Theo số liệu gần nhất, kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam - Singapore tăng theo từng năm, trong đó năm 2016 đạt 7,1 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam (đứng thứ 3/101) với tổng vốn 39 tỷ USD. Singapore chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chuyến thăm TP HCM ngày 22/3. Ảnh: VNN. |
Xét về lĩnh vực đầu tư, các dự án của Singapore chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 481 dự án và 15,6 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 30,65% tổng số dự án và 43,47% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam). Đứng thứ hai là lĩnh vực kinh doanh bất động sản có 80 dự án và 10,8 tỷ USD vốn đầu tư (chiếm 5% tổng số dự án và 29,95% tổng vốn đầu tư của Singapore tại Việt Nam).
“Trong khi đó, FPT hiện là nhà đầu tư Việt Nam lớn nhất tại Singapore với vốn đầu tư 4,5 triệu USD và cũng là công ty CNTT Việt Nam lớn nhất tại Singapore”, VietNamNet dẫn. Sau hơn 10 năm hoạt động tại thị trường này, FPT Singapore đã và đang xây dựng được mạng lưới khách hàng rộng lớn với gần 40 khách hàng trong khối Chính phủ và hàng trăm khách hàng doanh nghiệp lớn tại Singapore.
Lý giải về thứ hạng, anh Nguyễn Quốc Sử, Giám đốc FPT Singapore, cho rằng, có khá nhiều nhà đầu tư Việt Nam tại Singapore như nhóm doanh nghiệp bất động sản hay Petrolimex. “Nhưng nếu xét về rót vốn bằng tiền mặt, với 4,5 triệu USD, chắc FPT là số 1".
Năm 2016, FPT tại Singpore tăng trưởng 26,3%. Năm 2017, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 45% tại Singapore và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng trên 30% tại thị trường này trong vòng 3 năm tới. “Hiện có 160 người FPT làm việc dài hạn tại Singapore. Số onsite qua lại thường xuyên theo các công việc, dự án khoảng 40 người”, anh Sử chia sẻ.
Thành lập vào ngày 13/3/2007, FAP (FPT Asia Pacific - FPT khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó FPT Singapore là thành viên) đã có nhiều bước tăng trưởng đáng kể tại thị trường Singapore, qua đó đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của FPT Software trong những năm qua.
Đoàn lãnh đạo cấp cao FPT tại Văn phòng FAP cách đây 10 năm. Ảnh tư liệu. |
Năm 2014, FPT hợp nhất FPT IS Singapore và FPT Asia Pacific thành pháp nhân duy nhất là FPT Asia Pacific (FAP). FAP được công nhận là một trong 9 công ty đủ điều kiện cung cấp dịch vụ phát triển ứng dụng và chuyển đổi hệ thống CNTT cho chính phủ Singapore, đồng thời luôn đạt tốc độ tăng trưởng trên hai chữ số.
Singapore là thị trường trong điểm của FPT với mục tiêu là Sing100. Đây là thị trường đầu tiên mà FPT chuyển từ công ty ủy thác dịch vụ phần mềm sang công ty cung cấp dịch vụ CNTT tổng thể.
Theo anh Hoàng Mạnh Hà, Giám đốc khu vực thị trường châu Á - Thái Bình Dương (FPT Asia Pacific - FAP), mặc dù doanh thu chưa lớn nhưng FAP giữ vị trí quan trọng đối với đơn vị. Cụ thể, ngoài việc trực tiếp mang lại doanh số cho FPT Software, FAP còn hỗ trợ các thị trường khác như Mỹ, châu Âu phát triển. Trong năm 2016, FAP đã đẩy mạnh các dự án cho khối chính phủ.
Với tốc độ tăng trưởng hiện nay, FAP đặt mục tiêu sẽ đóng góp 60 triệu USD cho FPT Software vào năm 2020, chiếm khoảng 6% doanh thu công ty.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Sáng nay (ngày 23/3), chia sẻ status trên Facebook cá nhân, ông thông báo đã tới Hà Nội. “Tôi từng tới đây 3 năm trước. Lần này, tôi nhận thấy nhiều đổi thay trên con đường từ sân bay về khách sạn. Một ngày bận rộn sắp tới. Tôi sẽ hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và những bạn bè Việt Nam khác”.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình và Chủ tịch FPT Software Hoàng Nam Tiến sẽ có buổi gặp gỡ Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong chiều nay (ngày 23/3).
>> ‘Quy trình là xương sống của FPT Software’
Nguyên Văn
Ý kiến
()