Đến với FPT Techday 2020, anh Bùi Đình Giáp - Giám đốc nền tảng RPA akaBot thuộc FPT Software trình bày về hợp lực giữa con người và tự động hóa thông minh giúp ngân hàng khai phá và tăng năng suất.
Mở đầu bài nói, anh Giáp đưa ra nhận định về ảnh hưởng của tự động hóa đến mọi mặt của đời sống hiện tại, nhất là trong doanh nghiệp. “Trong 1 văn phòng, ta có thể thấy robot chạy tự động, mở email, load email, xuất excel và trả lời khách hàng. Công nghệ này gọi là RPA (Robotic Process Automation), nằm trong Top 10 xu hướng công nghệ do Garner bình chọn”, anh cho biết.
Theo anh, ngày nay RPA được biến đổi, có thêm phần quản trị, có thể tương tác với nhiều loại phần mềm khác nhau. RPA mô phỏng các thao tác của người dùng, hiện tiến hóa theo 3 mức gồm Pure RPA (RPA đơn thuần), Intelligent RPA (tự động hóa thông minh - RPA kết hợp AI), và True Cognitive RPA (có nhân viên ảo thực thụ trong văn phòng).
Giám đốc akaBot chia sẻ, ở hai hướng là khai thác và phân tích dữ liệu, akaBot mong muốn mở rộng hợp tác. |
Anh Giáp cho rằng việc tiến hóa lên Intelligent RPA là điều thiết yếu, bởi, “những gì RPA đơn thuần giải quyết được chỉ là một phần nhỏ của tảng băng lớn, để giải quyết các dữ liệu phi cấu trúc còn lại, chúng ta cần có AI”. Những công việc có giá trị cao, đòi hỏi nhiều nguồn lực của doanh nghiệp thì Intelligent RPA mới có thể giải quyết được.
Anh chia sẻ, hình dung của FPT rất rõ ràng về Intelligent RPA rất rõ ràng ở 2 góc nhìn. Đầu tiên là về mặt vận hành cho doanh nghiệp. Trước đây FPT chỉ xây dựng bot theo quy tắc, quản lý chúng và thực thi. Tự động hóa thông minh sẽ giúp doanh nghiệp tìm được ra quy trình nghiệp vụ nào tiêu tốn nhiều lực, kết nối người với máy, đo lường tối ưu hóa, những quy trình nào nên được rút ngắn lại. Tiếp theo, về mặt công nghệ, tự động hóa thông minh sẽ có một loạt công nghệ bao quanh RPA. Về sự phát triển của tự động hóa thông minh, Bùi Đình Giáp chỉ ra 3 hướng: Boundary Data Processing, Process mining/Process optimizing và Intelligent Workflow Engine.
Anh cho biết, akaBot hợp lực cùng FPT.AI, cung cấp chatbot, voicebot, OCR (nhận dạng ký tự quang học) xử lý toàn bộ dữ liệu phi cấu trúc. akaBot hiện là nền tảng RPA hàng đầu Việt Nam, có rất nhiều khách hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ hay châu Âu. Sản phẩm đã lọt top nền tảng RPA hàng đầu thế giới, được đánh giá bởi Gartner. Trong 2021, FPT đặt mục tiêu đưa sản phẩm công nghệ Việt Nam sánh vai với các sản phẩm công nghệ trên thế giới, đưa akaBot vào danh mục ứng dụng trong các tập đoàn lớn toàn cầu. Với akaBot, quá trình tự động hóa tại doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Theo anh Giáp, doanh nghiệp cần cập nhật bot liên tục và cần trang bị khả năng tự động thích nghi với những thay đổi trong tương lai. |
Cuối cùng, Giám đốc akaBot chia sẻ câu chuyện về một ngân hàng mỗi ngày xử lý 400 khoản vay. Trước đây, các chuyên viên phải xử lý hoàn toàn thủ công. Khi đưa giải pháp tự động hóa thông minh vào ứng dụng, các nhân viên kinh doanh chỉ cần chụp ảnh hồ sơ khách hàng, đưa vào website, akaBot tải về và chuyển đổi thành dữ liệu có cấu trúc. Sau đó, các chuyên viên chỉ cần vào hệ thống để duyệt khoản vay, thay vì nhập liệu thủ công. Sau khi duyệt, robot có thể truy cập CIC (trung tâm thông tin tín dụng) để kiểm tra lịch sử tín dụng, đi vào core banking để kiểm tra dữ liệu khách hàng 100%. Trên quy trình đó, robot cũng có thể gửi email để thông báo cho chuyên viên vào kiểm duyệt nếu có phát sinh. Đây là một trong những điển hình thành công của akaBot. Ngoài ra nền tảng này cũng có thể đọc fax để chuyển đổi sang dữ liệu có cấu trúc, đưa vào core banking.
"Chúng ta có AI, có RPA, nhưng vẫn cần có con người. Theo lời của cựu CIO của IBM, người và máy kết hợp sẽ cho ra hiệu suất tốt nhất, chứ không chỉ người hay chỉ máy. Lịch sử cách mạng công nghiệp cho thấy, khi công nghệ mới ra đời có thể lấy đi công việc của con người nhưng về dài hạn, sẽ tiếp tục tạo ra những công việc mới có giá trị cao hơn rất nhiều”, anh Bùi Đình Giáp nhấn mạnh.
Hoa Hạ
Ảnh: Trần Vũ
Ý kiến
()