê, giờ FPT trở thành đối tác đồng hành cùng các doanh nghiệp lớn, cùng tìm giải pháp cho sự phát triển công nghệ của các tập đoàn hàng đầu. Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 là Cuộc cách mạng của các nền tảng AI, Biometrics, IoT, Smart technology, Predictive technology, v.v. Mà tất cả công ty công nghệ đều không thể cưỡng lại dấu chân của lịch sử, và chúng ta không ai đứng ngoài. “Một cuộc chơi mới trên sân chơi toàn cầu lại được bắt đầu”, Trương Gia Bình nói. “Đây mới chỉ là bước dạo đầu”.

>> Cuộc chơi với những gã khổng lồ của FPT

Zing

Ý kiến

()