Chúng ta

Tấm bằng đại học và chuyện người bán hàng rong

Thứ bảy, 4/4/2015 | 09:24 GMT+7

Tôi từng lấy máy tính để bấm thi với chị bán hàng rong. Và kết quả hẳn là các bạn đã đoán được - kẻ mang tấm bằng đại học lại thua người từ nhỏ lam lũ, chẳng được học hành...

Câu chuyện thứ nhất: Một người mẹ mời bạn của mình tới dự sinh nhật con trai. Để khoe tài năng của con, bà bảo con mình hết vẽ, rồi lại đánh đàn, nói chuyện bằng tiếng Anh. Cả nhà vỗ tay rất hào hứng, công nhận cậu bé thật lanh lợi và thông minh. Sau cùng, người khách nọ chỉ hỏi cậu bé một câu: “Con mơ ước sau này làm gì?” thì nhận được câu trả lời làm ai cũng phải sững sờ: “Con muốn làm chú lái xe rác, vì chẳng phải học thêm nhiều mà ai cũng quý”.

Thực ra, cách làm của người mẹ không sai, thậm chí có một số quốc gia phát triển như Hàn Quốc đang làm. Nó sẽ tạo ra một áp lực vô cùng lớn lên cả người học lẫn những người hỗ trợ xung quanh (bố mẹ và thầy cô chẳng hạn). Tuy nhiên, ranh giới giữa việc học để lấy kiến thức và học để lấy những điểm số cao, để thỏa mãn tâm lý của “bên thứ ba” là rất khó xác định (người học giỏi thì sẽ dễ được điểm cao nhưng người được điểm cao thì chưa chắc đã học giỏi). Mặt khác, điều này cũng tạo ra hệ quả không tốt nếu như người học không thực sự thích học vì không phù hợp với sở thích hoặc sức chịu đựng của mình.

Câu chuyện thứ hai: Các bạn đi chợ sẽ thấy những người bán hàng rong tính nhẩm cực nhanh. Còn chúng ta, học 12 năm phổ thông, trong đó, các kiến thức đại cương cơ sở đâu đó bắt đầu học từ lớp 7 cho tới lớp 12, tức là 6 năm. Nhưng sau khi thi tốt nghiệp cấp 3, thi đại học, nếu không học các khối ngành kinh tế hay kỹ thuật thì những kiến thức đó sẽ nhanh chóng bị quên đi. Vậy học để làm gì trong khi những cái cơ bản nhất người không học thì làm được còn người có học lại phải phụ thuộc vào máy tính?

Ở đây sẽ có hai câu hỏi được đặt ra là: “Học cái gì?” và “Học để làm gì?”. Và truyền thống của chúng ta là “không thầy đố mày làm nên” - tức là “trăm sự nhờ thầy”.

Câu chuyện thứ 3: Đặc điểm chung của các doanh nhân thành công như Đoàn Nguyên Đức, Bill Gates, Steve Jobs... là gì? Là họ đều không có bằng đại học và họ biết khai thác tốt nhất năng lực, thế mạnh của mình cũng như phán đoán chính xác cái xã hội đang cần, thời cuộc đang cần.

Ở Việt Nam mỗi năm tuyển mới vào hàng chục nghìn sinh viên và cho ra trường một số lượng tương đương thế. Nhưng chỉ khoảng 10% sinh viên có việc làm đúng ngành học. Khoảng vài chục % có việc trái ngành và có đến hơn nửa là thất nghiệp.

Ba câu chuyện trên nghe qua thì khác nhau nhưng đều dẫn đến thông điệp: muốn thành công thì hãy sống với ước mơ và khả năng của mình. Ở câu chuyện thứ nhất, nếu người mẹ không nhồi nhét vào đầu con quá nhiều thứ kiến thức, nếu người mẹ thực sự là bạn của con thì chắc chắn cậu bé sẽ được định hướng một cách tự nhiên hơn. Với câu chuyện thứ 2: nếu những nhà quản lý giáo dục không chạy theo bệnh thành tích thì thay vì mất 6 năm nhồi nhét các kiến thức đại cương, học sinh sẽ được học và trải nghiệm thêm nhiều kỹ năng sống song song với việc học kiến thức. Như vậy, không những học sinh có kiến thức mà còn được phát triển đầy đủ về cả thể chất lẫn tinh thần. Còn câu chuyện thứ 3: nếu các em học sinh được hướng nghiệp một cách đầy đủ thì chưa chắc đã chọn đại học là lối đi duy nhất cho mình.

Thực tế cho thấy, ở các nước như Mỹ, Canada, các nước Bắc Âu, sau khi học xong phổ thông, chỉ có những người định hướng theo đường học vấn mới học tiếp lên đại học, còn lại sẽ đi học nghề hoặc cao đẳng, vài năm sau nếu có điều kiện mới quay lại học tiếp đại học. Tương tự, nếu ở Việt Nam, sau khi tốt nghiệp cấp 3, học sinh theo học nghề và các doanh nghiệp chấp nhận các chứng chỉ nghề (tất nhiên các cơ sở đào tạo phải làm nghiêm túc) thì chắc chắn sẽ không còn cảnh “thừa thầy thiếu thợ” như hiện nay.

Bùi Minh Tuấn

Ý kiến

()