Chúng ta

Bài học cho doanh nghiệp Việt muốn 'chinh phục' thế giới

Chủ nhật, 5/4/2015 | 09:05 GMT+7

Có khát khao, có định hướng rõ ràng và chiến lược cụ thể là những bước đầu tiên để một doanh nghiệp có thể toàn cầu hóa.

Đây là những chia sẻ chân thành của ông Tomokazu Hamaguchi - Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT, Nguyên Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc NTT Data - Công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn thứ 6 toàn cầu trong buổi đại hội cổ đông của FPT ngày 3/4.

Là một thành viên trong Ban lãnh đạo FPT - một doanh nghiệp Việt đang định hướng chính vào chiến lược toàn cầu hóa với mục tiêu doanh thu ở thị trường nước ngoài đạt 1 tỷ USD vào năm 2020, ông Tomokazu đã chia sẻ những kinh nghiệm “chinh chiến” của chính NTT Data vào những thời gian đầu của doanh nghiệp.

4-1-6878-1428116695.jpg

Cựu Chủ tịch NTT Data chia sẻ kinh nghiệm tại Đại hội đồng cổ đông FPT năm 2015.

NTT Data đã có kinh nghiệm toàn cầu hơn 20 năm trước. Đối với "ông lớn" công nghệ thông tin đến từ Nhật Bản này, trong quá trình toàn cầu hóa, quan trọng nhất là doanh nghiệp phải xác định được mục tiêu, và một điều quan trọng nữa chính là vai trò của người lãnh đạo.

NTT Data đã trải qua 3 bước để toàn cầu hóa

Giai đoạn đầu tiên là khi doanh nghiệp nhận thức ra được rằng nếu chỉ ở Nhật Bản thôi thì NTT sẽ không phát triển hơn được nữa. Bắt đầu từ năm 1995, NTT bắt đầu thiết lập hệ thống tại Trung Quốc.

Thời gian đầu do chưa quen thuộc với tập quán của đất nước này nên công ty bị tổn thất khá nặng nề. Tuy nhiên trong quá trình đó NTT đã học được rất nhiều về làm việc tại môi trường nước ngoài. Tại thời điểm này, NTT đã thành lập một công ty con ở Trung Quốc đồng thời nhận khá nhiều việc cho một công ty đối tác tại Trung Quốc. "Tại giai đoạn này chúng tôi cố gắng tạo ra nhiều công ty Trung Quốc nhận ủy thác từ NTT Data. Sau đó NTT bắt đầu gây dựng sự nghiệp tại châu Á" - ông Tomokazu Hamaguchi chia sẻ.

Giai đoạn thứ 2 là giai đoạn nhiều công ty Nhật Bản đi làm toàn cầu hóa. Họ là khách hàng của NTT và NTT phải đi theo họ trong những nước mà họ hướng đến. Trong thời gian này, NTT đã đi cùng và hỗ trợ cho những doanh nghiệp như Panasonic hay Honda. "Chúng tôi nhận thức ra rằng chúng tôi phải có được những cơ sở của chính mình tại những nơi mà khách hàng có mặt. Nhưng nếu chỉ vậy thôi thì chúng tôi cũng không thể phát triển hơn được".

Tiếp theo là giai đoạn thứ 3. Đó là giai đoạn doanh nghiệp có thể nhận ủy thác từ những công ty Global. Thời kỳ này bắt đầu từ năm 2003. Tại giai đoạn này NTT phải mở rộng cơ sở tại nước ngoài bằng phương thức M&A.

Việc lựa chọn công ty để M&A là một chuyện rất khó khăn. Doanh nghiệp cần đánh giá dựa trên tiềm lực và kỹ năng đối tượng có, ưu nhược điểm hoặc quy mô có phù hợp với doanh nghiệp hay không.

Đối với NTT Data, công ty tập trung lựa chọn những doanh nghiệp có năng lực SAP để có thể phục vụ cho những công ty trong top 500 Fortune (SAP - Viết tắt của “System, Application and Data Processing" là một hệ thống quản trị thông tin trọn vẹn, một hệ thống cực lớn trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp).

Nếu so với 10 năm trước, doanh thu hiện tại của NTT Data từ toàn cầu hóa đã gấp 100 lần. Tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu năm 2015 sẽ là 24 tỷ USD.

Ông Tomokazu Hamaguchi cho rằng toàn cầu hóa cần những bước đi rất cụ thể. Đối với các doanh nghiệp đã xác lập được những mục tiêu và bước đi cụ thể, chỉ cần tuân thủ đi theo lộ trình đã đặt ra thì sẽ gia tăng được doanh thu từ toàn cầu hóa.

Bizlive

Ý kiến

()