Công việc liên tục, lại lo cho cô con gái học online, nhiều hôm chị Ngô Thị Ngọc Loan (Synnex FPT HN) cắm cơm mà... quên ấn nút. Cả nhà lại chỉ kịp ăn thức ăn, mì gói. "Mẹ căng thẳng lắm. Phần lớn thời gian làm việc, giờ nghỉ phải "bò ra" học cách viết của các con theo yêu cầu cô giáo. Tối cơm nước xong lại bắt đầu học hành, kèm cặp. Chỉ mong đến cuối tuần để xả hơi, nghỉ ngơi".
Ngoài ra, tình cảm mẹ con có lúc "đi xuống" vì con chữ. Bé Ngô Lan Chi mới chỉ vào lớp 1, việc học trực tuyến đặc biệt khó khăn. Con học chữ, mẹ cũng phải học, để dạy con. "Nhiều khi vào các chữ khó, như nét cong tròn khép kín, nét khuyết trên, viết 2 chữ ghép... bé không hợp tác, viết sai quy sách, 'đình công' không làm bài", mẹ Loan thở dài.
Có bài tập viết khiến mẹ và con mất đến 2 tiếng đồng hồ "đánh trận" buổi tối. To tiếng, quát nhau, có khi có cả rơi nước mắt vì viết mỏi quá. Nhưng rồi, mẹ con lại động viên nhau cố gắng vượt qua, phân tích cho nhau "khó mới phải học", và lại yêu thương.
Bé Ngô Lan Chi - con chị Ngô Thị Ngọc Loan (Synnex FPT HN) năm nay vào lớp 1. |
Hàng ngày, bé học từ 8h-11h. Việc cài đặt máy móc, tập vở đồ dùng học tập cho con, chị đều chuẩn bị từ trước đó 30-40 phút. Hai ngày đầu mới học online, con chưa quen nhưng vốn "nhà nòi FPT" nên đến buổi thứ 3, con đã có thể bật máy tính, tự đăng nhập vào Zoom của lớp. Khi đến giờ học, con hoàn toàn chủ động việc học của mình.
"Lúc đầu cũng khủng hoảng lắm, vì nghỉ dịch kéo dài từ 30/4 khiến việc học tiền tiểu học bị gián đoạn. Con vẫn vừa học vừa chơi, chưa vào khuôn khổ chính quy như khi học liên tục 3 tiếng", chị Loan kể. Những ngày đầu hơi khó gọi con dậy sớm, vì bé phải dậy từ 7h, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và đúng 7h45 ngồi vào bàn, chờ đến 8h vào học. Nếu dậy muộn sẽ không kịp ăn sáng đầy đủ. Nếu ngủ muộn, sáng sẽ dậy mệt mỏi. Học trên lớp xong, chiều bé lại phải làm bài tập.
Để khắc phục, sinh hoạt gia đình đã được điều chỉnh lại theo lịch của bé. Cả nhà ngủ sớm hơn, dậy sớm hơn và mẹ dành thời gian ngoài giờ làm để học các bài của con theo ghi chú của cô giáo sau mỗi buổi học, rồi tối cùng nhau ôn bài, làm bài.
Bé còn nhỏ, nhiều khi cũng tỏ ra mệt mỏi khi học qua mạng. "Con học tiếng Anh và tiếng Việt trực tuyến trên VTV7 vào lúc 14h-15h. Bình thường thấy líu lo đọc bài, có hôm rồi mẹ thấy im im, nhìn qua camera trong phòng (phòng ai nấy học, tránh ảnh hưởng đến nhau) thì thấy nằm... ngáy vang trên giường rồi", chị Loan cười.
Khoảnh khắc bé thiếp ngủ khi học qua truyền hình khiến chị Loan vừa buồn cười vừa thương. |
Để cổ vũ bé cố gắng vượt qua khó khăn ban đầu và thích nghi dần với việc học lớp 1 khác hẳn mẫu giáo, chị Loan chú ý động viên bé bằng những món quà, lời khen. Cạnh đó, con được trang bị các kiến thức về an toàn ổ điện, chú ý sạc pin laptop từ trước để đảm bảo quá trình học không bị gián đoạn, tự khởi động máy, chỉnh camera xuống các góc theo yêu cầu của cô...
Dù vất vả khi vừa làm vừa có con học tại nhà, chị cũng yên tâm phần nào vì "học online nhưng các hoạt động của trường cũng phong phú, như tổ chức trung thu online, mở cuộc thi… Nhờ đó, con học hành hào hứng. Con đạt giải rồi tíu tít khoe đỡ chán hơn lớp mẫu giáo".
Vừa làm việc từ xa, các mẹ vừa phải sắp xếp thời gian nấu ăn cho gia đình. Thường chị Loan làm sẵn đồ ăn cất tủ lạnh từ hôm trước, đến giờ chỉ cần làm nóng cho kịp bữa trưa. |
Từ ngày con học online vào buổi tối do dịch Covid, mỗi chiều, chị Trần Thị Minh Hải (Trường Đào tạo cán bộ FPT - FCU) lại cuống cuồng tạm gác công việc để nấu cơm, rồi tiếp tục ôm máy tính làm việc đến khoảng 18h, bữa tối cũng ăn vội để kịp giờ học của con. Món gì làm trước được, chị tranh thủ làm từ trưa.
Khi làm việc ở nhà (work from home), khối lượng công việc phát sinh, họp hành trực tuyến liên tục đã bận bịu tối mắt tối mũi. Vậy mà có khi đang họp, con bị trục trặc thiết bị hoặc không biết làm bài, lại cầu cứu mẹ, khiến chị dở khóc dở cười. Công việc phải tập trung tối đa, lại cần hướng dẫn con tỉ mỉ từng yêu cầu của cô giáo, chị Hải thú nhận nhiều lúc bị...lẫn hoặc con hỏi gì cũng "ừ" đại.
"Học online bọn trẻ nó không ý thức đâu, nên cứ bò ra bàn mà nhìn cô thôi", chị Hải kể về cô con gái 7 tuổi. Thỉnh thoảng bé lại ngây thơ bảo mẹ "Con giơ tay mãi cô chẳng gọi". Con còn quá nhỏ nên không để ý giờ vào học online, bố mẹ phải nhắc. Con không nhớ hết lời cô dặn, phụ huynh lại phải theo dõi các yêu cầu cô gửi trong nhóm lớp và dặn con làm. Nhiều khi, con làm bài cứ xong một phần lại lon ton đến hỏi mẹ.
Cùng với đó, chị Hải còn canh cánh nỗi lo con có thể gặp các vấn đề về mắt và căng thẳng khi tiếp xúc liên tục với các thiết bị học trực tuyến, đồng thời dành nhiều thời gian xem tivi khi bố mẹ làm việc không thể chơi cùng. Vừa làm việc vừa kèm con học ở nhà, đặc biệt bé mới học lớp 2 chưa chủ động và tự giác học, với chị thật là khó khăn chồng khó khăn.
Không quá nặng nề hay bắt ép các con trong việc học, chị Nguyễn Khoa Diệu Hiền, Chánh Văn phòng FPT Telecom, tự nhận mình là người mẹ có cách nuôi dạy khá “thoáng”. Chị chỉ quan tâm đến mục tiêu và kết quả cuối cùng, như OKR ở FPT, còn lại các con được tự lập, chủ động lựa chọn phương pháp học.
Bé Hương Giang nhà chị Hiền năm nay học lớp 8, được mẹ tập cho tính tự lập ngay từ nhỏ nên bé khá chủ động trong mọi việc. Thậm chí trước khi nhà trường thông báo phương án học online tới học sinh, bé đã chủ động và chuẩn bị kỹ phương án học online trên Teams, rất chăm chú đọc hướng dẫn, tự chuẩn bị đồ dùng cần thiết…
Bé Hương Giang, con chị Nguyễn Khoa Diệu Hiền - Chánh Văn phòng FPT Telecom, là một cô bé có tính tự lập cao. |
Tuy vậy, những ngày học online cũng không tránh khỏi rắc rối phát sinh. Đứng từ xa quan sát, chị thấy bé loay hoay mãi với sự cố đường truyền, thi thoảng lại bị “văng” ra khỏi lớp học. Có lần, cả hai mẹ con ngớ người vì máy tính bỗng treo không hoạt động. Lần khác, cả khu mất điện, nhà nào cũng nháo nhào vì các bé đều đang trong giờ học. Chị đành xin phép cô giáo cho con vắng học.
Để hỗ trợ con tốt nhất, chị theo sát hoạt động của con trên Teams và cập nhật của giáo viên chủ nhiệm về tình hình học tập, nhắc nhở các thời hạn phải hoàn thành, quy định sử dụng thiết bị cho việc học...
Thay vì lúc nào cũng ngồi bên cạnh, chị Hiền sẽ dành thời gian buổi tối để trò chuyện, cùng con tháo gỡ khó khăn. “Học online rất dễ sao nhãng, nên mình cũng phải có sự nhắc nhở. Tuy nhiên không quá khắt khe và cũng không thể kè kè để theo dõi với độ tuổi này. Quan trọng là mục tiêu, kết quả cuối cùng không được quá tệ. Còn lại mình để con có những lựa chọn riêng”.
Sắp tới, để chuẩn bị cho việc quay lại văn phòng, các phụ huynh nhà F cũng đã chủ động tìm giáo viên - cũng đang nghỉ tại nhà do dịch, hoặc giáo viên nghỉ hưu - để hỗ trợ chăm các bé, nhất là khi ngành giáo dục xác định học trực tuyến sẽ là việc lâu dài. "Luôn phải có phương án dự phòng ngay", các bậc cha mẹ đồng tình.
>> Ở nhà giãn cách, nữ sinh Đại học FPT làm gia sư online miễn phí cho trẻ em
An Huy
Ý kiến
()