Hiện thực rất rõ ràng với cái lạnh cắt da, với những hàng cây trụi lá, với không gian bàng bạc, ủ ê mùa đông, với những gương mặt xa lạ, với những tiếng nói mà đôi khi không thể hiểu được, với những cuốn sách dày cộm mà chỉ nhìn đã đủ nhức đầu.
Vậy mà, đã có những lúc, hiện thực này với tôi chỉ là mơ. 4 năm về trước, khi chuyến tàu đưa tôi rời Durham lúc 10h đêm để ra sân bay Manchester trở về Việt Nam bắt đầu lăn bánh, tôi đã khóc và nhắn tin cho cô em Thùy Dương: “Chị xa nơi này thật rồi, sẽ không còn cơ hội quay lại”. Những giây phút vô lo, bình yên, chỉ say mê với sách vở sẽ chẳng bao giờ có được nữa! Nước Anh sẽ chỉ còn lại những kỷ niệm đẹp dù một năm ở đó, tôi đã đối diện bao nhiêu sóng gió.
Khi về Việt Nam, tôi đã từng nghĩ đến việc 'an phận' ở nhà làm vợ, làm mẹ, làm con hiếu thảo, ngày ngày chăm chỉ đi dạy, lo cơm áo, gạo tiền… và thời tuổi trẻ 'mê say' đã qua. Những giấc mơ bay nhảy lâu lâu trở lại nhưng ngắn ngủi, tôi 'choàng tỉnh' với hiện thực. Nhưng rồi cuộc sống lại có những điều đưa đẩy. Đã định nếu đi học tiến sĩ thì học trong nước cũng được, hoặc có ra nước ngoài cũng đi gần gần như Singapore, hay xa xa là Úc để dễ mang theo chồng.
Năm 2011, cơ hội tới. Một dự án cho suất đi học Úc, lề mề làm hồ sơ xin học, rồi ỏng eo học bổng ít thì bị chuyển về Singapore. Ừ, cũng tốt, gần nhà, dễ đi về. Ai mà biết được, Singapore chỉ có duy nhất Viện Giáo dục quốc gia đào tạo tiến sĩ (PhD) giáo dục. 8 tháng trời làm hồ sơ, phỏng vấn, bổ sung công trình khoa học... thì thời hạn nhận học bổng còn lại quá ít. Nghĩ ngợi, mình hết duyên với Úc, với Singapore, nộp đại đi Anh. Trong vòng 7 tháng từ lúc nộp hồ sơ xin học bổng tới lúc xin trường, làm visa, thủ tục đi học, mọi thứ gần như suôn sẻ. Nước Anh là duyên, là nợ. Giấc mơ nước Anh trở lại!
Nói chuyện giấc mơ, Hà Lan vốn dĩ cũng là một giấc mơ của tôi, trước giấc mơ nước Anh. Lý do nó trở thành giấc mơ cũng thật trẻ con. Khi xem bộ phim Daisy của Hàn Quốc quay bối cảnh ở Amsterdam, tôi thích bộ phim đó tới nỗi mê cả bối cảnh. Tôi coi đi coi lại bộ phim đó hàng chục lần và chỉ mơ một ngày tới đó. Khi nộp hồ sơ học bổng thạc sĩ, tôi nộp đi Hà Lan như mặc định. Khi nhận được học bổng mới tá hoả, số trường đào tạo ngành Giáo dục bằng tiếng Anh ở Hà Lan không nhiều.
Sàng tới sàng lui, tôi chọn University of Amsterdam. Khổ nỗi, họ chỉ chọn có 15 sinh viên/năm, và không nghĩ nền tảng của mình đáp ứng đủ yêu cầu khoá học của họ. Thế rồi, hành trình nộp hồ sơ, năn nỉ, ỉ ôi, thuyết phục với tổng cộng chừng 200 e-mail qua lại, phỏng vấn 2 vòng rất gian nan; 5 tháng sau, tôi được nhận. Tới lúc đó, chồng vừa cưới lại không cho đi học 2 năm, đành e-mail xin lỗi trường và từ chối. Giấc mơ Hà Lan tắt cái bụp, tôi mới chuyển sang nước Anh học thạc sĩ. Nhưng khi học ở Anh, tôi vẫn mơ về Hà Lan. Thế là lại hì hụi làm hồ sơ học bổng ngắn hạn của chính phủ Hà Lan. Hên sao, được nhận. Thế là xong thạc sĩ ở Anh trước hạn, tôi biến sang Hà Lan ngay. Ngày đầu tiên đặt chân sang Amsterdam, tôi tìm tới sân trường Đại họcAmsterdam ngay lập tức. Giấc mơ Hà Lan thành hiện thực. Và tôi chắc rằng mình sẽ biến giấc mơ này thành hiện thực lần nữa.
Thế đấy, cuộc đời là những giấc mơ. Một lần, chị đồng nghiệp của tôi viết: Không ai đánh thuế ước mơ, vậy thì tội gì không mơ?! Có những ước mơ xuất phát từ những điều ngớ ngẩn, nhưng điều đó có quan trọng gì, miễn nó thành động lực để bạn theo đuổi tới cùng và biến nó thành hiện thực.
Khi tôi bị Đại học Amsterdam từ chối lần 1, lần 2 và mỗi lần, tôi đều viết cho họ: Netherlands is my dream, I want to make my dream come true. Even you refuse me, I'm going to find another way to make it definitely come true once day! (Tạm dịch: Hà Lan là giấc mơ của tôi. Tôi muốn biến giấc mơ của mình trở thành sự thật. Kể cả khi trường từ chối, tôi cũng sẽ tìm một cách khác để giấc mơ ấy trở thành hiện thực trong một ngày không xa). Và kết quả là lần nào tôi cũng được cho cơ hội phỏng vấn lại và cuối cùng thì được nhận. Ai cấm mình mơ đâu?
Vừa rồi, khi nộp hồ sơ vào UEA, Southampton, trong phần cuối của Letter of Motivation - Thư bày tỏ nguyện vọng - tôi cũng viết: I used to think that coming back the UK for my PhD is only a dream. However, at the moment, I want to make it come true than ever because it is not only my dream but also many Vietnamese students' dream, if I can make it come true, they can also do it. I would like to help my students to believe in their dream! (Tạm dịch: Tôi từng nghĩ rằng việc trở lại Anh để học bậc tiến sĩ chỉ là một giấc mơ. Tuy nhiên, tại thời điểm này, tôi muốn biến điều ấy trở thành sự thật hơn bao giờ hết bởi điều ấy không chỉ là giấc mơ của tôi, nó là ước mơ rất nhiều sinh viên Việt Nam. Nếu tôi có thể làm cho nó trở thành sự thật, họ cũng có thể làm điều đó. Tôi muốn mình là minh chứng sinh động cho giấc mơ của các sinh viên).
Và khi viết những dòng này, tôi đã ở đây - nước Anh!
Thu Huyền
Ý kiến
()