Chúng ta

Đừng la lối suông, hãy hành động

Thứ hai, 23/3/2015 | 08:01 GMT+7

Tâm thư viết chả khó, chửi bới càng dễ, đăng 1001 hình nude trèo cây vô cùng câu like, chất vấn chính quyền thì bất kỳ sinh viên báo chí thực tập nào cũng làm được. Nhưng chỉ cần đủ sự chăm chỉ để rời bàn phím ra đứng dưới gốc cây, nói nhẹ nhàng với người thợ cưa cây: "Có lệnh ngừng chặt cây rồi, anh hỏi lại cấp trên xem. Còn bây giờ thì đừng chặt nữa", mà khó đến thế sao.

Tôi không có thói quen kêu suông, chửi suông. Ví như công dân mạng ai cũng ghét công an thì tôi không thế, nhiều khi còn quý. Nhiều lần chở con đi ngoài đường, gặp công an đuổi hàng rong, quang gánh trái cây văng tung toé, bà con bán dạo chạy thục mạng. Định nhắm mắt đi qua cho được việc, nhưng con tôi bảo: "Chú công an làm ghê quá!". Thế là tôi dừng lại, xuống xe đến gần chú công an, nhỏ nhẹ: "Em ơi, người ta buôn bán cả ngày may ra lãi trăm nghìn, em tịch thu hàng thế này, mai dập nát ôi thiu con người ta ăn gì. Sao em không vào lập biên bản cả chục cửa hàng đồ gỗ, cắt kính, bể cá lấn chiếm vỉa hè cả năm kia kìa!". Chú công an nhìn hai mẹ con như người ngoài hành tinh, hai mẹ con cũng nhìn chú như Xman. Hai bên nhìn nhau chừng nửa phút chứ chả ít, thế rồi chú cũng phẩy tay ra hiệu cho mấy bà hàng rong dỡ quang gánh trên xe thùng xuống, lầm lũi gánh đi. Con bà hàng rong sẽ đỡ phải ăn hoa quả dập thay cơm, còn con trai tôi cũng đỡ ghét công an. Nói chung là huề!

Nhiều lần tương tự, tôi nhận ra, đôi khi người ta làm càn chỉ vì... không ai ngăn cản, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn.

Ngày cu cậu đi học, sau khi đi đến ba vòng thành phố đầy bụi và khói xe để chọn nơi sẽ bắt đầu sự nghiệp đèn sách của con, tôi và cô bạn thân quyết định chọn một ngôi trường mà hiệu trưởng hứa: các cháu sẽ được chơi nhiều như học, và trường có hẳn một sân cỏ để đá bóng.

Buổi họp phụ huynh đầu năm, khi hiệu trưởng đề nghị các bậc cha mẹ góp ý cho nhà trường; phụ huynh, người đề nghị đổi đồng phục cho mát, người đòi thay giáo viên tiếng Anh cho giọng "chuẩn Mỹ", người đòi phải có hoá đơn siêu thị cho thực phẩm mỗi ngày... Riêng tôi có nhõn một yêu cầu đơn giản: Sao sân trường lại trồng cau vua? Chẳng có tí bóng mát nào cho các cháu cả, đề nghị nhà trường trồng hai cây phượng.

Mọi người nhao nhao: Cau vua đẹp và thoáng, thế cũng được, trồng phượng vĩ thì bao giờ mới có bóng mát? Tôi rất nhẹ nhàng: chẳng cây nào hợp với sân trường bằng phượng vĩ cả, nếu không tôi xin phép cho con về trường gần nhà, cả sân đầy phượng vĩ.

Không ngờ vị hiệu trưởng dễ thương đồng ý. Và giờ, sân trường, tuy chỉ là sân sau, có hẳn hai hàng với bốn cây phượng, ngày con tôi rời trường, phượng cũng vừa khép tán.

Và, đôi khi, có những việc tốt người ta không làm, chỉ vì chúng ta… ngại nói ra.

Sáng nay, một ngày sau khi Hà Nội quyết định dừng chặt cây, các bạn tôi ngoài ấy liên tục báo tin: Cây vẫn đang bị chặt. Toàn ở những phố chính, nhà đẹp, cây to, nào là Ngô Quyền, Phan Chu Trinh... Tôi hỏi: Sao mày không dừng xe, xuống đứng ở gốc cây, ngăn họ lại. Các bạn tôi bảo: Đang trên đường đi làm, đang bận chở con đi học, ngại một mình xông vào giữa đám công nhân tay cưa tay rìu... 1001 lý do.

Tôi quan niệm thế này: Tâm thư viết chả khó, chửi bới càng dễ, đăng 1001 hình nude trèo cây vô cùng câu like, chất vấn chính quyền thì bất kỳ sinh viên báo chí thực tập nào cũng làm được. Nhưng chỉ cần đủ sự chăm chỉ để rời bàn phím ra đứng dưới gốc cây, nói nhẹ nhàng với người thợ cưa cây: "Có lệnh ngừng chặt cây rồi, anh hỏi lại cấp trên xem. Còn bây giờ thì đừng chặt nữa", mà khó đến thế sao.

Tôi viết thế này, ai bảo nói phét không ai đánh thuế cũng chả sao, vì tôi tự biết với mình, nếu còn ở Hà Nội, đi trên đường, hôm nay mà vẫn gặp công nhân chặt cây, chắc chắn tôi sẽ dừng lại và nói: "Dừng lại ngay, không được chặt nữa".

Đỗ Thu Hà

Ý kiến

()