Chúng ta

'Hope' luôn 'hot' trong tim tôi

Thứ năm, 23/5/2024 | 15:53 GMT+7

Từ lâu, tôi có một mối tình “thầm thương trộm nhớ” ở Đà Nẵng. Sáng nào bật điện thoại, tôi cũng len lén xem thông tin của “người ấy” trước và gặp ai mà tôi nghĩ có thiên hướng xã hội là tôi tuôn tràn về người thương đó, khiến họ cũng thương luôn.  Anh ta tên là… Hope School - ngôi trường nuôi dạy những em nhỏ không may mất cha, mẹ trong đại dịch Covid.

Hôm qua, đạo diễn Mỹ Khanh vừa từ Trường Hy vọng trở về, nhắn cho tôi với kiểu người bị “coup de foudre" (tạm dịch: tiếng sét ái tình). “Em mới về nè chị. Em về mà còn rưng rưng. Cảm thấy như núm ruột của mình ở ngoài đó vậy chị . Em ước em giàu thiệt giàu. Em nghỉ hưu cái phụ Hope nuôi hết tụi nhỏ luôn chị. Thương quá trời chị ơi”. 

Và Mỹ Khanh kể miên man chuyện từng đứa. Rồi gửi từng tấm hình. Tới một tấm, Mỹ Khanh dừng, hỏi: ”Đố chị, ai đây?” Tôi cười, đố gì dễ vậy. Chờ chị 30 giây. Tôi chuyển tiếp ngay tấm ảnh bạn Hoper đặc biệt cho một người “có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”, anh Lương Việt Quốc, Tổng giám đốc công ty công nghệ drone RtR, và hỏi anh ấy có nhớ “người đàn ông” này không?” Trả lời ngay, đúng là chỉ 30 giây. “Kỹ sư thiết kế tài năng, em định sẽ tuyển dụng mà chị”.

Vậy là đạt quá, vị CEO vẫn nhớ ngay cậu bé thình lình đứng dậy trả lời câu hỏi của ông. “Để cạnh tranh với các loại drone trên thế giới, theo các bạn chúng ta phải làm sao?” thì Bảo, cậu bé ấy dứng phắt dậy xin trả lời: “Dạ, phải thiết kế khác biệt ạ”. RtR vẫn luôn tìm kiếm các kỹ sư tài năng trước ngưỡng phát triển nhanh sắp tới nhưng CEO bỗng đứng sững trước “kỹ sư thiết kế” bất ngờ từ Hope.

Đó là 2 người bạn mà mình nhiệt tình kể chuyện, chia sẻ tình thương Hope và đã “xúi giục” họ đến Hope thật.

-2626-1716449942.jpg

Nhà báo Vũ Kim Hạnh trong một lần giao lưu, trò chuyện với các em nhỏ trường Hope.

Còn người bạn thứ ba thì mình cùng đi, cùng ở lại qua đêm để đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc dạy “Tụi nhỏ Hy Vọng” của chị dựng và đóng kịch. Rồi chính chị diễn một số đoạn kịch cho tụi nhỏ xem. Mình thì hôm đó kể chuyện một tuần đi thăm Trường Sa, chuyện thực sốt dẽo vì mình vừa đi về.

Minh Ngọc nhắn tin về vẫn thường hỏi thăm, bảo mình kể chuyện mới về “tụi nhỏ trường Hope” và khoe định viết kịch mới cho tụi nó, hè này có thể về dạy dựng kịch tiếp… Mình chỉ cười, người “không biết say No” này cũng vì quá thương thầm bọn trẻ trường Hope mà nói vậy thôi, chứ thì giờ đâu mà…

Thế nhưng có người chắc còn thiếu thì giờ hơn, bận kinh hoàng hơn Minh Ngọc mà vẫn luôn tìm được cách và thời gian (nghe nói là trốn việc, giao điện thoại người khác cầm) để về trường Hope lắng nghe tụi nhỏ kể chuyện chúng sống ở trường, người đã sinh ra ngôi trường này - Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. Một doanh nhân Việt Nam nổi tiếng về xuất khẩu phần mềm trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới vẫn luôn tìm được thời gian về trường.

Mình thích thú với ý nghĩ đặt tên toàn bộ khu vườn của Hy Vọng thành những khu đất mang tên những con sông lớn các vùng miền Việt Nam. Chảy đi sông ơi, mọi con sông rồi sẽ đổ ra biển lớn hòa vào dòng phù sa nuôi bọn trẻ lớn lên…Thư Chủ tịch FPT gửi bọn trẻ tâm sự khi chúng mừng sinh nhật anh.

“Thầy tự hào khi Hàn Giang (sông Hàn - Đà Nẵng) đã hiểu rằng khó khăn là cơ hội để trưởng thành, mạnh mẽ hơn. Thật tuyệt vời khi Hương Giang (sông Hương - Huế) đã biết đau nỗi đau của bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo ở Bệnh viện Ung Bướu, biết chữa cánh chim sẻ bị gãy. Tiền Giang thật đồng điệu với tuổi thơ của thầy khi rèn luyện với ý chí quyết tâm. Còn Hậu Giang kể muôn vàn cuộc thi hay sinh hoạt ý nghĩa ở Hope khi các con biết yêu thương mình trên đường tìm kiếm đam mê. Thầy cảm phục Trường Giang trong nét chữ nghiêng ngả tràn đầy cảm xúc từ màn sương, từ bình minh, từ những mầm xanh trong vườn Hy vọng. Yêu người và yêu cả thiên nhiên quanh ta chính là hạnh phúc của cuộc sống. Long Giang mang đến thầy hiện thực cuộc sống, cả điều hay chen bao điều dở (nghiện game, lười biếng, lười học, trộm cắp,...) và cả Hy vọng trong tình yêu thương, quan tâm chăm sóc của thầy Quyền và các thầy cô giáo sẽ nhiều điều hay hơn, bớt điều dở đi.”

Và mới sáng nay là tin quan trọng thầy Quyền mới báo: “Mấy bữa nữa những thanh niên này sẽ tốt nghiệp lớp 12. Đủ 18 tuổi để tung bay những chặng đường mới. Nghĩ lại thấy nhanh như một cái chớp mắt. Anh Trương Gia Bình công bố thành lập trường ngày 16/9/2021 ghi một dấu mốc quan trọng khi mà cảm xúc dâng trào trước mấy nghìn đứa trẻ ở khắp đất nước bất thình lình chẳng còn ba, chẳng còn mẹ. Thế mà cũng 3 năm rồi.

Những lứa học trò đâu tiên ở trọn vẹn 3 năm cùng Hy Vọng chỉ còn mấy bữa nữa chúng tốt nghiệp 12 và tiếp tục một hành trình mới với đúng tinh thần ở Hy Vọng: Trung thực - Kỷ luật - Đoàn kết.

Những bài học về sức khỏe, những điều chúng thu được từ làm vườn, dậy sớm; những buổi thuyết trình, những buổi huấn luyện; những buổi ngủ rừng, biển, những lần đổ máu khi huấn luyện. Những lần đứng trên sân khấu lớn, những lần được may mắn đối thoại với những người nổi tiếng, những học giả, những cô, chú, anh, chị mà cuộc đời họ là cả những tháng ngày tươi đẹp, đầy trải nghiệm.

Tụi nhỏ hào hứng với những lần nói chuyện, đối thoại với thầy Trương Gia Bình, thầy Đỗ Cao Bảo với những bài học về xây dựng FPT, những chiến công và cả những thất bại, đau khổ khi lập nghiệp.

Chúng bảo ở Hope tụi con được học cả hai: học trên sách, học bằng trải nghiệm, học bằng việc làm, học bằng câu chuyện, học bằng sự việc, học bằng người thật, học từ các bạn, học từ các em.

Ôi, tôi như muốn hét lên, 3 năm, 3 năm, mừng quá, các con, những trẻ thơ đã trở về từ cõi chết, cõi …còn buồn hơn cái chết, tự mình tìm lại niềm vui sống, với sự nâng dắt tận tụy của thầy cô, của nhà trường và của niềm hy vọng.

Hope ơi! Một kỳ tích không gì đo đếm được!

Nhà báo Vũ Kim Hạnh

Ý kiến

()