Chúng ta

Không được phép sợ

Thứ ba, 25/9/2018 | 15:49 GMT+7

“Đám đông bảo: Ai chẳng sợ sai. Người tiên phong nói: "Được phép sai, không được phép sợ". Câu này FPT nói cũng có lý: Được phép sai, nhưng không được phép sợ!

Tôi hay đùa nhân viên, “Việc quái gì phải sợ! Chẳng sợ bố con thằng nào!”. 10 năm trước, được hỏi có thể giúp trường quản lý hoạt động đào tạo quốc tế không? Tôi, lúc đó còn “trẻ trâu”, mới từ Mỹ về, chưa hề có bất cứ kinh nghiệm quản trị đào tạo, chứ đừng nói đào tạo quốc tế. Phòng 306 - bản doanh OISP (Văn phòng Đào tạo Quốc tế trực thuộc Đại học Bách khoa) sau này - lúc đó có một nhân viên chính thức và một nhân viên bán thời gian, căn phòng ẩm mốc vì bị dột. Tổng cộng danh sách có chưa đến 30 sinh viên đang theo học.

Đồng nghiệp, kể cả một anh bạn lúc đó đang làm phó OISP, cũng cản, lên đó làm gì, không có tương lai gì đâu. Nói thêm, lúc đó ở khoa Quản lý công nghiệp, tôi đang là Phó trưởng khoa, đẹp trai hớn hở, mọi thứ đều thuận lợi. Nhưng mà, tôi lại thấy nhiệt huyết vô cùng. Quyết tâm dọn nhà lên 306 chỉ với niềm tin rằng, đào tạo quốc tế chính là xu hướng chính, chắc chắn phải làm được. Đúng là điếc không sợ súng!

Trong năm đầu, cứ 2h sáng là tôi bật dậy, lo cái này chưa làm cái kia chưa xong. Nhân viên thì toàn sinh viên bán thời gian, lương thấp, chưa có nhiều kinh nghiệm. Tôi phải ôm mọi thứ từ tuyển dụng, đào tạo, hướng dẫn nhân viên, phát triển chương trình đào tạo cho sinh viên, thiết kế dịch vụ, tuyển giảng viên, làm việc với đối tác, tiết kiệm tiền để đầu tư cơ sở vật chất… Cái duy nhất lúc đó chúng tôi có chính là nhiệt huyết và đúng là “chẳng sợ bố con thằng nào”.

Cứ thế, 10 năm trôi nhanh, OISP giờ có hơn 3.000 sinh viên, nhân viên cũng lên đến gần 60 bạn, trong đó OISP gửi đi đào tạo đã hơn 30 thạc sĩ và 2 bạn đang làm nghiên cứu sinh. Chương trình đào tạo từ 5 giờ lên hơn 30, trong đó có 15 chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh do Bách khoa cấp bằng, lại có cả chương trình đào tạo tiếng Nhật cho kỹ sư…

Mọi thứ thuận lợi, tôi được nhà trường tin tưởng. 5 năm trước, năm 2013, tôi được bổ nhiệm Phó Hiệu trưởng. Ai cũng bảo, bây giờ là lúc tôi được hưởng phước. Nhưng cuộc đời xoay vần, tôi lại chọn chia tay OISP - tình yêu trọn đời - để xây dựng Thinking School vì tin vào tầm nhìn mới.

Thế nên đúng như headline của FPT, các bạn trẻ có thể sai, nhưng không được sợ. Cứ đi, cứ hăm hở, đường sẽ mở. Và một trong những điều rất hay nữa tôi thấy được ở FPT mà các bạn trẻ nên học hỏi, đó là tinh thần tiên phong, dám nghĩ dám làm, dám chinh phục, dám thử sức. Họ cũng là một tập đoàn trẻ tại Việt Nam nhưng đã làm và thành công trong rất nhiều lĩnh vực, xuất khẩu sản phẩm phần mềm ra nước ngoài, rồi dẫn đầu trong hàng loạt lĩnh vực về công nghệ, lấn sân sang cả việc đào tạo nhân tài ở các cấp…

Gia đình tôi cũng có duyên với FPT. Anh Thế Anh tham gia FPT HCM từ những ngày đầu, sau này là Phó Tổng giám đốc của FDC. Còn tôi cũng đã có duyên làm việc với FPT trong các dự án. Tôi vẫn còn nhớ mãi câu chuyện anh Trương Gia Bình và các anh chị trẻ tuổi, nhiệt huyết lập ra FPT như huyền thoại. Mới đó mà FPT đã 30 tuổi. Chúc FPT càng thành công hơn nữa và tiếp tục lan tỏa tinh thần tiên phong cho thế hệ trẻ Việt Nam!

>> Triết lý tái sinh để phụng sự quốc gia của FPT

 Vũ Thế Dũng

Ý kiến

()