Bốn năm trước, CEO Apple - Tim Cook dự đoán tương lai của TV chính là ứng dụng. Tuy nhiên, thời gian trôi qua, ứng dụng trên TV vẫn chưa thực sự bùng nổ, thay vào đó dịch vụ xem phim trực tuyến (streaming) lại đạt được những bước tiến đáng kể, theo Forbes.
Dịch vụ xem phim trực tuyến đã cách mạng hóa cách thức khán giả xem ti-vi và tiêu thụ nội dung. Ảnh: Getty Images. |
Dịch vụ xem phim trực tuyến đã cách mạng hóa cách thức khán giả xem TV và tiêu thụ nội dung. Chỉ riêng Netflix, nền tảng này đã có 148 triệu thuê bao (theo báo cáo tài chính quý II/2019 của Netflix). Sự thành công của dịch vụ xem trực tuyến bắt nguồn từ sự tiện lợi và giá cả phải chăng, khán giả có thể tiếp cận các chương trình và bộ phim mình yêu thích với mức giá cạnh tranh so với truyền hình cáp.
Chưa hết, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy học (machine learning) sẽ đưa ra những gợi ý chương trình tương tự khiến khán giả hào hứng hơn. 80% khách hàng của Netflix gắn bó với nền tảng này vì những gợi ý được cá nhân hóa. Những nền tảng như Netflix cũng giúp những chương trình và phim kén người xem tìm được nguồn khán giả đích thực.
Thay vì phải ngồi chờ giờ chiếu phim và phải chịu đựng những phút quảng cáo tưởng chừng bất tận, ngày nay khán giả có thể xem TV hệt như khi đọc sách: thưởng thức liên tục và trải nghiệm không bị ngắt quãng.
Tuy vậy, sự phát triển của dịch vụ xem trực tuyến đã châm ngòi cho cuộc chiến giành nội dung giữa các hãng cung cấp dịch vụ. NBC mới đây tuyên bố sẽ gỡ bỏ bộ phim truyền hình "The office" ra khỏi Netlix vì hãng này sẽ ra mắt dịch vụ xem phim trực tuyến NBCUniversal vào năm 2021.
Để tránh cuộc chiến này, nhiều hãng bắt đầu tự sáng tạo nội dung và biến mình thành những xưởng sản xuất phim và chương trình truyền hình thực thụ. 85% chi tiêu của Netflix năm 2018 đổ vào hoạt động sản xuất nội dung độc quyền.
Netflix dự kiến dành khoảng 15 tỉ USD cho hoạt động tương tự vào năm 2019 này. Những chương trình phim độc quyền đang xâm lấn vào những nội dung kén khán giả, tôn vinh những cá nhân và những câu chuyện trước giờ bị bỏ quên.
Bất chấp cuộc đua ngày một trở nên khốc liệt, tất cả đều xoay quanh yếu tố duy nhất: trải nghiệm của khách hàng. Trong buổi báo cáo doanh thu quý của Netflix mới đây, CEO Reed Hastings bày tỏ: "Trên thị trường hiện có hàng nghìn đối thủ đang cố gắng hạ rào cản xuống để khán giả có thể tận hưởng trải nghiệm giải trí cách tuyệt vời nhất. Tâm điểm của chúng ta không phải Disney+, Amazon hay những công ty cung cấp dịch vụ xem phim trực tuyến khác, mà phải làm sao để có thể nâng cao trải nghiệm khách hàng".
Ngày nay các công ty không cần phải sinh được lợi nhuận mới được xem là có giá trị. Netflix vẫn đang gánh vác khoản nợ hàng tỉ USD, nhưng vẫn nghiễm nhiên trở thành thương hiệu có giá trị thứ 38 thế giới. Điều làm cho công ty này trở nên giá trị chính là khối lượng thông tin khách hàng khổng lồ. Đây chính là "tương lai của nội dung".
Trong vòng 5-10 năm tới, rất nhiều nội dung sẽ được tạo ra từ thông tin khách hàng. Những nội dung hiếm gặp, mang tính cá nhân hóa cao sẽ được sản xuất và đưa đến tận tay người xem. Những gì thông tin mang lại ngày một trở nên giá trị, vậy nên TV, hay truyền hình, trong tương lai sẽ xoay quanh khách hàng và khác biệt rất nhiều so với trước đây.
Trong vòng 5-10 năm tới, rất nhiều nội dung sẽ được tạo ra từ thông tin khách hàng. Ảnh: Getty Images. |
Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế trải nghiệm, vậy nên cuộc chiến của dịch vụ xem phim trực tuyến không chỉ dừng lại trong ngành, mà các công ty phải chiến đấu để giành khán giả với những hình thức giải trí khác nhau như rạp chiếu phim, video game, thậm chí cả nhà hàng, quán bar và các ứng dụng du lịch như Airbnb, bởi chúng đều là những thứ sẽ đưa khán giả rời xa màn hình. Nói cách khác, tương lai của TV cũng chính là tương lai của trải nghiệm và nội dung tương tác.
Trong một động thái khác, Netflix vừa lập kỷ lục, nhưng là theo cách tồi tệ nhất hôm 18/7, khi mức định giá cho dịch vụ xem phim trực tuyến lớn nhất thế giới giảm tới 17 tỉ USD, theo Bloomberg. Cổ phiếu của Netflix đã giảm 10,3% xuống còn 325,21 USD mỗi cổ phiếu trong phiên giao dịch hôm 18/7, đánh dấu mức giảm phần trăm trong ngày tồi tệ nhất ba năm qua.
Khủng hoảng của Netflix xảy ra một ngày sau khi hãng báo cáo chỉ có 2,7 triệu khách hàng mới đăng ký trong quý II - giảm khoảng 2,5 triệu người đăng ký so với kỳ vọng của giới đầu tư. Công ty này thậm chí còn mất thuê bao ở "sân nhà", với 126.000 tài khoản tại Mỹ bỏ dịch vụ. Trong thư gửi các cổ đông, Netflix cho rằng việc sụt giảm thuê bao là do việc tăng giá dịch vụ gần đây.
Sau khi cộng thêm khách hàng mới nhất ở nước ngoài, Netflix hiện có 151,6 triệu người đăng ký thuê bao trên toàn cầu. Mặc dù có sự sụt giảm tăng trưởng thuê bao, Netflix vẫn đạt thu nhập tốt hơn mong đợi và doanh thu 4,92 tỷ USD của hãng này về cơ bản phù hợp với ước tính của giới đầu tư. Tom Harrington, nhà phân tích nghiên cứu cấp cao của hãng Enders Analysis, cho biết kết quả kinh doanh quý II của Netflix là đáng "quan ngại" một phần do thiếu chương trình hấp dẫn ra mắt trong quý.
>> Hợp tác FPT - HBO: ‘Cơ duyên’ và ‘nỗ lực’
Hải Ninh
Ý kiến
()