9A là lớp chọn đầu của một trường THCS khá có tiếng tại Hà Nội, đa số là học sinh giỏi. Lớp có tới gần chục bạn cùng thi chuyên Anh của một trường hàng đầu ở Hà Nội. Đây được coi là môn chuyên khó thi đỗ nhất vì lượng học sinh đăng ký rất đông.
Ngày báo điểm, lớp 9A có 3 bạn thi đỗ, một bạn thuộc đội tuyển Anh, một bạn tuyển Văn và bạn còn lại thuộc tốp dưới của lớp. Ngay sau khi biết điểm đỗ, hai bạn thuộc đội tuyển đã lên Facebook khoe ầm ĩ, thể hiện sự vui sướng tột đỉnh. Cả lớp xúm vào chúc mừng, hỏi thăm. Khi được biết A thi đỗ với điểm số cao nhất lớp, trong khi bạn giỏi nhất lớp lại trượt, cả lớp đã nhốn nháo đặt ra hàng trăm câu hỏi. Có những câu hỏi đầy nghi ngờ: “A được 9 môn Toán á, ‘Thánh’ ra tay à?”, “X trượt mà A đỗ à, thật không thể tin nổi!”… Cô giáo chủ nhiệm và một số cô khác cũng vào bình luận, thể hiện sự tự hào và tin tưởng vào học trò của mình. Tất cả mọi lời chúc mừng đều tập trung vào 2 bạn đội tuyển, tuyệt nhiên không có một lời nào dành cho A. Và A cũng không “ho he” tiếng nào mặc dù A là người hay dùng Facebook, thường đăng ảnh đi chơi và luôn chia sẻ các status vui nhộn…
Mấy hôm sau, tôi nghe con trai kể lại, bạn A mấy ngày liền không nghe điện thoại, không tham gia một cuộc chơi nào với bạn bè dù các bạn đua nhau “xõa”. A tự giam mình ở trong nhà, và… ôm gối khóc sưng cả mắt. Muốn biết quan điểm của con, tôi đã thử hỏi: “Nếu con là A, con sẽ làm gì?”. “Con sẽ không đi học chuyên, con sẽ học trường thường cùng các bạn cũ mẹ ạ”. “Còn nếu con thi trượt đợt này, con có muốn được mẹ giúp?”. “Nếu con không đỗ thì xin mẹ hãy cứ để cho con trượt!”.
Tôi nhớ lại câu chuyện với một cô giáo trường Ams khi tôi đưa con tới học thêm. Cô giáo khuyên: “Nếu con không học giỏi, đừng cố xin cho con vào trường chuyên, lớp chọn”. Nhiều phụ huynh cứ nghĩ, con vào trường chuyên thì sẽ có môi trường học tập tốt, được học các thầy cô giỏi, được kết bạn cùng những học sinh chăm, con sẽ đua bạn đua bè để học, sẽ thi đỗ vào các trường đại học hàng đầu...
Thực tế không hẳn như vậy. Trường chuyên là trường dành cho học sinh giỏi nên các thầy luôn có xu hướng giảng dạy theo trình độ của nhóm tốp trên, thường xuyên nâng độ khó của bài tập lên để kích thích tư duy. Vì thế, những học sinh tốp dưới, cho dù có rất cố gắng, vẫn có thể không hiểu hết bài trên lớp, không làm được hết bài tập về nhà. Có thể phụ huynh cho rằng, nếu con học kém một chút thì tìm thầy giỏi cho con học thêm là vẫn có thể theo kịp các bạn. Nhưng họ đâu biết rằng, các học sinh giỏi cũng thường là những em rất được gia đình quan tâm, cũng đi học thêm ở nhiều “lò luyện”.
Vì vậy, nếu phụ huynh có lôi con vào guồng quay học thêm, ngày đêm quay cuồng học đuổi, vẫn rất khó đuổi kịp các học sinh tốp trên. Sự cách biệt vì thế ngày càng lớn dần. Điều đó đồng nghĩa với việc con bị mất đi điều đáng quý nhất mà con đã có khi học trường thường, đó là sự tự tin. Việc học trở thành một sự đầy ải. Các con ngày càng mệt mỏi, căng thẳng… “Nhìn ánh mắt ngơ ngác, thất thần của các con khi không hiểu bài, thực sự là thương và đau lòng lắm!”, cô giáo tâm sự. Và cô nhắn nhủ tới các phụ huynh: “Hãy đừng vì sự sĩ diện của bản thân mà cố xin cho con vào trường chuyên lớp chọn, làm như vậy là bố mẹ đang giết con đấy!”.
Đã đi thi, ai cũng muốn mình thi đỗ. Nhưng đừng cố gắng thi đỗ bằng mọi cách nếu năng lực mình chưa thực sự đáp ứng được. Tôi hy vọng, các bậc cha mẹ sẽ không vì sự sĩ diện của bản thân mà cố chạy chọt cho con thi đỗ. Hy vọng không có mẹ nào phải nhìn thấy cảnh con mình nằm giam trong nhà, khóc sưng cả mắt chỉ vì thi đỗ. Và không ai phải nghe con mình nức nở: “Mẹ ơi, xin hãy để con thi trượt!”.
>> Những giấc mơ có thể trở lại
Thu Huệ
Ý kiến
()