Chúng ta

Trải nghiệm giảng viên nội bộ ở FPT

Chủ nhật, 19/11/2023 | 11:52 GMT+7

Khi mới vào làm Giám đốc Công nghệ của FPT IS, tôi được đặt hàng đào tạo tổng quát về các chủ đề công nghệ như Chuyển đổi số, Thành phố Thông minh... Cảm giác cũng là trách nhiệm phải làm thôi. Thấy các bạn đồng nghiệp và thậm chí cả các lãnh đạo FPT IS tham gia thì cũng vui và phấn khởi vì được sự quan tâm. Nhớ nhất là hôm đào tạo chuyển đổi số có anh Đỗ Sơn Giang - PTGĐ kiêm Giám đốc Tài chính FPT IS dự từ đầu đến cuối, sau còn tìm hiểu sách tham khảo để đọc thêm.

Sau một thời gian, thấy CBNV chưa được đào tạo kỹ năng mềm một cách bài bản, tôi thuyết phục ban điều hành và bộ phận Đào tạo thuộc FPT IS HR mua bản quyền khóa Kỹ năng trình bày của hãng Simitri Group để tôi đứng lớp.

Tôi có một đam mê riêng, đó là đào tạo kỹ năng mềm. Từ khi làm cho các công ty đa quốc gia, tôi may mắn được tham gia hơn 300 khóa học dài ngắn khác nhau. Qua những chương trình đó, tôi đã làm được nhiều việc, vị trí khác nhau mà trước đó tôi không nghĩ mình có thể. Rất nhiều giảng viên của tôi là những cựu CxO trong các tập đoàn toàn cầu lớn. Họ xem việc truyền đạt lại kinh nghiệm, đào tạo kỹ năng cho thế hệ sau là sứ mệnh và niềm hạnh phúc. Từ khi mới hơn 30 tuổi, tôi đã có suy nghĩ: Sau này, mình sẽ làm như vậy. Năm 2015, ngay sau khi rời Cisco, tôi đã bắt đầu nghề giảng viên đào tạo kỹ năng mềm cho Simitri và Miller Heiman cho đến khi gia nhập FPT IS vào đầu 2017. Được làm điều mình đeo đuổi ngay trong FPT IS quả là thú vị! Hạnh phúc nhất là có thể chứng kiến các bạn học viên phát triển sau khóa học, liên hệ được câu chuyện, công việc của FPT IS vào nội dung khóa học.

Theo tôi, có một số tiêu chí để trở thành giảng viên nội bộ hiệu quả. Thứ nhất, giảng viên cần có nhiều kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm trong cả chuyên môn cũng như trong công việc và cuộc sống. Tiếp đến, giảng viên cần có các kỹ năng đào tạo cần thiết như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sư phạm... Một tiêu chí nữa rất quan trọng là cần có đam mê việc đào tạo, thấy việc này như một sứ mệnh, niềm hạnh phúc để vượt qua khó khăn, cân đối với công việc, vai trò chính.

Việc đào tạo nội bộ có những điểm khác, những thuận lợi và khó khăn so với việc đào tạo ở các khóa học mở. Nếu được thiết kế, tổ chức tốt thành chương trình cho các vị trí, trình độ khác nhau và liên hệ mật thiết đến chiến lược phát triển kinh doanh, công nghệ của FPT IS thì đào tạo nội bộ sẽ hiệu quả hơn nhiều. Giảng viên nội bộ có thể mang chính công việc, kinh nghiệm của FIS để đào tạo, minh họa. Đào tạo những gì FPT IS cần giúp học viên tiếp thu dễ dàng hơn. Việc đào tạo nội bộ cũng sẽ giúp tối ưu về kinh phí và giữ được bí mật kinh doanh. Tuy nhiên, nếu không có đủ lực lượng giảng viên, chương trình được thiết kế có hệ thống, nội dung được thiết kế phù hợp, bộ phận L&D (Đào tạo và phát triển) đủ nguồn lực... hiệu quả chương trình có thể không cao, tinh thần tham gia của cả giảng viên và học viên không giữ được theo thời gian... Một chương trình đào tạo hiệu quả đôi khi cũng cần phối hợp giữa giảng viên nội bộ và giảng viên bên ngoài, khóa nội bộ với khóa mở...

Trong những năm đầu ở FPT, tôi đã có những trải nghiệm khó quên với vai trò giảng viên nội bộ. Tôi bắt đầu dạy khóa Kỹ năng thuyết trình (2 ngày liên tục) đầu tiên vào tháng 3/2019, cũng là mùa làm chiến lược và FPT triển khai OKR. Đầu tiên, tôi đưa ra mục tiêu cá nhân là đào tạo mỗi tháng một lớp 2 ngày. Sau quý 1, thấy lực lượng sales/presales của FPT IS đông quá mà mỗi lớp cho phép không quá 12 người tham gia để đảm bảo chất lượng, tôi nâng OKR lên thành một lớp mỗi tháng. Có tháng, các bạn. L&D xếp cho tôi dạy 2 lớp (một lớp 2 ngày và một lớp nửa ngày) liền nhau trong một tuần. Tôi thuyết phục mãi mới được xếp cách một ngày. Cho đến tuần đầu tháng 11, trong 9 tháng, tôi đào tạo được 6 lớp, chỉ đạt 67% OKR nhưng công việc cũng bận quá... Mỗi lớp, tôi lại có những kỷ niệm đáng nhớ khác nhau nhưng thú vị nhất là học được kiến thức và kinh nghiệm sống của từng học viên là các đồng nghiệp. Điều đó càng khẳng định một điều: Trong việc dạy có cả việc học. Ở lớp học và thỉnh thoảng tình cờ gặp lại, nghe các bạn học viên gọi là thầy... hơi chưa quen nhưng không giấu được niềm vui nho nhỏ.

Có lần, một bạn quản lý cấp cao của một đơn vị trực thuộc FPT IS gửi tin nhắn của nhân viên vừa hoàn thành khóa học, xin phép được trích ở đây: “Đây là khoá học thực sự hữu ích cho em, các PM (quản trị dự án) và cán bộ kinh doanh, tư vấn. Có rất nhiều kiến thức mới mẻ chưa từng biết đến, được tổ chức thành giáo trình bài bản và khoa học, khi tham gia sẽ được cải thiện dần dần, mang tính chất tự nhận thức, do vậy cũng rất dễ dàng tiếp thu. Anh Sơn thực sự rất tâm huyết với việc truyền đạt kiến thức cho anh em khác. Thực sự cảm kích vì thành phần tham gia lớp học không hẳn là đối tượng anh ấy mong muốn truyền đạt nhưng sau 2 ngày, em cảm nhận tất cả mọi người đều tiến bộ rõ rệt”. Nghe thấy điều này, tôi thấy vui vì nỗ lực của mình đã mang lại giá trị nào đó và thấy cần truyền cảm hứng đến nhiều cán bộ FPT IS khác tham gia làm giảng viên nội bộ.

Đào tạo nội bộ là cần thiết. Bản thân người tham dự cần có ý thức tự giác, thấy được giá trị của chương trình và tham gia một cách nghiêm túc các hoạt động, bài tập trước, trong và sau khóa học. Mặt khác, cấp quản lý và bộ phận L&D cần quản lý tốt kế hoạch đào tạo cho từng nhân sự để đảm bảo hiệu quả chương trình và hướng đến hỗ trợ nâng cao hiệu quả công việc FPT IS kèm theo sự phát triển năng lực của các cá nhân tham gia đào tạo.

Với hai điểm này, các cá nhân tham gia và bộ phận tổ chức đào tạo đã có những nỗ lực đáng ghi nhận.

Bộ phận đào tạo đã làm tốt khâu tổ chức, hỗ trợ giảng viên. Phần lên và quản lý chương trình cần tiếp tục nâng cao để giúp nâng cao hiệu quả chương trình. Cán bộ tham gia hầu hết đều nghiêm túc nhưng vẫn còn một lương tham gia không đúng đối tượng, thiếu nghiêm túc trong tham gia chương trình làm ảnh hưởng đến lớp học. Cần HR (bộ phận Nhân sự) ban hành sớm quy chế đào tạo để các cá nhân cam kết với mục tiêu đặt ra và nghiêm túc tham gia các chương trình. Ngoài các tiêu chí như hiện nay cho lãnh đạo tham gia giảng dạy và nhân viên tham gia học tập, chúng ta cần xem xét lại số lượng và chất lượng. Tại Vingroup, cán bộ lãnh đạo phải đào tạo cấp dưới 52 giờ/năm; mỗi nhân viên một năm phải tham gia 100 giờ đào tạo (theo “Cách quản lý và khen thưởng nhân viên chỉ có ở Vingroup”, Nhịp sống Kinh tế).

Học tập kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm, là một quá trình liên tục đòi hỏi mỗi cá nhân cần kiên trì, cam kết và kiên nhẫn. Sau mỗi khóa học kỹ năng, người tham gia sẽ xác định ít nhất 3 điểm trong mỗi mục: tiếp tục, bắt đầu, ngừng (continue, start, stop) để không ngừng hoàn thiện kỹ năng cụ thể cho bản thân. Học tập kỹ năng mềm đi dần qua 4 giai đoạn: “tôi không biết cái gì tôi không biết”, “tôi biết cái gì tôi không biết”, “tôi biết gì tôi biết” và “tôi không biết cái gì tôi biết”. Ở mức 4 là kỹ năng đã trở thành thói quen, cần duy trì, nâng cao thói quen và học thêm các thói quen mới.

Từ một góc nhìn khác, đào tạo là một phương pháp học giúp giảng viên nội bộ củng cố và nâng cao kiến thức của chính mình. Theo mô hình Tháp học tập của National Training Laboratories Institute, việc đào tạo, giảng dạy giúp người dạy duy trì được 90% kiến thức, trong khi với thảo luận là 50% và đọc là chỉ 10%. Nếu nhìn theo tháp nhu cầu Maslow, đối với những lãnh đạo, quản lý có nhiều kinh nghiệm, việc đào tạo còn là một nhu cầu “cho là nhận” để mang lại động lực, niềm vui và hạnh phúc. Qua việc đào tạo kết hợp huấn luyện (coaching), các lãnh đạo, quản lý có thể thực hiện việc phát triển nhân sự một cách hiệu quả cho đội ngũ của mình.

Phan Thanh Sơn

Ý kiến

()