Chúng ta

'Dũng sĩ' FPT chạy đua với dịch

Thứ năm, 6/8/2020 | 17:58 GMT+7

Mì Quảng ăn vội, uống ngụm nước suối rồi lao ngay vào công việc. Mấy ngày nay, cán bộ kỹ thuật FPT Telecom chạy đua với thời gian, kịp bàn giao hạ tầng Internet phục vụ chống dịch cho Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng.

11h ngày 6/8, gần 20 nhân sự phòng Kỹ thuật, FPT Telecom Đà Nẵng hớn hở chia nhau những chai nước suối uống cho đã khát. "Vào mạng được rồi, ngon lành", Phó Giám đốc chi nhánh Nguyễn Chí Cường mừng ra mặt khi kiểm tra hệ thống Internet tại Bệnh viện dã chiến. Dù nước mát tận họng nhưng ai nấy đều dừng để nhìn vào màn hình đang hiển thị kết nối tốt. Hạ tầng tại khu vực vận hành ổn định, chính thức bàn giao cho Sở Y tế TP Đà Nẵng sử dụng. Đó là thành quả của gần 20 con người luôn tay làm việc, liên tục từ chiều 4/8 cho đến sáng hôm nay.

Từ ngày TP Đà Nẵng bùng dịch, anh em khối Kỹ thuật chi nhánh chẳng mấy khi được ăn cơm nhà. Đều đặn thay phiên, chia ca trực để sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Giám đốc chi nhánh Nguyễn Đăng Duy ra "tối hậu thư" trong việc phòng chống dịch và càng quyết liệt hơn nữa trong khâu vận hành, xử lý sự cố… đảm bảo truy cập để đảm bảo đường truyền cho các "chiến sĩ áo trắng" và người dân theo dõi, cập nhật tin tức trong khi điều trị.

3-6240-1596707617.jpg

Những bữa trưa ăn vội ngay tại Bệnh viện dã chiến rồi nhanh chóng bắt tay vào công việc.

Cầm chai nước suối với chiếc áo mồ hôi ướt đẫm, anh Hoàng Kim Phương ngồi bệt xuống nền Bệnh viện dã chiến. Mấy hôm liền anh đi từ sáng cho đến tối muộn mới về nhà, nay đang rất háo hức để có được một bữa cơm với gia đình. Anh Phương là một trong số gần 20 nhân sự trực tiếp tham gia triển khai hạ tầng tại khu vực. Phương bảo muốn về nhà lắm, nhưng phải hoàn thành cho kịp tiến độ. "Ai cũng gắng hết sức, đặc biệt khi biết tin FPT tài trợ miễn phí thì anh em như tiếp thêm nhiều động lực. Cảm giác như chính bản thân mình cũng đang góp sức chung tay với TP Đà Nẵng chống Covid vậy”.

Lúc này đã giữa trưa, nghĩa là 72 giờ các anh em chạy đua để kịp bàn giao cho Bệnh viện dã chiến. Nhìn cả khu vực rộng hơn 10.000 m2 được trưng dụng, sẽ không thấy rõ thiết bị modem nhưng Internet thì đã được phủ sóng toàn bộ. Phan Văn Sơn, cán bộ giám sát hạ tầng kỹ thuật, cũng không ngờ mọi thứ được triển khai một cách nhanh chóng, vận hành suôn sẻ đến vậy. Sơn phân trần, khối công việc là rất lớn, có nhiều anh em phải leo cao, liên tục kéo hàng nghìn mét cáp, đảm bảo phủ sóng được toàn bộ khu vực hơn 10.000 m2 càng nhanh càng tốt là rất áp lực. "Chúng tôi hầu như không nghỉ, chỉ có dừng tay uống nước và tiếp tục làm. Rất phấn khởi khi chúng tôi đã làm được, kịp thời bàn giao cho thành phố”.

1-5655-1596707617.jpg

Áp lực về thời gian là điều khiến tất cả anh em khối Kỹ thuật phải nỗ lực hết sức, làm việc liên tục để hoàn thành tiến độ.

Tạm xong công việc tại bệnh viện, anh Phan Anh Tú mới thở phào nhẹ nhõm, mấy hôm liền theo sát cùng anh em mới thấy nỗ lực rất lớn của mọi người như thế nào. Để kịp tiến độ, anh em quyết định sẽ làm xuyên trưa, mang cơm đến bệnh viện để tiết kiệm thời gian. Tú tâm sự, ăn cơm hoài cũng ngán, thế là nhờ người thân mang giúp mấy tô mì Quảng của nhà tự nấu, vì quán xá mùa dịch cũng đóng cửa hết rồi. Anh em ăn vội để còn làm tiếp. Để thuận tiện công việc và thực hiện giãn cách, mọi người tự chia nhau từng đợt ăn trưa. “Cũng vì vậy mà có mấy anh em ham việc quá, đến tận đầu giờ chiều mới ăn. Nhìn bát mì đã nguội mà thương”, anh vừa chỉ vừa nói.

Theo anh, việc triển khai thi công tại bệnh viện dù gấp gáp nhưng diễn ra khá thuận lợi. Khó khăn lớn nhất nằm ở khâu chuẩn bị thiết bị, vật tư để thi công tại một khu vực lớn. Ngay lập tức, phương án chi viện từ chi nhánh Quảng Nam được triển khai, vật tư vừa "cập bến" Đà Nẵng cũng là lúc gần 20 nhân sự bắt tay vào công việc. Khoảng 1.200 m cáp trong nhà, 2.200 m cáp ngoài trời, 29 thiết bị modem hiện đại... nhanh chóng xuất kho triển khai phương án hỗ trợ toàn bộ hạ tầng, đường truyền Internet tốc độ cao; hệ thống Internet phủ kín hơn 10.000 m2 và ứng dụng xem truyền hình Foxy miễn phí cho y, bác sĩ, bệnh nhân tại khu vực.

7-2955-1596707617.jpg

10.000 m2 khu vực Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn (Đà Nẵng) đã được nhà Viễn thông FPT phủ sóng hoàn toàn miễn phí.

Phấn khởi khi "đứng đâu cũng có Internet FPT phủ sóng", anh Nguyễn Chí Cường quyết định thưởng nóng, kịp thời động viên tinh thần làm việc xuất sắc của tất cả nhân sự tham gia dự án lần này. Anh cho biết, công việc hoàn thành nhưng vẫn phải còn một nhiệm vụ hết sức quan trọng khác. “Ngay sau bàn giao, chi nhánh sẽ bố trí 4 nhân sự "trực chiến" kiểm tra, giám sát, xử lý sự cố tại khu vực khi cần thiết”.

Phó Giám đốc chi nhánh đánh giá cao tinh thần của đội ngũ Kỹ thuật, đặc biệt trong thời điểm dịch bùng phát. Ngoài các chỉ thị yêu cầu giãn cách, yêu cầu hạn chế ra đường,… thì những CBNV khối Kỹ thuật lại có một chỉ thị hoàn toàn khác, mang trọng trách đảm bảo đường truyền viễn thông giúp người dân truy cập, theo dõi tin tức mùa dịch. “Họ xứng đáng là những dũng sĩ trong mùa Covid”, anh Cường nói.

Ngày 4/8, Sở Y tế TP Đà Nẵng có công văn gửi FPT Telecom Đà Nẵng về việc đề nghị hỗ trợ hạ tầng Internet khu vực Bệnh viện dã chiến tại Cung thể thao Tiên Sơn. Theo đó, Sở Y tế mong muốn FPT Telecom hỗ trợ lắp đặt hạ tầng Internet nhằm đảm bảo thông tin liên lạc giữa Bệnh viện dã chiến với Sở Y tế, các đơn vị liên quan cũng như giữa các bộ phận, cá nhân trong bệnh viện.

BS. Võ Thu Tùng, Chánh Văn phòng Sở Y tế, cho biết, Bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng, chống dịch được thiết lập, dưới sự chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng. Việc đảm bảo thông tin liên lạc là điều rất cần thiết, góp phần nâng cao công tác tiếp nhận, theo dõi, điều trị… và các hoạt động khác tại bệnh viện.

Ngay sau khi nhận được công văn từ Sở Y tế, Ban điều hành FPT Telecom, lãnh đạo Vùng miền 4 và chi nhánh Đà Nẵng đã phê duyệt phương án hỗ trợ miễn phí toàn bộ hạ tầng, đường truyền Internet tốc độ cao; hệ thống Internet phủ kín hơn 10.000 m2 sử dụng và ứng dụng FPT Play miễn phí cho y, bác sĩ, bệnh nhân tại khu vực.

>>FPT ‘thần tốc’ phủ sóng Internet Bệnh viện dã chiến Đà Nẵng 

Nguyễn Huy

Ý kiến

()