Chúng ta

Ông Trump ngăn nhân lực công nghệ vào Mỹ

Thứ năm, 20/4/2017 | 09:44 GMT+7

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh chỉ đạo các cơ quan liên bang thực thi nghiêm chương trình thị thực liên quan việc tuyển lao động nước ngoài tay nghề cao, trong đó có nhân lực CNTT, vào Mỹ.

Sắc lệnh hành pháp về việc tăng cường và xem xét chương trình thị thực H-1B, phổ biến trong lĩnh vực công nghệ, được ký trong chuyến thăm ngày 18/4 (giờ Mỹ) của Tổng thống Mỹ tới trụ sở Công ty Snap-On, một nhà sản xuất dụng cụ tại Kenosha, bang Wiscosin, theo Reuters.

usa-trump-visa-3265-1492586489.jpg

Tổng thống Trump đề cao "mua hàng Mỹ - thuê người Mỹ". Ảnh: CBC.

Reuters cho biết, sắc lệnh này là một nỗ lực của ông Trump để thực hiện chiến dịch "ưu tiên nước Mỹ", "mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ" nhằm củng cố các chính sách nhập cư của Mỹ và khuyến khích người dân mua hàng quốc nội.

“Bằng hành động này, chúng tôi đang gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới: chúng tôi sẽ bảo vệ người lao động của mình, bảo vệ việc làm của mình, và cuối cùng là đặt nước Mỹ trên hết”, ông Trump nói.

Các quan chức cấp cao của Mỹ đưa ra ít thông tin về việc thực thi sắc lệnh này, nhưng các phụ tá của ông Trump đã bày tỏ lo ngại rằng phần lớn thị thực H-1B được trao cho các vị trí công việc được trả lương thấp và các công ty thuê ngoài (Outsourcing), nhiều trong số này ở Ấn Độ, nước bị cho đã lấy việc làm từ người Mỹ. Visa H-1B được ví như “đường cao tốc” giúp các hãng công nghệ tuyển lao động nước ngoài.

Sắc lệnh yêu cầu các bộ như Bộ Lao động, Tư pháp, An ninh Nội địa và Nội vụ thực hiện các biện pháp để ngăn chận việc "gian lận và lạm dụng" trong hệ thống nhập cư Mỹ để bảo vệ công dân Mỹ. Lệnh này sẽ yêu cầu 4 cơ quan liên bang trên đề xuất các cải cách để đảm bảo thị thực H-1B chỉ được cấp cho những người nộp đơn có trình độ tay nghề cao nhất hoặc được trả lương cao nhất.

Nếu chương trình visa này thay đổi, những công ty như Tata, Cognizant hay Infosys sẽ chịu ảnh hưởng mạnh, bởi đây là những doanh nghiệp giữ vai trò kết nối các công ty công nghệ Mỹ với hàng nghìn kỹ sư và lập trình viên nước ngoài.

Thị thực H-1B cho phép doanh nghiệp Mỹ tuyển dụng người lao động nước ngoài trong các ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như công nghệ thông tin, y học, kỹ thuật… làm việc tại Mỹ trong một khoảng thời gian nhất định. Chính phủ Mỹ mỗi năm chỉ cấp 65.000 thị thực H-1B thông qua chương trình xổ số (lựa chọn ngẫu nhiên từ toàn bộ đơn nhận được), bên cạnh 20.000 thị thực dành riêng cho người có bằng thạc sĩ trở lên. Thị thực này có thời hạn 3 năm nhưng có thể được gia hạn thêm 3 năm.

chot1-1492527494136-4357-1492586489.jpg

Angie Gontaruk (phải, người Argentina) đang làm việc tại CSpence Group ở San Francisco, Mỹ, theo diện thị thực H-1B. Ảnh: San Francisco Chronicle.

Các công ty Mỹ cho biết họ sử dụng thị thực H-1B để tuyển mộ nhân tài nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn thị thực này rơi vào tay các công ty thuê ngoài dẫn đến sự chỉ trích những doanh nghiệp này sử dụng chúng để tuyển nhân sự cho những công việc công nghệ thông tin “cấp thấp”. Ngoài ra, chính quyền ông Trump còn cáo buộc một số công ty “vi phạm nguyên tắc của chương trình” khi tuyển mộ lao động nước ngoài chấp nhận tiền lương thấp hơn người Mỹ, từ đó “cướp” công ăn việc làm của người địa phương.

Ngày 17/4, Cơ quan Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) cho biết đã nhận 199.000 đơn xin cấp thị thực H-1B cho tài khóa tiếp theo, giảm so với con số 236.000 đơn năm 2016. Đây là lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 200.000 kể từ năm 2014. Theo CNN, tiến trình tiếp nhận đơn diễn ra vào đầu tháng này giữa lúc chính quyền ông Trump cảnh báo sẽ giám sát chặt chẽ thị thực H-1B. Chẳng hạn, USCIS thông báo sẽ tăng cường thị sát nơi làm việc mà những người nộp đơn muốn vào làm. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ nhắc nhở các công ty muốn tuyển dụng lao động nước ngoài không được phân biệt đối xử nhân viên trong nước.

Bà Betsy Lawrence, thành viên Hiệp hội Luật sư nhập cư Mỹ (AILA), cho rằng, sự sụt giảm nói trên không có gì ngạc nhiên nếu tính đến môi trường không chắc chắn hiện nay. “Một số công ty CNTT Ấn Độ đã thông báo giảm số lượng đơn xin cấp thị thực H-1B cho người lao động nước này”, bà Lawrence nói với đài CNN.

Các công ty tại Thung lũng Silicon lâu nay vẫn kêu gọi cải cách nhập cư để thu hút và giữ chân nhân tài công nghệ đến từ khắp thế giới. Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Google, Apple, Amazon… hưởng lợi từ chương trình này. Ví dụ, 15% nhân viên tại Mỹ của Công ty Facebook trong năm 2016 sử dụng thị thực làm việc tạm thời.

>> FPT săn 'cá voi' ở Hannover Messe 2017

Chi Vy

Ý kiến

()