Chúng ta

Chơi game tốt hay xấu là do mỗi người

Thứ ba, 24/5/2016 | 11:05 GMT+7

Một con dao là dụng cụ làm bếp hay là một hung khí phụ thuộc vào cách người sử dụng nó được giáo dục như thế nào.

Không phải tôi nói, mà khoa học đã chứng minh, chơi game (cụ thể là video game) tốt cho trẻ nhỏ, rèn luyện khả năng tư duy, phản xạ, óc quan sát, khả năng tự xử lý tình huống... Các bạn có thể tham khảo link từ một page dành cho cha mẹ của Tây: http://www.parents.com/kids/development/benefits-of-video-games/

Tôi làm việc ở Keangnam (Mỹ Đình, Hà Nội), toà nhà văn phòng tương đối hiện đại, tập trung nhiều tầng lớp trí thức trong xã hội. Bước vào thang máy phải tới 70% số người đang cầm điện thoại chơi game. Game giúp con người lấy lại thăng bằng với công việc, điều đó không phải bàn cãi. Dễ có tới 80% lập trình viên sau giờ làm căng thẳng chọn game để giải toả. Thế giới cũng đã công nhận eSport (thể thao điện tử, game đối kháng) trở thành một môn thể thao trí óc, tương đương với cờ vua.

Mọi người bảo game bạo lực ảnh hưởng đến tính tình, khiến con người điên loạn. Tôi thì lại thấy quá nửa môn thi đấu eSport chả hiểu sao lại toàn là trò bạo lực, và chưa thấy vận động viên eSport nào có xu hướng bạo lực và thích giết người cả. Lưu ý, một vận động viên eSport luôn có lịch luyện tập 10-15 tiếng/ngày, 5-7 ngày/tuần. 

Vậy tại sao xã hội lại có nhiều hệ lụy từ game như vậy? Trấn lột chặn tiền bạn học để chơi game, lừa tiền học thêm để chơi game, con chém cha vì không cho tiền chơi game, mẹ xích con lại để nó không ra ngoài chơi game... Vấn đề nằm ở đâu? Nó nằm ở vấn đề quản lý. Ở Việt Nam lâu nay thịnh hành câu “không quản lý được thì cấm”, ám chỉ sự bất lực của chính quyền với các vấn đề xã hội. Các bậc cha mẹ cấm con cái chơi game cũng không là ngoại lệ, đang thể hiện sự bất lực của họ với nhu cầu này của con cái. Bạn có bao giờ hình dung, chính những lần bắt con tắt máy, những trận đòn về tội ham chơi, những lần xích chân vào giường để con cái không trốn đi chơi game nữa... tác động tới tâm lý con bạn gấp triệu triệu lần các trò chơi bạo lực?

Như đã nói ở trên, chơi game mang lại nhiều lợi ích cho trẻ. Do đó, chơi game với trẻ nhỏ nó cũng là một nhu cầu để phát triển, như uống vitamin vậy. Cái gì quá liều cũng không tốt, kể cả thuốc bổ. Do đó cha mẹ nên xem đó là nhu cầu phát triển của con cái, để nghiêm túc cùng con giải quyết nhu cầu đó một cách khoa học và bài bản, giống như uống thuốc bổ đúng liều và đúng giờ vậy:

- Thay vì vứt cho con chiếc điện thoại hay iPad để nó ngồi một chỗ cho mình rảnh rang làm việc khác, hãy ngồi chơi cùng con, hướng dẫn con cách chơi. Hãy trao đổi và tốt nhất trở thành một bạn chơi cặp với con mình. 

- Thay vì bảo con “không chơi nữa, tắt máy đi”, hãy thoả thuận với chúng sau khi đi hết bài này sẽ ngừng nhé. Việc này giáo dục trẻ cách làm đến nơi đến chốn. Bạn đang dở một việc gì, sẽ rất ức chế khi bị bắt buộc phải bỏ nó giữa chừng.

Xin hãy nhớ, một con dao là dụng cụ làm bếp hay là một hung khí phụ thuộc vào cách người sử dụng nó được giáo dục như thế nào.

Trương Anh Tú

Ý kiến

()