5 giờ, khi ánh sáng vàng rụm của những ngọn đèn còn chưa tắt, trên đường chưa chộn rộn những tiếng xe cộ, 10 đốm áo cam chúng tôi đã bắt đầu bốc đồ, rồi lên xe, vượt hơn 200km đến vời điểm trường Năng Cát thuộc trường Tiểu học Trí Nang, Lang Chánh, Thanh Hoá, để tiếp tục hành trình Hướng về quê hương của người FPT IS.
Vượt qua những cánh rừng già, dòng sối nhỏ và loạt dốc lên xuống như những chú trăn khổng lồ, ngôi trường bên sườn núi hiện ra, các thầy cô và 59 ánh mắt thơ dại đã xếp hàng đợi sẵn chúng tôi. Với sự giúp đỡ của thầy cô giáo, buổi thiện nguyện của chúng tôi nhanh chóng được diễn ra. Những đốm áo cam lại là cầu nối trao gửi tình yêu thương đến với điểm trường nghèo Năng Cát.
20 bộ bàn học mới, màn máy chiếu, 3 giá sách với hàng trăm đầu sách, một bộ máy tính để bàn, 10 bộ góc học tập tiêu chuẩn và hàng trăm phần quà nhỏ được trao đi. Lại một lần nữa, người F tự vặn những con ốc vít, dạy con chữ, trao những quyển vở trắng, những chiếc bóng xinh đến các em bé, chỉ mong rằng các em sẽ viết lên đó những ước mơ đẹp... Sự cho đi đơn giản có vậy thôi mà làm chúng tôi bồi hồi mãi.
Khi những hạt mưa ngớt đi, chúng tôi ghé thăm nhà của các trò vượt khó, học giỏi. Bước vào căn nhà tuyềnh toàng, đơn sơ của Huy, cả đoàn ai nấy đều chung một nỗi bận lòng. Bố mẹ Huy chia tay nhau khi em còn chưa biết đi. Mẹ lấy chồng khác, bố cũng bỏ đi làm ăn xa, lâu lâu về một lần. Huy sống với ông bà nội, ông lại nát rượu.
Hai bà cháu đứng ở cổng đón chúng tôi, Huy nhỏ bé, nắm tay bà, đôi mắt sáng ngời, lanh lợi. Bà đã già, bàn tay nhăn nheo, khuôn mặt hằn nỗi khắc khổ. Căn nhà trống hoác không có một vật dụng gì đáng giá. Mỗi tối, Huy hoặc qua nhà bạn, hoặc ngồi ở cái ghế con, kê cái ghế cao làm bàn. Tôi lặng đi. Bà nội Huy kể: “Thằng Huy coi nhỏ rứa mà hiểu chuyện rồi dì ạ, hắn không hỏi nhiều đến cha mẹ, cũng hay phụ tui nấu cơm, quét nhà, nhiều bữa ông hắn say rượu về chửi cả đêm, hắn cũng lủi thủi ôm lấy tay tui, có khi sợ quá thì 2 hàng nước mắt mới chảy ra. Tui thương lắm!”
Ngồi tâm sự, nghe bà kể lại những khó khăn vất vả trong cuộc sống, tôi đã bắt gặp những giọt nước mắt chảy ngược vào lòng của bà. Tôi nghĩ đó là những giọt nước mắt bất lực của một người đàn bà khi về già không có con bên cạnh, không dựa được vào chồng, một mình nuôi cháu... Tôi ước gì có thêm quà để trao gửi tới bà cháu Huy. Cũng mong rằng góc học tập ngày hôm nay trao đến giúp Huy học tốt hơn, không phụ lòng bà.
Tạm biệt Năng Cát, những cái bắt tay, những cái ôm siết chặt, 10 đốm áo cam chúng tôi lại rời đi. Mang trên mình màu áo cam đã 5 năm, nhưng đây là lần đầu tiên tôi đưa màu áo ấy về với quê hương mình - với cương vị là một vị sứ giả, nối nhịp cầu yêu thương của nhà F đến với quê hương.
Đây là lần đầu tiên màu áo của người FPT IS về với mảnh đất dung dị, mộc mạc, nơi có những câu từ đặc biệt “mô, tê, răng, rứa”, mà rất đỗi chân thành như hạt lúa, củ khoai...
Ngôi trường hiện ra sau rừng keo. Không màu mè, rực rỡ như những ngôi trường nơi phố thị, nơi đây nhỏ bé, đơn sơ với 5 phòng học cấp 4 cũ kỹ, mặc một lớp rêu phong bám màu của thời gian. Mới 1 giờ chiều nhưng phụ huynh đã đến rất đông, cùng các thầy cô đón đoàn thiện nguyện.
Một cơn mưa nhỏ nhẹ nhàng đến, tôi bồi hồi ngắm nhìn những giọt mưa gõ nhịp trên tán cây, rồi rơi xuống nền đất đỏ tí tách, cảnh sắc này yên bình mà thi vị, thân thương đến lạ. Những thầy cô, phụ huynh và học sinh chắc cũng như chúng tôi, đang mong mưa mau ngớt để buổi trao quà nhanh chóng được bắt đầu.
Các em học sinh ở đây rất ngoan, người bé tý nhưng bé nào cũng hăm hở xắn tay áo lên để có thể cùng các cô chú sắp xếp. Nào là bê bàn học, tủ sách... đến những thùng quà to gấp đôi người của các em. Ánh mắt hân hoan chung tay chuẩn bị một sự kiện vô cùng đặc biệt. Những em bé hơn thì đi nhặt rác thu gom làm kế hoạch nhỏ, quyết tâm không để một mụn rác nào làm bẩn lớp học, sân trường của mình.
Thầy tổng phụ trách đội cười tươi nói với chúng tôi “Học sinh còn vui hơn khai giảng các anh chị ạ!” Một em nhỏ níu tay tôi: “Dì ơi, Hà Nội là mô rứa dì? Rứa bữa sau nhà dì có về với nhà em nữa không dì?” Em bé chưa dứt câu thì một em khác cũng dồn dập hỏi: “Dì ơi Hà Nội là Thủ đô, còn có Lăng Bác, Hồ Gươm, Tháp Rùa dì hậy, trong sách tập đọc của em viết rứa”.
Tôi nghẹn lòng, hơn 100 em nhỏ nơi đây chắc chỉ mới ngắm nhìn Thủ đô qua trang sách mỏng, thăm Lăng Bác, thăm Hồ Gươm qua các bài giảng của cô thầy... nơi xã nghèo vùng sâu vùng xa này, được ra đến thị trấn còn là một điều vô cùng xa xỉ, nói gì đến một chuyến ghé thăm Thủ đô xa xôi.
Vẫn là những bộ máy tính, bộ bàn học mới, vẫn là những tủ sách 3 màu FPT với hàng trăm đầu sách, những bộ góc học tập tiêu chuẩn và những phần quà nhỏ... đã trao đi không biết bao nhiêu lần nhưng lần này tôi thấy trong tôi không chỉ là hạnh phúc, xúc động, tự hào... mà còn vấn vương nhiều cảm xúc rất khó gọi tên.
Chúng tôi ghé thăm nhà của các em học sinh để được tự mình lắp ghép bộ góc học tập cho các em. Xuyên qua những quả đồi to mới có một nóc nhà nhỏ, mỗi nhà lại có một câu chuyện buồn nhưng đều có một em bé thông minh, hiếu học. Lúc chúng tôi lắp bàn, các em nhỏ đi loanh quanh, ngắm nghía, ngó nghiêng xem chừng muốn dùng thử lắm.
Lần này, chuyến thiện nguyện của chúng tôi kết hợp với đoàn FPT Telecom để đưa một rạp chiếu phim di động về với ngôi trường nghèo. Có rạp phim này, các em nơi đây sẽ có thêm những tiết học kỹ năng sống, những giờ giải lao ý nghĩa là những bộ phim hoạt hình xen vào các giờ học văn hoá. Đối với nơi đây, internet còn chưa được biết đến rộng rãi thì một “Rạp phim trường em” của nhà Viễn thông trao đến hôm nay thực sự vô cùng đáng quý.
Tôi ước gì còn thật nhiều phần quà nữa để trao đến những em bé khác, có hì hụi lắp cả ngày chúng tôi cũng không quản công, đi xa mấy cũng không ngại lòng, chỉ mong trò nghèo có đủ sách vở để học, đưa các em đến gần hơn với hiện đại xã hội như học trò ở chốn thị thành, giúp các em có động lực vươn lên, nỗ lực hơn, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, viết nên những ước mơ thật đẹp trong tương lai.
Chu Thị Nhâm
Ý kiến
()