Kể từ năm 2012, thế giới đã ăn mừng hạnh phúc trong tháng 3, với việc Liên Hợp Quốc tuyên bố ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc. Trong một bài viết của tác giả Tomoko Yokoi đăng trên Forbes, bà cho rằng hạnh phúc là một trải nghiệm chủ quan và mang tính nhân văn sâu sắc; và nghiên cứu khoa học về hạnh phúc đã bùng nổ. Các nhà tâm lý học quan tâm đến việc hiểu cảm giác của mọi người; các nhà kinh tế muốn biết những gì mọi người đánh giá cao; và các nhà thần kinh học tìm cách hiểu cách bộ não phản ứng với những phần thưởng tích cực. Kết quả là hạnh phúc có thể được đo lường theo nhiều cách khác nhau.
Nhưng nếu có một điều mà các nghiên cứu khoa học đồng ý, thì đó là tầm quan trọng của liên kết xã hội. Chúng ta là một loài có tính xã hội cao. Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2021 từng nêu bật một yếu tố chính trong chính sách Covid-19 là giãn cách xã hội, điều này đặt ra một thách thức đáng kể đối với các kết nối xã hội của mọi người. Theo báo cáo này, những người có cảm giác kết nối giảm sút thì mức độ hạnh phúc cũng giảm đi.
Theo đuổi hạnh phúc trong thế giới số. Ảnh: Pixabay |
Sức mạnh của kết nối
Một yếu tố được xác định để dự đoán sức khỏe trong thời kỳ đại dịch là việc sử dụng phương tiện kỹ thuật số để kết nối. Vào thời kỳ đầu của đại dịch, các công ty đã đua nhau tìm kiếm các thiết bị công nghệ thông tin như máy tính xách tay, và các dịch vụ công nghệ thông tin như Zoom. Ở cấp độ cá nhân, một số nghiên cứu cho thấy việc sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số để kết nối ngày càng nhiều. Đặc biệt, những người trẻ đã tăng mức sử dụng giao tiếp số so với các nhóm tuổi khác.
Tương tự, dữ liệu từ một cuộc khảo sát của Gallup/Knight Foundation đã chứng minh rằng phần lớn những người được hỏi nhận thấy truyền thông xã hội đóng vai trò quan trọng để duy trì kết nối trong thời kỳ đại dịch. Đồng thời, việc thiếu khả năng tiếp cận và kỹ năng sử dụng Internet, tức là các hộ gia đình không có quyền truy cập Wi-Fi hoặc người lớn tuổi không quen điều hướng công nghệ, có thể đã trở nên trầm trọng hơn trong thời kỳ đại dịch, khiến những người này gặp rủi ro. Bất bình đẳng số có thể gây rủi ro cho sức khỏe và hạnh phúc trong đại dịch.
Công nghệ kỹ thuật số và hạnh phúc
Những phát hiện này, trong bối cảnh đại dịch, nhấn mạnh cuộc thảo luận về công nghệ kỹ thuật số và hạnh phúc. Tóm lại, công nghệ số có thể là con dao hai lưỡi. Đối với một số người, Internet có thể là nơi an toàn, không đe dọa để nuôi dưỡng và duy trì các kết nối xã hội. Đồng thời, bằng chứng ngày càng tăng về việc giám sát người dùng và các công nghệ gây nghiện nhấn mạnh tác hại của công nghệ kỹ thuật số số đối với hạnh phúc.
Năm 2018, Trung tâm Nghiên cứu Pew đã phỏng vấn 1.150 chuyên gia công nghệ, học giả và chuyên gia y tế về câu hỏi: “Trong thập kỷ tới, những thay đổi trong cuộc sống số sẽ tác động như thế nào đến sức khỏe tổng thể và tinh thần của mọi người?”. Kết quả là khoảng 47% số người được hỏi dự đoán rằng công nghệ kỹ thuật số mang lại những tác động tích cực cho hạnh phúc; trong khi 32% tin rằng sức khỏe của mọi người sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. 21% còn lại dự đoán ít thay đổi về hạnh phúc.
Báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew cung cấp một bản tóm tắt về cả mối quan hệ tích cực và tiêu cực giữa công nghệ kỹ thuật số và hạnh phúc. Trong báo cáo này, một số lĩnh vực mà công nghệ kỹ thuật số được cho là có tác động tích cực đến hạnh phúc là giúp kết nối mọi người với nhau, khai thác trí thông minh quan trọng trong thời gian thực để giải quyết các vấn đề về sức khỏe, an toàn và khoa học, và trao quyền cho mọi người để cải thiện và tái tạo cuộc sống của họ. Ngoài nguy cơ nghiện và giám sát số, các công nghệ kỹ thuật số được cho là có tác động tiêu cực đến khả năng nhận thức của mọi người liên quan đến khả năng tư duy phân tích, trí nhớ, sự tập trung và sáng tạo của họ. Sự ngờ vực và chia rẽ có thể được khuếch đại, đồng thời tình trạng quá tải thông tin và thiết kế giao diện kém có thể làm gia tăng căng thẳng, lo lắng và mất ngủ.
Công nghệ kỹ thuật số có làm chúng ta hạnh phúc hơn hay không? Rõ ràng là công nghệ có thể có cả tác động tích cực và tiêu cực đến hạnh phúc chủ quan của các cá nhân. Mặt khác, các công nghệ kỹ thuật số cung cấp cho chúng ta các công cụ. Và việc quyết định cách sử dụng chúng một cách thích hợp tùy thuộc vào chúng ta. Thật vậy, chúng ta có trách nhiệm tận dụng các công nghệ kỹ thuật số để giảm thiểu các tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với sức khỏe.
Nguồn hạnh phúc “phi công nghệ”
Trong một phong trào mang tên Action for Happiness (Hành động vì Hạnh phúc), cam kết xây dựng một xã hội hạnh phúc và quan tâm hơn, việc chuyển các sự kiện trực tiếp sang trực tuyến từ đã mang lại một số lợi ích lớn hơn mong đợi. Tiến sĩ Mark Williamson, giám đốc điều hành Action for Happiness giải thích: "Chúng tôi có thể tiếp cận những người ở xa, bị cô lập hoặc lo lắng về mặt xã hội; đồng thời đưa mọi người từ các nền tảng/quốc gia khác nhau đến với nhau trong cùng một không gian kỹ thuật số".
Chưa hết, Williamson cũng nhắc nhở chúng ta rằng nhiều nguồn hạnh phúc có thể không đến từ công nghệ. Trong bài báo của mình, ông chỉ ra 3 hành động phi kỹ thuật số đơn giản đã được chứng minh là giúp chúng ta hạnh phúc hơn: Hoạt động ngoài trời - đi bộ qua công viên, xuống xe buýt sớm hoặc tham gia "cuộc họp đi bộ" với đồng nghiệp; Dành không gian để hít thở - thường xuyên dừng lại và dành 5 phút để hít thở và tận hưởng khoảnh khắc - để ý cảm giác của bạn và những gì đang diễn ra xung quanh bạn; Làm cho người khác hạnh phúc - thực hiện những hành động tử tế ngẫu nhiên, đề nghị giúp đỡ, cho tiền, khen ngợi hoặc nói cho ai đó biết họ có ý nghĩa như thế nào đối với bạn.
Hà An (dịch)
Ý kiến
()