Chúng ta

Phục hồi ngoạn mục, SoftBank lãi gần 12 tỷ USD

Thứ tư, 12/8/2020 | 10:09 GMT+7

Nhờ giá cổ phiếu các hãng công nghệ toàn cầu tăng vọt bất chấp đại dịch Covid-19, Tập đoàn SoftBank của tỷ phú đầu tư Masayoshi Son lãi 11,8 tỷ USD trong quý II.

Theo Bloomberg, lợi nhuận ròng của SoftBank trong 3 tháng tính đến hết ngày 30/6 đạt 1.260 tỷ yen (11,8 tỷ USD). Đây là sự hồi phục ngoạn mục từ khoản lỗ 1.440 tỷ yen (13,5 tỷ USD) của quý I. Lợi nhuận ròng của quỹ Vision Fund đạt 129,6 tỷ yen (1,22 tỷ USD). Trong quý đầu tiên, Vision Fund lỗ ròng 1.130 tỷ yen (10,6 tỷ USD).

soft-bank-9963-1597201733.jpg

SoftBank đạt lợi nhuận 12 tỷ USD sau giai đoạn thua lỗ. 

Giới quan sát nhận định với kết quả này, tỷ phú đầu tư Masayoshi Son đã lấy lại phần nào uy tín sau quý kinh doanh tồi tệ nhất trong lịch sử 39 năm của công ty do ông sáng lập. Giá cổ phiếu công nghệ toàn cầu vọt lên dữ dội, đẩy giá trị đầu tư của SoftBank tại các khởi nghiệp như Uber Technologies (Mỹ), Didi Chuxing (Trung Quốc) và Coupang (Hàn Quốc) tăng cao.

Tỷ phú Son cũng bán nhiều tài sản và mua lại lượng lớn cổ phiếu công ty, qua đó đẩy giá cổ phiếu SoftBank lên mức cao nhất trong hai thập kỷ. "Định giá của các công ty nhận đầu tư từ Vision Fund chắc chắn sẽ tiếp tục tăng", Bloomberg dẫn lời chuyên gia Justin Tang thuộc United First Partners (Singapore) dự báo.

Quỹ đầu tư Vision Fund 100 tỷ USD được SoftBank thành lập 3 năm trước để đổ tiền vào start-up công nghệ toàn cầu. Đây là nguồn thu quan trọng của SoftBank.

Năm tài chính trước, giá cổ phiếu Uber lao dốc khiến SoftBank lỗ hàng tỷ USD. Tuy nhiên, cổ phiếu Uber tăng tới 11% trong quý II, giúp công ty Nhật Bản có lãi. Định giá của các hãng gọi xe khác nhận đầu tư từ SoftBank như Didi, Grab (Đông Nam Á) và Ola (Ấn Độ) cũng tăng theo.

Một số công ty được SoftBank rót vốn phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) thành công. Giá cổ phiếu hãng bảo hiểm trực tuyến Lemonade và công ty phát triển thuốc chống ung thư Relay Therapeutics đều tăng gấp đôi sau IPO.

Hồi đầu năm, tỷ phú Son buộc phải hoãn kế hoạch thành lập quỹ Vision Fund 2 sau cuộc khủng hoảng WeWork. Nhà phân tích Atul Goyal thuộc Jefferies Group nhận định kết quả tích cực của quý II sẽ mở ra cơ hội để ông Son thực hiện kế hoạch này.

"Tiền đang tràn ngập các thị trường tài chính toàn cầu và ông Son sẽ quay lại với kế hoạch mở Vision Fund 2. Uy tín của SoftBank sụt giảm nghiêm trọng vì quỹ Vision Fund 1, nhưng trong 5-6 tháng tới, ông ấy sẽ huy động được nguồn vốn cho Vision Fund 2", chuyên gia Goyal dự báo.

Trong động thái mới nhất, CEO Masayoshi Son xác nhận thông tin SoftBank đang cân nhắc bán hoặc niêm yết cổ phiếu của công ty thiết kế chip ARM Holdings (Anh) sớm hơn dự kiến là vào năm 2023, theo CNN.

SoftBank đã thâu tóm ARM với giá khoảng 32 tỷ USD vào năm 2016, trong đó SoftBank Group sở hữu 75% và SoftBank Vision nắm 25% còn lại.

ARM trước đây từng là một công ty niêm yết nên việc tái niêm yết không phải là điều khó khăn. Tuy nhiên, ARM cần phải hoạt động thật tốt và đem lại cho công ty mẹ đủ chi phí mua ban đầu nếu đi theo con đường tái niêm yết.

Theo ông Son, có một lựa chọn khác là bán một phần hoặc toàn bộ ARM với một thỏa thuận có thể kết hợp giữa tiền mặt và cổ phiếu. CEO của SoftBank nói có một số công ty quan tâm đến việc mua lại ARM nhưng không tiết lộ danh tính những công ty đang đàm phán thương vụ này.

Tháng trước, CNBC đưa tin SoftBank đã thuê Goldman Sachs đánh giá cả khả năng chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và bán ARM.

>> Chi tiêu cho CNTT toàn cầu sẽ giảm 8% năm 2020

Hải Ninh

Ý kiến

()