Chúng ta

Người nghèo

Thứ hai, 7/1/2019 | 11:37 GMT+7

Khi Tổng thống Trump đòi hủy bỏ Obamacare - một chương trình hỗ trợ y tế cho người nghèo ở Mỹ, ông đã thực sự đụng vào ổ kiến lửa. Sự phản đối là rất lớn. Sự phẫn nộ đến từ nhiều phía.

Đầu tiên, phần lớn nhân loại là người nghèo; ngay cả trong một quốc gia giàu có như nước Mỹ, người nghèo cũng rất nhiều.

Kế đến, đụng đến người nghèo là đụng chạm đến những giá trị nhân văn căn bản nhất của xã hội văn minh: chỉ một từ duy nhất thích hợp cho hành động chống lại người nghèo là: vô đạo đức!

Chính vì thế, các chính trị gia khôn ngoan đều biết cách thể hiện sự quan tâm lo lắng cho người nghèo, luôn cố gắng đưa ra các sáng kiến và chương giúp đỡ người nghèo... để xây dựng hình ảnh một lãnh tụ thân thiện và gần gũi với dân chúng.

Nhưng đó là cách tiếp cận truyền thống cũ. Hãy thử tìm kiếm những góc nhìn mới đối với các vấn đề liên quan đến “người nghèo”.

Đầu tiên, “người nghèo” nên hiểu, họ chỉ là quân bài, được các chính trị gia dân tuý lợi dụng, để làm điểm nhấn cho những chiến dịch tranh cử hay xây dựng hình ảnh cá nhân. Sự thật, dù được nhắc tới đầu tiên một cách trang trọng trong các cam kết, nhưng trong thực hiện, “người nghèo” bao giờ cũng là đối tượng được quan tâm cuối cùng.

Đa phần các chính trị gia, luôn miệng nhắc tới lợi ích của “người nghèo”, đều là giả dối.

Bởi vậy, nếu có ai đó nói gì bất lợi cho “người nghèo”, chưa hẳn họ đã là kẻ thù; chúng ta nên lắng nghe, vì chí ít, họ đã dũng cảm nói ra sự thật.

Vậy có cần gia tăng các gói trợ cấp cho người nghèo hay không? Theo tôi, các gói trợ cấp cho người nghèo chỉ có tác dụng như thuốc giảm đau, mà không thực sự giúp họ thoát nghèo.

Ví dụ, ở Mỹ, người nhận trợ cấp thất nghiệp (khoảng 1.000 USD), sẽ sống thoải mái hơn người đi làm lương thấp (2.000 USD), do được chính phủ hỗ trợ nhiều hơn về nhà ở, điện nước, y tế, học hành... Vì thế, tiếp tục thất nghiệp để nhận trợ cấp là một lựa chọn không tồi. Số người nghèo đã không giảm đi mà còn tăng lên, nếu các gói hỗ trợ kiểu này tiếp tục được duy trì.

Các gói trợ cấp nghèo cũng có những mặt xấu; đôi khi nó là động cơ cho những định hướng sai trái.

Tôi có dịp tới thăm một xã ở Thanh Hoá. Tại đó, cán bộ xã quyết tâm duy trì “danh hiệu” xã nghèo, bởi vì nếu xã thoát nghèo sẽ mất đi trợ cấp hàng năm của chính phủ cho những xã thuộc diện nghèo!

Sẽ hợp lý hơn, nếu các gói hỗ trợ chỉ dành cho các trường hợp: thiên tai, khuyết tật, thiểu năng hay bệnh nan y... chứ không phải cho tất cả người nghèo.

Khi Donald Trump đề xuất giảm thuế cho các tập đoàn kinh tế Mỹ, ông cũng gặp sự phản ứng rất lớn. Nhưng ông có cái lý của mình. Kế hoạch đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại, không thể dựa vào người nghèo, mà chỉ có thể dựa vào những tập đoàn kinh tế lớn; họ mới chính là nguồn nộp ngân sách, nguồn tạo công ăn việc làm; họ cần được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt. Họ cần được hỗ trợ về thuế để đưa hàng triệu việc làm về lại nước Mỹ...

Hiển nhiên, các gói hỗ trợ người nghèo, có thể tạo ra hình ảnh một xã hội Mỹ nhân văn hơn, chứ không thể làm cho nước Mỹ hùng mạnh hơn.

Và người nghèo chỉ có thể tự thoát nghèo bằng nỗ lực vươn lên của bản thân. Có câu, người đáng thương thì cũng có chỗ đáng trách.

Sinh ra trong nghèo khó thì đáng thương, nhưng nếu chết trong nghèo khó thì đáng trách, bởi vì trong mấy chục năm cuộc đời, bạn đã không thực sự nỗ lực để thay đổi hoàn cảnh của mình.

>> 'Tự thân OKR không tạo sự kỳ diệu'

Hoàng Minh Châu

Ý kiến

()