Mỗi ngày, tôi nhắc mình phải gọi video call cho con ít nhất một lần. Rồi những ngày đầu, nhiều khi mình xong việc đã đến giờ hai đứa đi ngủ, đành mở vài tấm ảnh chụp nó ở nhà hay đi chơi đâu đó, và cầu nguyện cho con được bình an.
Con gái 7 tuổi đã có tình cảm hơn. Hai ngày đầu khi xa ba mẹ, mỗi lần ba gọi điện là nó khóc, dỗ mãi không nín, cứ một hai “con muốn ngủ với ba thôi”. Nó buồn rồi bỏ ăn. Mãi đến khi ba nạt, bảo còn khóc là ba không lên đón về, mới dịu lại.
Ngày 26/7, vợ nhận lệnh vào bệnh viện - nơi cô ấy làm việc, để cách ly, khi Đà Nẵng đã ghi nhận nhiều ca lây nhiễm nCoV trong cộng đồng, đều liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng. Ngay khi biết tin, tôi chuẩn bị sẵn một tâm lý: giục vợ đi càng nhanh càng tốt.
Tôi chỉ nói với vợ ngắn gọn, đại để dịch bệnh đã bùng phát trở lại, bệnh viện cần phong toả để khoanh vùng và dập được dịch, bảo toàn lực lượng nếu dịch kéo dài. Một vài bộ quần áo được gói vội. Tôi để vợ tự chạy xe máy đến bệnh viện, vì không muốn vừa đi vừa bàn tính những chuyện khi nào hết dịch, con cái gửi ở đâu, ở nhà ăn uống thế nào…. Nhưng rồi, vấn đề lớn nhất hai vợ chồng phải đối mặt là “gửi con ở đâu”.
Đó là một quyết định khó khăn!
Đã có rất nhiều gia đình, là đồng nghiệp của vợ, đồng nghiệp của tôi rơi vào hoàn cảnh tương tự, thậm chí nhiều cặp vợ chồng cùng là nhân viên y tế, phải gửi con cho hàng xóm trông hộ, rồi tức tốc lên đường mà không biết ngày mai các con sẽ ăn ở ra sao, trả lời cho chúng một đáp án chính xác "bao giờ mẹ về". Nhiều người vào khu điều trị chăm sóc cho bệnh nhân, kiệt sức vì mất nước trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, đối diện nguy cơ lây nhiễm chéo.
Tôi tính đủ đường. Gửi con ra quê sẽ không có người đưa về. Nếu vợ xét nghiệm dương tính thì cả nhà cách ly thế nào? Để con ở nhà thì ai chăm? Mình đi làm, tiếp xúc với những khu vực có nguy cơ cao, con sẽ không an toàn?,…
Cùng lúc, cậu sinh viên thực tập là em đứa bạn thân, đang ở nhà mình muốn về trên quê. Ý nghĩ mới loé lên: Hay là gửi con nhờ chú và ông bà coi giúp, vì mấy chú cháu ở với nhau cả tháng cũng khá thân thiết, ông bà chắc cũng hiểu tình cảnh của mình lúc này.
Liền sau đó là hàng loạt giả thiết khác: Nếu gửi con lên đó mà nhà mình có ca mắc Covid-19 sẽ liên luỵ đến gia đình bạn. Hai đứa nhỏ sẽ cách ly ở đâu? Tôi quay cuồng khoảng 1 tiếng đồng hồ, không tìm ra lối thoát.
Quyết định gửi con lên rừng được đưa ra, sau vài cuộc điện thoại cho bạn. Hai thằng thẳng thắn nêu vấn đề “nếu mắc Covid thì sao?”. Thằng bạn bảo “mày không phải nghĩ”. “Nhưng ráng dặn cả nhà cùng nhau tự cách ly hoặc hạn chế tối đa tiếp xúc 14 ngày, để theo dõi tình hình dưới này có gì còn xử lý”, mình bảo nó.
Tự cách ly là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống dịch.
Một chiếc túi nhỏ với vài bộ áo quần được dọn vội. Ba chú cháu chất đồ lên xe máy. Tôi chỉ kịp lấy chiếc đai cho con gái lớn, dặn đi dặn lại dăm lần rằng “chú cứ chạy chậm, an toàn là trên hết”, vì quãng đường hơn 40km là nhiều đoạn dốc quanh co. Đưa con ra khỏi ngõ, nói với nó đi chơi vài ngày rồi về nhưng lòng thì đã chắc mình lại thất hứa.
Tôi sau đó không nói thêm gì nữa, hối thằng em đi kẻo nắng. Thực sự, nếu tụi nó đứng lại thêm ít phút, có lẽ tôi đã khóc mà ôm con về. Quyết định đưa con đi gửi, có thể là một sự mạo hiểm, một suy nghĩ chưa thực sự thấu đáo và tiềm ẩn nguy cơ. Nhưng ở hoàn cảnh đó, tôi đã nghĩ hết cách.
Những ngày sau đó, công việc ngốn hết thời gian. Hai đứa nhỏ dần quen và tự lập hơn với nơi ở mới. Nhiều hôm, không chờ đến mình gọi điện, chúng chủ động nhờ chú gọi về tám vài phút. Có bữa, nó gọi về đúng lúc ba đang ăn cơm. Cu cậu 5 tuổi dõng dạc “ba ăn đi, nói chuyện sau nhé”, rồi tắt máy cái rụp. Có hôm mình gọi lên, vừa bật camera lên, cũng đã một giọng “con ăn xong rồi ba gọi nghe”.
Mỗi ngày, tôi cảm nhận được con dần tự lập và trưởng thành hơn. Đôi lúc, chơi quanh đồi, cu cậu ngã đỏ tấy một bên hông. Chat video cậu khẽ kéo quần “khoe chiến tích”. Tôi chỉ cười, bảo “chơi được chịu được”. Nó quá quen với việc khi tự mình té ngã thì tự mình đứng lên và không khóc nhè.
Nhưng điều tôi quan tâm nhất, là kết quả xét nghiệm của vợ. Phải chờ 14 ngày, khi kết quả lần 3 âm tính, tôi mới thở phào và gọi điện báo tin ngay cho bạn. Vợ được về nhà ít ngày, nhưng chưa thể đón con về.
Nhiều đêm, rít hơi thuốc thật sâu, ngồi nghĩ gia đình mình may mắn, ít nhất là đến thời điểm này. Những lúc gian nan nhất, khó khăn nhất, mới thấy tình bạn càng thêm trân quý.
Chúng tôi đã có những quãng thời gian sống nợ nhau. Nợ ân tình. Nhưng chắc sẽ nhớ mãi. Các con tôi chắc cũng có được một kỳ nghỉ hè đáng nhớ. Biết đâu, bức tranh tiếp theo nó vẽ, sẽ không còn là những khối nhà bê tông, mà là bình mình trên đồi chè xanh mỗi ngày chúng cũng lũ bạn mới chạy nhảy, vui đùa.
“Dịch bệnh đã được kiểm soát”, là câu được dùng trong một vài văn bản hoặc phát biểu những ngày gần đây. Hai vợ chồng tính toán, nếu được đi ra khỏi Đà Nẵng, thì nơi đầu tiên là ngược lên rừng, ăn với gia đình bạn một bữa cơm, ngồi tâm tình dưới bóng cây trước căn nhà gỗ.
Nhưng hy vọng đoàn viên đúng nghĩa dường như đang đối mặt với một thực tại mới: Đà Nẵng hôm nay ghi nhận 4 ca lây nhiễm cộng đồng, đều là tiểu thương và người quản ý ở chợ. Tuần tới, mẹ lại vào bệnh viện và có thể sẽ tiếp tục cách ly. Bốn người sẽ tiếp tục những buổi gặp nhau trên video chat, rồi nói chuyện về một ngày sẽ được ngủ cùng nhau.
Hơn 70% trong số 243 ca bệnh đang điều trị ở Đà Nẵng không có triệu chứng. Họ được phát hiện nhờ quá trình rà soát, truy vết, xét nghiệm diện rộng. Nhưng cũng gợi ra nhiều suy nghĩ. Mỗi chúng ta đều có thể đang mang virus. Nhiều người xét nghiệm đến 5 lần mới được xác định dương tính với nCoV.
Nên chăng, muốn chiến thắng dịch bệnh lúc này, chúng ta cần phải coi những người tiếp xúc với mình là F0 để ý thức hơn trong việc đeo khẩu trang, sát khuẩn đôi tay thường xuyên và giữ khoảng cách khi giao tiếp.
Dịch bệnh rồi sẽ qua. Tôi tin như thế. Và gia đình mình đã có những ngày không bao giờ quên.
>>Ấm lòng những chuyến hàng chống dịch
Nguyễn Đông
Ý kiến
()