Chúng ta

Hãy cho nhân viên cảm thấy cao hơn một phân!

Thứ ba, 21/5/2024 | 11:57 GMT+7

Nhân viên rất cần sự tôn trọng. Mỗi người đều có gia đình và muốn được hãnh diện trước gia đình của mình. Lúc này, người lãnh đạo phải làm sao để họ thấy được khi vào công ty “được cao hơn một phân”.

Trước nay, ở FPT Software, chúng tôi vẫn hay gọi bác Narayana Murthy là “cụ Tổ”. Chúng tôi học được nhiều điều từ bác và Công ty Infosys để dựng xây nên một FPT Software như hôm nay.

Tôi ngẫm lại những gì mình biết về Narayana Murthy. Dạo ấy, tôi luôn theo dõi trên mạng, lên website của Infosys xem có gì hay để học theo. Tôi nhận thấy, Infosys khác các công ty Ấn Độ bởi sự chủ động chia sẻ tri thức đến cộng đồng. Sau này, FPT Software cũng học theo tinh thần đó - tinh thần sẻ chia với cộng đồng. “Đek biết gì cũng tiến” - quyển sách mà chúng tôi cho ra đời gần đây, mang tinh thần ấy.

Không chỉ công việc, tôi dành sự ngưỡng mộ với tư tưởng trong cuộc sống của bác. Dành thời gian tìm hiểu sâu hơn, tôi biết bác Murthy (sinh năm 1946) sinh ra trong một gia đình trung lưu mức dưới. Ngày trẻ, bác từng có ý định theo đuổi lý tưởng cộng sản nhưng nhận ra “chia đều của cải mà không chú ý tạo ra của cải - thứ quan trọng hơn, thì không thể theo đuổi lâu dài”. Bác Murthy quan niệm, cũng giống như nhà văn hay hoạ sĩ, doanh gia là những tài năng đặc biệt, cần phát hiện và tạo điều kiện cho họ phát huy.

-8643-1716267427.jpg

Bác Murthy ký tặng tôi cuốn sách A Better India, a Better World của cụ, năm 2010 tại trụ sở Infosys ở Bangalore. Bên phải ảnh là anh Nguyễn Thành Nam - sáng lập viên FPT.

Bác Murthy kể, có 3 cuốn sách định hình nên tư tưởng của bác. Thứ nhất là cuốn Đạo đức Tin lành và tinh thần của Chủ nghĩa tư bản của Max Weber. Từ sách, bác nhận ra một dân tộc tử tế, chăm chỉ và có hoài bão sẽ xây dựng nên một quốc gia vĩ đại, cho dù khó khăn đến đâu. Thứ hai là cuốn tự truyện Những trải nghiệm của tôi với sự thật của Mahatma Gandhi, dạy bác về phong cách “leadership by example” - lãnh đạo làm gương.

Chiêm nghiệm 2 cuốn sách, bác Murthy vẫn băn khoăn: “Ấn Độ có đủ điều kiện trên nhưng vẫn nghèo, tại sao?”. Và cuốn sách thứ 3 - Da đen, mặt nạ trắng của Franz Fanon đã cho Murthy câu trả lời. Sách nói về 2 mặt trái ngược của chính quyền hậu thực dân, sự phân chia giai cấp rõ rệt tạo nên thiệt thòi cho giai cấp bị trị. Từ đó bác quyết định vừa làm gương, vừa đấu tranh để thay đổi thực trạng này tại Ấn Độ.

Người ta chỉ ra những khó khăn vì Ấn Độ thiếu trầm trọng vốn, nguồn lực vật chất, công nghệ lẫn nhân tài. Nhưng bác Narayana Murthy đã giữ niềm tin sắt đá rằng, một sự lãnh đạo viễn kiến (tầm nhìn xa trông rộng) sẽ giúp vượt qua những trở ngại trên.

Chúng tôi đã học được rất nhiều từ bác. Phòng Nhân sự FPT Software từng in câu nói này của bác và dán trong phòng: “Our assets walk out of the doors each evening. We have to make sure that they come back the next morning” (Tạm dịch: Tài sản của chúng ta rời khỏi công ty mỗi chiều. Chúng ta cần chắc chắn là chúng (họ) sẽ quay lại vào sáng hôm sau). Nó thể hiện triết lý, vốn con người chính là tài sản. Hay trong các buổi dạy quản trị cho lãnh đạo tương lai, FPT Leadership Institute (tiền thân của Học viện FPT) lấy câu “Company is campus, business is curriculum, and leaders shall teach” (Tạm dịch: Công ty là học xá, hoạt động là chương trình, và lãnh đạo phải giảng dạy) làm kim chi nam.

Bác Murthy cũng từng nói: “Người tài là người có khả năng học”. “Có khả năng học” trong nhận định của bác, tức là khả năng rút ra các kết luận tổng quát từ các trường hợp cụ thể, rồi dùng chúng để giải quyết các vấn đề mới phi cấu trúc.

Và còn rất nhiều câu nói khác từ bác mà tôi tâm đắc, nó đúng với người Việt Nam và đất nước Việt Nam này.

Hôm qua, chăm chú lắng nghe cuộc trò chuyện giữa bác Narayana Murthy và anh Trương Gia Bình, tôi đúc rút ra một điều: “Hãy cho nhân viên cảm thấy cao hơn một phân!”.

Bác kể, bác thừa hưởng từ bố tính chăm chỉ và quyết tâm và thừa hưởng từ mẹ lòng hào phóng. Trong sử thi vĩ đại của Ấn Độ - Mahabharata, bác thích nhân vật Karna vì mẹ hay kể với anh em bác về nhân vật này, một người hào phóng và trung thành. Cũng chính bởi đức tính hào phóng, bác đã quyết định chia cho 6 người đồng sáng lập Infosys 75% cổ phần công ty.

Theo bác Murthy, có 3 thứ quan trọng mà công ty phải luôn tâm niệm. Quan trọng nhất là bán hàng. Thứ đến là tài chính, cụ thể là kiểm soát chi phí. Bác cảnh báo rằng một khi công ty phát triển sẽ có xu hướng thả lỏng chi phí, dẫn đến lợi nhuận giảm. Bác nhấn mạnh ý này nhiều lần. Thứ ba là làm sao giữ và tuyển được người tài.

-4373-1716267428.jpg

Bác Murthy tặng tôi chữ ký thứ hai vào cùng cuốn sách, sau 14 năm.

Bác bảo, người tài nói riêng và nhân viên nói chung rất cần sự tôn trọng. Bản thân Infosys đặt mục đích trở thành công ty Ấn Độ được tôn trọng nhất. Mỗi nhân viên đều có một gia đình và họ muốn được hãnh diện với vợ con của mình. Người lãnh đạo phải làm sao để họ thấy được khi vào công ty “được cao hơn 1 phân” (có câu nói nổi tiếng: “Hãy cho họ thêm 1 phân, họ sẽ sẵn sàng đi thêm 1 dặm”).

Bác Murthy nhận xét, yếu tố “professional” (chuyên nghiệp) và “personal” (cá nhân) cần tách rời nhau. Trong công việc, chúng ta có quan hệ là đồng nghiệp. Ngoài công việc, chúng ta là bạn bè. Điều này các nước phương Tây làm tốt hơn, ta nên học.

Infosys mất 23 năm để đạt 1 tỷ USD doanh thu đầu tiên nhưng chỉ mất 23 tháng để có thêm 1 tỷ USD khác và 11,5 tháng để tăng thành 3 tỷ USD. Và bác tin tưởng, FPT cũng sẽ làm được điều này.

Suốt cuộc trò chuyện hơn 1 giờ 30 phút của bác Murthy và anh Bình, ngoài các thu hoạch trên, tôi còn nhận được chữ ký của bác vào cuốn sách A Better India: A Better Work do bác viết, bên cạnh chính chữ ký đầu tiên của bác vào ngày 26/8/2010 - tại cuộc gặp gỡ tại trụ sở Infosys, Ấn Độ.

Phan Phương Đạt

Ý kiến

()