Mọi việc bắt đầu từ bao giờ?
Tháng 9/2000 hai bác Phan Diễn (Bí thư Đà Nẵng, Ủy viên Bộ chính trị và bác Nguyễn Bá Thanh (Chủ tịch Đà Nẵng, ủy viên Trung ương) đến thăm HITC.
Tại thời điểm đó FPT Software có không quá 100 nhân viên. Kỹ thuật non, và đặc biệt ấu trĩ về kinh doanh. Nhưng bác Phan Diễn vẫn bày tỏ mong muốn FPT đầu tư một cơ sở tương tự ở Đà Nẵng. Thành phố sẽ hết lòng ủng hộ. Niềm tin của các bác đã khích lệ chúng tôi rất nhiều.
Cũng trong năm đó, một lãng tử mặt trắng, mũm mĩm, xin gia nhập FPT Software từ Ngân hàng Công thương. Lúc đó, anh đã tự xây cho mình được 2 cái nhà, so với chúng tôi là đại gia. Anh nói với tôi: Em muốn làm cái gì đó to lớn trong đời. Đó là Bùi Thiện Cảnh, tham gia FPT Software với mong muốn chung tay đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới.
Mặc Cảnh và chúng tôi mơ ước. Hai bác Diễn, Thanh bắt tay ngay vào việc. Nghị quyết của Ban thường vụ thành ủy Đà Nẵng ngày 3/10/2000 viết: Phấn đấu xây dựng Đà Nẵng sớm trở thành một trung tâm phát triển về công nghiệp phần mềm của miền Trung và của cả nước. Thành lập Trung tâm công nghệ phần mềm, Trung tâm đào tạo lập trình viên và Khu công nghiệp phần mềm.
Sự nghiệp xuất khẩu phần mềm Đà Nẵng bắt đầu.
Tuy nhiên, trong những năm sau đó, cuộc khủng hoảng tại Silicon Valley đã quét sạch những hy vọng dựa vào các doanh nghiệp Việt kiều nhỏ để xây dựng một ngành công nghiệp mới. Nhưng khát vọng vẫn còn nguyên!
Ngày 13/8/2004, FPT thành lập văn phòng Đà Nẵng tại đường Trần Phú. Nhưng chúng tôi biết đó chưa phải là mong muốn của lãnh đạo thành phố. Anh Bình tâm sự, nhưng cũng không ép vì FPT Software lúc đó tuy đã hồi sinh nhưng vẫn còn yếu. Cuối năm 2003, FPT Software mới có doanh số khoảng 2,3 triệu USD và nhân viên khoảng 150. Bùi Thiện Cảnh lúc đó đang là Giám đốc G5. Như các đơn vị của FPT Software lúc đó, các anh phải làm tất cả mọi việc để tồn tại. Tây, ta chơi hết. Doanh số toàn G5 lúc đó là 185.000 USD, không ngăn cản việc anh xung phong nhận nhiệm vụ xây dựng chi nhánh mới.
Đà Nẵng vẫn là một chốn hoang vắng.
Cảnh quyết định rủ tất cả G5 đi một chuyến. Đoàn Thị Mỹ Thường là một trong những người tiên phong. Khi đó em đang nổi tiếng là nàng thơ của FPT Software, cùng với Nguyễn Quốc Sử xướng họa tại HITC. Một câu thơ của em là:
Em là đàn bà nên nhẹ dạ, cả tin
Có thể vì nhẹ dạ, nên Thường đã theo Cảnh. Nhưng Hương, vợ Cảnh không nhẹ dạ như vậy. Con cái thì sao? Bố mẹ thì sao? Công việc của em thì sao? Rốt cục, tin chồng, chị cũng quyết định theo anh.
Có người, nhưng khách hàng kiếm đâu? Vạn sự khởi đầu nan. Ai ngờ được những doanh thu đầu tiên của FPT Software Đà Nẵng là bán bàn ghế cho công ty Rumani-Keppler, do một ông người Pháp làm giám đốc. Ông này nghe theo lời xúi dại của Lê Hà Đức quyết định đầu tư vào Đà Nẵng.
Tuy nhiên, công ty phần mềm, chẳng nhẽ lại đi bán bàn ghế. Nguyễn Tuấn Phương, GĐ FPT Software Đà Nẵng, kể: Lúc đó Sumisho có một dự án rất khoai, phải test một sản phẩm lớn của họ, chỉ trong 3 tuần để kịp vận hành. Không đơn vị nào dám nhận. FPT Software Đà Nẵng đã nhận và hoàn thành xuất sắc với điểm đánh giá là 98/100 điểm. Noboru, phiên dịch của dự án nhớ lại: em sinh ở Nhật, tên là Việt, nhưng ở Nhật toàn gọi là Noboru. Thú thực là đầu tiên em định xin vào lập trình cơ, may quá lại thành BrSE - kỹ sư cậu nối.
WhiteBox Test - dự án của Sumisho - là một thách thức về thời gian. Nhưng dự án của Old Republic Title Insurance (ORT) mới là thử thách lớn toàn diện cho FPT Software Đà Nẵng. Đây là một công ty có bề dày hàng trăm năm đòi hỏi rất cao về nghiệp vụ bảo hiểm nhà đất. Công nghệ thì lại “độc quyền” của họ. Chúng tôi đã điều anh Phan Văn Hòa, lúc đó phụ trách nhóm công nghệ gọi là SOLAR (kiểu như Lê Hồng Việt và Ban Giải pháp công nghệ bây giờ) làm quản trị dự án. Và nói với khách là quân tao toàn cỡ này trở lên. Tuy nhiên, phát sinh vấn đề, Hòa đòi chuyển dự án ra Hà Nội vì không tin là quân Đà Nẵng có thể làm được. Bùi Thiện Cảnh kiên quyết giữ dự án này lại Đà Nẵng và tôi đã ủng hộ.
Trần Hữu Đức, quản trị của dự án lúc đó 25 tuổi, kể: Nghiệp vụ bọn em ú ớ. May có anh Nguyễn Đức Hiếu, từ nhà máy đường Lam Sơn chuyển sang, không hiểu thế nào mà anh học được nghiệp vụ khó như vậy. Quản lý kỹ thuật lúc đó có Trần Thanh Hùng, mới 23 tuổi, đã tìm ra được cả chỗ chưa hoàn thiện của công cụ của bạn là CSLA framework.
Tưởng là khó khăn nhất đã qua. Nhưng chưa hết. Nguyễn Thành Long, cánh tay phải của G5 phải quay về Hà nội, vì mẹ anh cho rằng không có tương lai gì ở Đà Nẵng cả. Đây cũng là tâm lý cũng dễ hiểu tại thời điểm đó. Hôm qua chúng tôi vừa uống cà phê với nhau, Long bảo: các bạn ấy sẽ chửi em. Tôi nghĩ, lịch sử là lịch sử. Chưa kể chính vì sự ra đi của Long lúc đó mà các bạn trẻ như Lê Vĩnh Thành mới có cơ hội trưởng thành. Thành cũng mới 24 tuổi khi FPT Software Đà Nẵng thành lập. Thành không thể ngờ rằng có một ngày em lại lãnh đạo FSU17 với hàng nghìn nhân viên.
Những ví dụ đó càng khẳng định: FPT Software Đà Nẵng chỉ có thể phát triển dựa vào những người cam kết lâu dài với thành phố này.
An cư thì mới lạc nghiệp. Cảnh nghĩ vậy và đề xuất mua đất ở Masda. Chi phí là 1,3 triệu USD. Nên nhớ là doanh số FPT Software lúc đó mới có trên 10 triệu USD. Anh Hùng Râu là người đã quyết việc này, mặc dù anh Bình thì luôn gạt đi, bọn em cứ làm thật tốt phần mềm, sẽ có người lo xây nhà. Xây nhà là đam mê của Cảnh, nên chúng tôi bắt đầu xây tòa nhà FPT Đà Nẵng, thông qua FPT Bất động sản (thời đó do anh Hoàng Nam Tiến phụ trách).
Tháng 1/2010, tòa nhà khai trương. Đẹp ngỡ ngàng. Lãnh đạo FPT phàn nàn là chỉ tiêu xây dựng có 3,7 triệu đồng/m2, FPT Software chi gần 8 triệu đồng/m2. Nhưng nhà đẹp quá, chẳng nhẽ đập đi.
Thực tế đã chứng minh đó là quyết định đúng. Có Masda, FPT Software Đà Nẵng cất cánh.
Nhớ lại, điều duy nhất chúng tôi làm được cho FPT Software Đà Nẵng lúc đó là đặt trọn niềm tin vào anh Cảnh và các bạn ở đây, để các bạn được tự do quyết định hành động theo điều mà các bạn cho là đúng.
Năm nay là 70 năm kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, tôi xin kể một câu chuyện nhỏ: ngày 20/6/1940 Đức quốc xã chiếm Paris, Bác Hồ lúc đó đang ở Quế Lâm, Trung Quốc đã nói với các đồng chí của mình: Chúng ta phải về nước.
Khi mọi người lo lắng: Về thì lấy vũ khí ở đâu mà đánh Pháp, Cụ đã nói: Chúng ta phải về nước và động viên quần chúng. Khi nhân dân đứng dậy, họ sẽ tự tìm ra vũ khí!
FPT Software Đà Nẵng có ngày hôm nay là nhờ Cảnh đã tụ tập và động viên được anh em.
Tôi có niềm tin sâu sắc rằng nếu các lãnh đạo FPT Software tiếp tục đặt niềm tin vào các nhân viên của mình, các bạn sẽ đạt được mục tiêu 1 tỷ USD.
>> Kết nối
Nguyễn Thành Nam
Ý kiến
()