Chúng ta

Ứng dụng tự báo cáo sức khỏe lên ngôi mùa Covid

Thứ hai, 20/4/2020 | 15:03 GMT+7

Khởi nghiệp ZOE, với sản phẩm đạt gần 2 triệu lượt tải/tuần, hướng đến tinh thần tự giác chống dịch của mỗi người: Thay vì xa lánh xã hội, người dùng có thể góp sức chống đại dịch toàn cầu bằng cách tự cung cấp thông tin sức khỏe cho chính phủ và cơ quan y tế, trong khi dữ liệu cá nhân vẫn được bảo mật.    

Đến tận ngày 20/3, nhóm 14 kỹ sư phần mềm và chuyên gia dữ liệu của start-up sức khỏe và dinh dưỡng ít tiếng tăm mang tên ZOE mới bắt đầu xâu chuỗi và hoàn thiện ứng dụng truy dấu triệu chứng Covid (Covid Symptom Tracker). 4 ngày sau, sản phẩm này thu hút sự chú ý nhiều nhất trên kho ứng dụng App Store của Apple, với 1,2 triệu lượt tải chỉ tính riêng tại Anh.

Theo Forbes, Covid Symptom Tracker yêu cầu người dùng cung cấp vị trí sơ bộ và chi tiết các triệu chứng bệnh, dù có liên quan tới Covid-19 hoặc không. Nếu không có triệu chứng, họ cũng cần chia sẻ tình hình sức khỏe của mình. Tất cả thông tin được ẩn danh bằng cách mã hóa tên gọi, trước khi chuyển sang nhóm các chuyên gia dịch bệnh tại đại học King London và Trung tâm Sức khỏe Quốc gia (NHS).

"Tất cả thông tin trên sẽ cung cấp đầu mối để tìm ra nguyên nhân gây nên Covid-19 - chìa khóa của vaccine", tiến sĩ Tim Spector, đồng sáng lập của ZOE và cũng là người dẫn dắt doanh nghiệp này gọi vốn thành công 27 triệu USD trong thời gian ngắn, nhận định.

covid-symptom-tracker-ydhy-6919-15873694

Thay vì chỉ cách ly và xa lánh xã hội, người dùng có thể góp sức cho chiến dịch chống dịch toàn cầu bằng cách tự kiểm soát tình hình sức khỏe, cung cấp thông tin cho chính phủ và những cơ quan y tế, ít nhất là cho tới khi Covid-19 chấm dứt. Ảnh: Forbes.com

Trước đây Zoe tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của dinh dưỡng lên các cặp sinh đôi, tìm hiểu sự khác biệt trong chế độ ăn ảnh hưởng ra sao tới mỗi cá nhân. Nhiều cặp sinh đôi thuộc nghiên cứu sau đó bắt đầu mắc các triệu chứng Covid-19. Zoe lúc này đã có trong tay dữ liệu về phản ứng miễn dịch cũng như các bệnh nền, doanh nghiệp này bắt tay khám phá cách virus ảnh hưởng tới các cá thể.

Không giới hạn trong các cặp sinh đôi, gần cuối tháng 3, ZOE quyết định mở rộng quy mô nghiên cứu lên toàn nước Anh. "Điểm sáng" khi marketing cho ứng dụng này là mỗi người có thể giúp các nhà nghiên cứu chiến đấu với vi-rút corona chỉ bằng một phút "tự báo cáo" mỗi ngày. Thông tin thu thập sẽ chỉ dùng cho nghiên cứu Covid-19, không bị chuyển, bán đi hay sử dụng sai mục đích.

ZOE không chỉ đáp ứng được nhu cầu của hệ thống y tế quốc gia, mà còn bù đắp cho phản ứng chậm chạp của các "gã khổng lồ" công nghệ vẫn chưa có trong tay những ứng dụng như ZOE, Sara Gordon, phó chủ tịch marketing của start-up hai năm rưỡi tuổi cho biết.

Bà bổ sung thêm, Facebook và Google hiện mới chỉ cung cấp bản đồ nhiễm bệnh và các công cụ cung cấp thông tin. Các cuộc họp bàn giữa giới chức Mỹ và những doanh nghiệp lớn của Silicon Valley về việc thống nhất hình thức chia sẻ vị trí người dùng ẩn danh vẫn chưa mang lại kết quả.

Ứng dụng của ZOE là một trong những công cụ tự quản lý hiệu quả, dễ dàng tiếp cận trên cả hệ điều hành iOS và Android. Thay vì chỉ cách ly và xa lánh xã hội, người dùng có thể góp sức cho chiến dịch chống dịch toàn cầu bằng cách tự kiểm soát tình hình sức khỏe, cung cấp thông tin cho chính phủ và những cơ quan y tế, ít nhất là cho tới khi Covid-19 chấm dứt.

Không giống như hệ thống giám sát diện rộng đang áp dụng tại Trung Quốc, nơi vị trí điện thoại người dùng bắt buộc chịu kiểm soát, Covid Symptom Tracker phụ thuộc vào sự sẵn lòng của người dân. Hàng triệu người đã hưởng ứng, cả những người nổi tiếng có sức ảnh hưởng. Nam diễn viên Anh Stephen Fry đã lên Twitter với 12,7 triệu lượt người theo dõi của mình giới thiệu về ứng dụng của ZOE.

"Chúng ta đang chứng kiến sự tự do của nhiều người trên thế giới bị xâm hại nhiều hơn bao giờ hết bởi những đạo luật khẩn cấp. Trong tình huống hiện tại, những ứng dụng được thiết kế hoàn chỉnh, dựa trên cơ chế tự nguyện tham gia có thể là cách hiệu quả để phản ứng lại đại dịch", Edin Omanovic, phát ngôn viên của tổ chức Quyền riêng tư Quốc tế, nhận định.

zoe-founder-phgx-6747-1587369483.jpg

Tim Spector, giáo sư Dịch bệnh học di truyền tại đại học King London và là một trong những nhà đồng sáng lập của ZOE. Ảnh: ZOE. 

Sự xuất hiện của hàng loạt người tự nguyện trở thành "chuột bạch" cung cấp thông tin vị trí và sức khỏe của mình cho chính quyền cũng đang xảy ra tại Israel. Tại Tel Aviv, đại diện của Forbes Under 30 Omri Moyal đang giám sát sự riêng tư và bảo mật của ứng dụng Hamagen (Người bảo vệ) của Bộ Y tế quốc gia này.

Ứng dụng này hứa hẹn cảnh báo ngay cho người dùng khi họ tiếp cận gần những người đã bị lây nhiễm, hiện đã chạm mốc 1 triệu lượt tải, với gần 50% thực hiện trên Google's Playstore. Việc này đồng nghĩa 1/9 dân số Israel đã tải ứng dụng về trong vòng một tuần.

Cách tiếp cận của Hamagen khác biệt với Covid Symptom Tracker. Các nhóm chuyên gia dịch bệnh của Bộ Y tế Israel đã thu thập sẵn dữ liệu về các bệnh nhân và vị trí của họ, sau đó đăng tải thông tin lên hệ thống mỗi giờ. Người dùng sẽ nhận được cảnh báo nếu họ đã ở cùng nơi với bệnh nhân mắc Covid-19. Quan trọng nhất, thông tin vị trí của người dùng vẫn được giữ trong điện thoại và không bị chia sẻ với bên thứ ba.

Moyal cho rằng ứng dụng Hamagen là một lựa chọn thay thế tốt, thay vì giám sát vị trí của điện thoại thông qua các nhà điều hành viễn thông như cơ quan tình báo Shin Bet của Israel đang làm. Shin Bet chỉ đơn thuần báo cho người dùng biết họ phải đi đến nơi cách ly nếu đã bị phơi nhiễm, trong khi Hamagen cho người dùng biết họ đã bị nhiễm ở đâu và bằng cách nào.

"Khi một chiếc xe bus chở bệnh nhân nhiễm Covid-19 đi ngang một tòa nhà, hệ thống theo dõi điện thoại sẽ bảo tất cả mọi người trong tòa nhà đi cách ly, trong khi Hamagen sẽ biết liệu bạn có mặt trên chuyến xe bus đó hay không," Moyal giải thích.

Bàn về cách biện pháp theo dõi điện thoại của chính phủ hiện tại, Moyal cho rằng đây là một hình thức xâm phạm thông tin cá nhân, dù đây là tình huống khẩn cấp. "Đó là lý do chúng tôi tham gia giúp đỡ dự án Hamagen," ông nói.

Mục tiêu của Hamagen là đạt được 9 triệu người dùng trên lãnh thổ Israel, điều này đồng nghĩa hình thức theo dõi bắt buộc sẽ không còn cần thiết. Đây là một sản phẩm nguồn mở nên các quốc gia khác cũng có thể nhanh chóng áp dụng.

Công nghệ tự báo cáo sức khỏe của Israel vốn đã bắt đầu được chú ý tại nhiều nơi khác trên thế giới. Carbyne, một doanh nghiệp được chống lưng bởi Peter Thiel và cựu thủ tướng Israel Ehud Barak đã đưa công nghệ này lên một tầm khác.

Công ty này cung cấp công cụ yêu cầu những người gọi đến tổng đài cấp cứu cho biết chính xác vị trí và tiếp cận vào máy ảnh trên điện thoại người gọi. Điều này giúp triển khai việc giám sát từ xa và giúp cơ quan nhận điện thoại cấp cứu xác định chính xác vị trí của người nhiễm bệnh. Carbyne đã ký được hợp đồng tại Mexico và Brazil.

coronavirus-4-jybc-3985-1587369483.jpg

Tính đến 7h sáng nay (20/4), thế giới ghi nhận gần 165.000 ca tử vong do nCoV trong tổng số gần 2,4 triệu ca nhiễm, phần lớn ở Mỹ và các nước châu Âu. Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, thế giới ghi nhận 2.394.291 ca nhiễm nCoV tại 210 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó 164.938 người tử vong, tăng lần lượt 76.532 và 5.247 trường hợp so với một ngày trước. Ảnh: Forbes.com.

Tại Mỹ - quốc gia đang đứng đầu thế giới về số ca lây nhiễm, hình thức tự báo cáo sức khỏe đã không nhận được sự đón nhận nồng nhiệt. Private Kit Safe Paths - một sản phẩm của đại học MIT và Harvard, phát triển với sự giúp sức của các lập trình viên đến từ Facebook và Uber, đã chính thức ra mắt đầu tháng 3.

Ứng dụng này theo dõi vị trí của người dùng và chia sẻ vị trí của họ với nhau, với mục tiêu báo cho người dùng biết họ có đang ở gần người nhiễm bệnh hay không thông qua một kênh truyền dẫn mà các nhà phát triển cho rằng riêng tư và bảo mật.

Sản phẩm này chỉ nhận được 50.000 lượt tải trên cửa hàng ứng dụng Android. Nhiều luồng tin cho biết ứng dụng đang chờ được Nhà Trắng sử dụng đại trà, nhưng Ramesh Raskar - đại diện nhóm phát triển cho hay đây là sản phẩm cần được hoàn thiện thêm. Tuy vậy, Private Kit Safe Paths vẫn đang nhận được sự quan tâm của chính quyền Trump và đang thương thảo ký hợp đồng với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ramesh bổ sung.

Harvard và Bệnh viện Nhi Boston cũng đã bắt tay phát triển ứng dụng tương tự như ZOE mang tên Covidnearyou.org. Tuy nhiên tiến độ cập nhật thông tin của sản phẩm này đến nay vẫn còn hạn chế.

Nhóm phát triển của ZOE hy vọng sau khi ứng dụng của họ ra mắt tại Mỹ, nhiều người xứ cờ hoa cũng sẽ ủng hộ họ như tại Anh. Tiến sĩ Spector cho rằng công cụ này có thể sẽ hữu dụng hơn tại Mỹ, nơi thể chế và cách phản ứng với dịch bệnh mang tính phân hóa tại mỗi bang.

"Chúng tôi đang làm việc với các bệnh viện và trường đại học có kho dữ liệu tương tự của mình. Chúng tôi sẽ hình dung hóa các triệu chứng và hợp tác với quan chức các cấp tại các bang và toàn nước Mỹ", Spector cho hay.

>> FPT kích hoạt chế độ làm việc thời chiến

Hải Ninh

Ý kiến

()