Sự kiện Open Camp 2017, một nội dung của Cuộc đua số, mở màn đầu tiên ở FPT Software HCM (toà nhà F-Town ở quận 9) ngày 6/1 với hơn 100 sinh viên các trường đại học trên địa bàn. Tại sự kiện, ngoài việc được tham quan campus FPT Software và nghe các chuyên gia công nghệ của FPT chia sẻ về những xu hướng công nghệ mới nhất trên thế giới cũng như những ứng dụng triển khai tại Việt Nam như Trí tuệ nhân tạo (AI), Thực tế ảo (AR), xe tự hành..., sinh viên sẽ còn được trực tiếp khám phá và trải nghiệm công nghệ xe tự hành do FPT phát triển. |
Nguyễn Đức Anh (góc trái, hàng trên), sinh viên ĐH Công nghệ Thông tin TP HCM, cho hay, cậu biết thông tin từ email truyền thông của trường và rất tò mò với sự kiện Open Camp. "Vì trước đây và hiện tại, trường em cũng đã có nhiều thử nghiệm liên quan đến các robot tự hành nên đây là lý do chính khiến em mong muốn sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới”. |
Phó Ban Truyền thông FPT - chị Đặng Ánh Tuyết - đai diện Ban tổ chức bày tỏ vui mừng được gặp lại các thí sinh Cuộc đua số. "Open Camp tại Sài Gòn có sự hiện diện của các bạn nữ. Đây là niềm vui và niềm tự hào, là động lực không nhỏ trong thời buổi công nghệ phát triển hiện nay", chị Tuyết hào hứng. Cách mạng công nghệ số khiến FPT thay đổi rõ rệt. Trong giới công nghệ, FPT đang là đối tác tin cậy của Amazon hay GE. "Với ván cờ mới, bước chuyển mới, chúng ta đã tiếp cận gần hơn và FPT mong muốn sẽ giúp nhiều bạn trẻ tiếp cận với công nghệ tiên tiến nhất", Phó Ban Truyền thông FPT cho hay. "Cuộc đua số sẽ là bước gần nhất với các bạn. Ban tổ chức mong muốn sẽ mang đến nhiều case study từ đó giúp mỗi bạn định hướng được điều mình muốn làm, lập kế hoạch ra sao từ đó hoạch định tương lai của chính mình". |
Cuộc đua số 2017-2018 diễn ra từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018. Đây là cuộc thi lập trình công nghệ xe tự hành dành cho tất cả sinh viên đại học trên cả nước. Đề bài của cuộc thi năm nay cũng được nâng cao độ khó so với năm trước. Cụ thể, tại vòng chung kết, các thí sinh sẽ phải lập trình để xe có thể chạy được với điều kiện mô phỏng ánh sáng ngoài trời, nhận diện biển báo giao thông, rẽ trái/phải theo quy định… Tổng giá trị giải thưởng hơn 4 tỷ đồng. Đội vô địch sẽ được nhận tổng giá trị phần thưởng của các vòng là 450 triệu đồng, trong đó có một chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Nhật Bản trong vòng 1 tuần và được FPT Software tuyển thẳng vào làm theo lĩnh vực mà cá nhân mong muốn. |
Kỹ sư Hứa Anh Tuấn, thành viên nhóm ADAS chuyên nghiên cứu và phát triển công nghệ xe tự lái của đơn vị FPT Global Automotive (FGA), thuộc FPT Software, chia sẻ về nghiên cứu và phát triển xe tự hành tại đơn vị và giới thiệu về xe tự lái - tương lai của ngành công nghiệp xe ô tô. Anh Tuấn lần lượt giới thiệu về các bộ phận, ứng dụng công nghệ để cấu thành một chiếc xe tự lái cơ bản cũng như xe tự lái FPT Software đang phát triển như: ứng dụng End to end Deep Learning (thu thập data, xử lý hình ảnh), Traffic Sign (nhận diện các biển báo), Vehicle Detection & Tracking (nhận diện vật cản, né vật cản trên đường), ZED Stereo camera… |
"Hiện xe tự lái đang là xu hướng và là công nghệ tương lai của ngành công nghiệp ô tô,", anh Tuấn khẳng định. "Các hãng lớn nhấ thế giới như Tesla, Waymo, Volvo, Google, Audi, Toyota hay FPT Software cũng đang nghiên cứu, phát triển để tham gia vào “làn sóng” này". Trên màn hình (ô giữa hàng cuối) là chiếc xe ô tô thử nghiệm công nghệ tự lái đầu tiên của FPT đã chạy với tốc độ hơn 20 km/h, biết tự điều khiển đi thẳng, tránh xe ngược chiều, chướng ngại vật và đánh lái chuyển hướng theo các khúc cua. |
Anh Phạm Quang Việt, chuyên gia công nghệ cấp tập đoàn, quản lý nhóm ADAS, cho biết, mức độ thành thục của xe phụ thuộc vào thời gian học. Hiện dữ liệu huấn luyện (training) của xe xấp xỉ 1 triệu ảnh, tương đương khoảng hơn 100 giờ lái xe liên tục. Dữ liệu training trên hệ thống mà FGA phát triển sử dụng GPU CUDA tích hợp trong board Jetson TX2 của NVIDIA. Các thuật toán deep learning cũng dựa trên model được tùy chỉnh từ các nghiên cứu của NVIDIA cũng như các hãng phát triển xe tự hành trên thế giới và chạy hoàn toàn trên GPU. |
Theo anh Việt, các ứng dụng: nhận diện hình ảnh, giọng nói... được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây. Công nghệ Deep learning (học sâu) được đưa vào xe qua hai bước: lắp đặt các thiết bị, cameara sẽ thu thập tất cả các thông tin bên ngoài xe, sensor đo tốc độ xe, yếu tố bên ngoài xe. Sau đó, nhóm ADAS sử dụng thuật toán back propagation sẽ quyết định rẽ trái hay rẽ phải, hệ thống tối ưu trọng số từ 1/1.000 hay 1/10.000, chạy càng lâu, sai số càng nhỏ. "Ứng dụng deep learning tối ưu cho xe chạy trong thời gian thực, nhận diện đèn giao thông, biển báo giao thông, giảm thiểu các lỗi hay gặp phải như là các hình ảnh ở xa, biển báo liên tục", chuyên gia Phạm Quang Việt khẳng định. "Công nghệ này giải quyết các bài toán khác nhau mà công nghệ cũ chưa giải quyết được". |
Chuyên gia Nguyễn Huy Hoàng, Công ty Giải pháp Công nghệ FPT (FTS), chia sẻ, hiện đơn vị đang nghiên cứu các giái pháp công nghệ về giao thông, y tế, tàu hoả… Theo anh Hoàng, trước bài toán làm thế nào để tận dụng nguồn dữ liệu camera để giám sát liên tục, phản ứng nhanh với các tình huống nhằm điều phối giao thông tổng thể và khoa học, "FTS dùng giải pháp đếm lưu lượng phương tiện, xác định phương tiện vi phạm giao thông, nhận diện biển số tự động để tối ưu đèn tín hiệu, đưa ra thông tin cho người dùng về tình trạng giao thông tại thời gian thực qua ứng dụng di động", chuyên gia FTS chia sẻ. |
Trưởng phòng Đào tạo FPT Software - Nguyễn Thị Vọng chia sẻ về những cơ hội tại Phần mềm FPT. Riêng mảng ô tô, tính đến nay, FPT đã và đang triển khai 150 dự án liên quan đến công nghệ ô tô cho các khách hàng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu và Mỹ. Phần lớn công việc về công nghệ xe hơi của FPT là liên quan đến hệ thống giải trí và hệ thống khung xe cho ô tô. Một số đã được sử dụng trên các xe đời mới tại thị trường châu Á. "Cơ hội ở FPT Software là không giới hạn, từ công nghệ mới, onsite nước ngoài cbo đến màng ô tô mới mẻ", chị Vọng nhấn mạnh. |
Trong giờ giải lao, các thí sinh Cuộc đua cố cùng xem mô hình cuộc thi. Theo Ban tổ chức, mỗi đội thi gồm 3-4 thành viên của cùng một trường đại học. "Đội thi nên có thành viên thuộc chuyên ngành CNTT, cơ điện tử và điện tử viễn thông. Bên cạnh đó, hiểu biết kiến thức liên quan đến xử lý ảnh, học máy thống kê, lập trình nhúng, trí tuệ nhân tạo, lập trình trên Linux hay biết sử dụng ngôn ngữ lập trình C/C++ cũng là lợi thế", chị Đặng Ánh Tuyết chia sẻ. Đại diện Ban tổ chức cũng bật mí đội vô địch năm ngoái chỉ gồm các thành viên chuyên về CNTT, "nhưng các bạn đã rất chịu khó tìm tòi để bổ sung kiến thức, kỹ năng còn thiếu", chị Tuyết thông tin. |
Chị Nguyễn Huệ Linh, Ban Truyền thông, thành viên Ban tổ chức, trình bày thể lệ vòng thi sắp tới. Theo đó, 10 trận thi đấu vòng trường (diễn ra từ 14-24/1) tại 10 điểm thi để chọn ra 20 đội xuất sắc nhất vào vòng bán kết. Tại trận thi trường, các đội thi sẽ phải trải qua 3 vòng: Kiểm tra kiến thức và năng lực xử lý hình ảnh, Kỹ năng lập trình nhanh và Kiến thức về các lĩnh vực công nghệ liên quan đến cuộc cách mạng 4.0. Tất cả thành viên top 20 đội xuất sắc của vòng thi trường sẽ được lọt vào bán kết và được FPT Software tài trợ tham gia khóa học Kỹ sư lập trình nhúng theo chuẩn châu Âu trong vòng 10 tuần trị giá 2.000 USD/suất (bao gồm trợ cấp đào tạo theo tháng, đào tạo lý thuyết, thực hành lab và huấn luyện thực địa tại các dự án về tự động hóa đang triển khai tại FPT Software). Các thành viên vượt qua kỳ thi cuối khóa sẽ được ký hợp đồng trở thành nhân viên chính thức tại FPT Software. |
Những vướng mắc trong việc triển khai các bài toán công nghệ cụ thể của các bạn sinh viên trong quá trình học tập cũng như tham gia cuộc thi công nghệ Cuộc đua số cũng được Ban tổ chức và các chuyên gia giải đáp. |
Giọng của thí sinh Lê Thị Phương Ngân (quê Phú Yên), đội Sophia của trường ĐH Công nghệ Thông tin TP HCM, khá khó nghe nên chị Đặng Ánh Tuyết phải xuống tận chỗ. |
Lần lượt từng câu hỏi được Ban tổ chức giải đáp thoả đáng. Những yếu tố chuyên sâu sẽ được cập nhật qua email. Trong ngày 8 và 12/1, sinh viên công nghệ tại Hà Nội và Đà Nẵng lọt vào vòng sơ khảo cuộc thi Cuộc đua số 2017-2018 với chủ đề “Lập trình Xe tự hành” do FPT tổ chức sẽ tham dự sự kiện tương tự. |
Sau phần chia sẻ, các thí sinh sẽ cùng trải nghiệm xe tự lái ứng dụng công nghệ của FPT. Buổi chiều cùng ngày là hoạt động teamwork. Nguyễn Đức Anh, sinh viên ĐH Công nghệ Thông tin TP HCM, cho hay, đến với Open Camp là một trải nghiệm hữu ích, được chơi, được học, được giao lưu, có cơ hội cập nhật, nâng cao kiến thức học ở trường từ đó có thêm động lực chủ động tìm kiếm, đào sâu các kiến thức một cách chủ động hơn nữa. “Chỉ nghe tên xe tự lái tôi đã thích thú và tò mò, khi được ngồi trên xe tôi lại càng cảm thấy thú vị hơn. Xe có vô lăng nhưng lại không cần cầm vô lăng điều khiển, tài xế có thể tự do quay xuống nói chuyện, xe chạy đúng lề đường, tránh được các vật cản… Một chiếc xe chưa từng có tại Việt Nam. Thật sự quá thích thú và thú vị”, Đức Anh hào hứng. Kết thúc vòng hồ sơ, Cuộc đua số 2017-2018 đã thu hút gần 800 thí sinh (260 đội) của 32 trường đại học trên cả nước tham dự. TP HCM là khu vực có đông thí sinh đăng ký nhất (117 đội), tiếp theo là Hà Nội (102 đội) và Đà Nẵng mặc dù là năm đầu tiên tham gia nhưng cũng có lượt thí sinh đăng ký đông đảo (41 đội)… Sau khi sơ loại, Ban tổ chức đã chọn ra 205 đội thi lọt vào vòng thi trường. 10 trận thi đấu vòng trường (diễn ra từ 14-24/1) tại 10 điểm thi để chọn ra 20 đội xuất sắc nhất vào vòng bán kết. |
>> 'Sinh viên lãi ngay khi đăng ký Cuộc đua số'
Nhóm phóng viên
Ý kiến
()