Báo cáo Chi phí Sinh hoạt toàn cầu 2017 (Worldwide Cost of Living) của Economist Intelligence Unit (EIU) vừa công bố cho thấy sự lên ngôi mạnh mẽ của châu Á. 5 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt nhất thế giới lần lượt là Singapore, Hong Kong (Trung Quốc), Tokyo (Nhật), Zurich (Thụy Sĩ) và Osaka (Nhật).
Seoul (Hàn Quốc) đứng thứ 6, Genava (Thụy Sĩ) và Paris (Pháp) cùng xếp thứ 7. Tiếp sau trong top 10 lần lượt là New York (Mỹ) và Copenhagen (Đan Mạch). Trong Top 10, FPT có văn phòng tại 6 thành phố gồm: Singapore, Tokyo, Osaka, Seoul, Paris và New York. Tất cả các đại diện toàn cầu hóa trong danh sách này đều thuộc FPT Software.
Khảo sát của EIU được thực hiện tại 133 thành phố trên thế giới, so sánh giá cả hơn 160 loại sản phẩm và dịch vụ, như thực phẩm, trang phục, giao thông, giáo dục của các thành phố này. Những thông tin dùng trong báo cáo được đăng tải trực tuyến, giúp tính toán chi phí khi đi công tác hoặc làm việc tại nước ngoài.
Theo EIU, dù Singapore đắt đỏ nhất, một số chi phí tại đây vẫn rẻ hơn một số nước khác trong khu vực, ví dụ như chăm sóc cá nhân, đồ gia dụng, người giúp việc… Cũng theo báo cáo, đảo quốc này là nơi đắt nhất hành tinh để mua và sử dụng ôtô, địa điểm mua sắm đắt thứ hai thế giới.
Bản đồ toàn cầu hóa của FPT Software. Các thành phố đắt đỏ nhưng cơ hội tiếp cận khách hàng lại rất lớn bởi đó thường là các trung tâm tài chính - kinh tế lớn (New York, Tokyo) hay cửa ngõ (hub) của khu vực (Singapore). |
Singapore đã và đang trở thành điểm đến lý tưởng cho các "ông lớn" trên khắp thế giới với mong muốn mở rộng thị trường của họ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Vị trí địa kinh tế chiến lược, môi trường kinh doanh thuận lợi và nguồn nhân lực chất lượng là những yếu tố chủ yếu tạo nên sự hấp dẫn của Singapore trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có FPT và các đối tác mà nhà F hướng đến. FPT hiện là nhà đầu tư Việt Nam lớn nhất tại Singapore và cũng là công ty CNTT Việt Nam lớn nhất tại đây.
Theo anh Nguyễn Quốc Sử, GĐ FPT Singapore, việc đắt đỏ hay không phụ thuộc rất lớn vào tình trạng cư trú. Thông thường, nếu muốn làm việc ở Singapore, người lao động phải được cấp một thẻ lao động (còn gọi là Employment Pass hay EP) do chính phủ cấp và được bảo lãnh bởi chủ lao động. Thẻ thường có thời hạn một đến hai năm, nhưng nếu tiếp tục làm việc thì gia hạn dễ dàng. Nhóm thứ hai ít hơn là định cư dài hạn (Permanent Residence - PR). “FPT chỉ khoảng 10 người có PR bởi Singapore rất chặt chẽ trong việc duyệt đơn định cư dài hạn. Có người đăng ký đến 5-6 lần đều bị trượt. Sau đó phải đợi 6 tháng mới được nộp lần mới”, anh Sử cho hay.
“Chi phí nhà ở khá đắt đỏ”, GĐ FPT Singapore chia sẻ. “Nhưng nếu hai vợ chồng đều có PR thì dễ dàng mua và trả góp 30 năm, mỗi tháng trả khoảng 1.000 SGD (hơn 16 triệu đồng), lại thành rẻ”. Về nhân sự FPT Singapore, anh Sử cho biết, đơn vị sẽ thuê 4-5 căn hộ cho các onsiter làm việc ngắn hạn. Còn lại, CBNV đơn vị sẽ rủ nhau thuê chung một căn hộ.
GĐ FPT Singapore cho biết thêm, hai vợ chồng và con cái đều thuộc nhóm định cư dài hạn, bọn trẻ sẽ được học trường công với chi phí chỉ 100 USD/tháng. Trong khi đó, tình trạng tương tự với nhóm chỉ có thẻ lao động (EP), chi phí đi học cho một đứa trẻ khoảng 1.500 USD/tháng. “Đi chợ, nấu nướng ăn uống cũng khá rẻ. Trung bình 4-5 SGD cho một bữa ăn. Riêng bia và thuốc lá rất đắt đỏ. Ai thích uống bia hay nghiện thuốc lá thì chết tiền”, anh Sử tiết lộ.
Ở cấp độ tập đoàn, đến hết năm 2016, FPT hiện diện tại 21 quốc gia/vùng lãnh thổ và có 1.210 CBNV là người nước ngoài trên tổng số nhân sự toàn tập đoàn là 28.397 CBNV.
Năm 2016, thị trường nước ngoài của FPT cũng ghi nhận kết quả khả quan với 6.121 tỷ đồng doanh thu, tăng 26% và 936 tỷ đồng LNTT, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu toàn cầu hóa chủ yếu đến từ mảng xuất khẩu phần mềm - tập trung khai thác tại thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... và lĩnh vực giải pháp phần mềm và dịch vụ - tập trung khai thác các thị trường đang phát triển như Campuchia, Bangladesh.
>> FAP là minh chứng cho tinh thần 'cứ máu là xong'
Nguyên Văn
Ý kiến
()