Chúng ta

‘Ông lớn’ công nghệ chen chân đầu tư vào Ấn Độ

Thứ tư, 15/7/2020 | 14:16 GMT+7

Nhiều hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới đang nỗ lực tăng cường đầu tư vào Ấn Độ, thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.

Tập đoàn Foxconn của Đài Loan đang có kế hoạch đầu tư tới 1 tỷ USD để mở rộng một nhà máy ở Sriperumbudur, gần Chennai thuộc Đông Nam Ấn Độ, nơi doanh nghiệp này đang lắp ráp điện thoại iPhone của Apple.

Động thái trên là một phần trong kế hoạch dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc mà Apple đang âm thầm thực hiện, trong bối cảnh "người khổng lồ" công nghệ Mỹ tìm cách né tránh những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington cũng như cuộc khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.

34611B1F00000578-3599614-image-3516-4778

CEO Apple và các nhân viên người Ấn Độ. Ảnh: AFP.

Hãng tin Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết, Apple đang hối thúc các đối tác chuyển một phần dây chuyền sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc. Theo một nguồn tin khác, kế hoạch đầu tư của Foxconn vào nhà máy Sriperumbudur, nơi sản xuất iPhone XR, sẽ được thực hiện trong 3 năm và tạo ra thêm việc làm cho khoảng 6.000 người.

Hiện Foxconn cũng đang vận hành một nhà máy khác ở bang Andhra Pradesh để sản xuất điện thoại thông minh cho Xiaomi (Trung Quốc) và một số thương hiệu khác. Hồi tháng trước, Chủ tịch Foxconn Liu Young-way cũng đề cập đến kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ, song không cho biết chi tiết.

Apple chiếm khoảng 1% doanh số bán điện thoại thông minh tại Ấn Độ, thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, giới chuyên gia nhận định, đối thủ "không độ trời chung" của Apple là Samsung cũng đang có kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại thị trường smartphone ở Ấn Độ.

Theo các chuyên gia, hiện làn sóng tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đang bắt đầu lan rộng tại Ấn Độ, sau những căng thẳng gần đây giữa hai nước ở khu vực biên giới. Do đó, Samsung đang muốn chớp cơ hội này để gia tăng thị phần tại thị trường điện thoại thông minh Ấn Độ, vốn đang nằm dưới sự thống trị của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Samsung hiện đặt nhà máy sản xuất smartphone lớn nhất của hãng tại thị trấn Noida, miền Bắc Ấn Độ. Hoạt động kinh doanh smartphone của Samsung đã tăng trưởng chậm lại tại Ấn Độ trong những năm gần đây, khi các nhà sản xuất Trung Quốc mở rộng doanh số và gia tăng cạnh tranh về giá.

tai-xuong-9821-1594796667.jpg

Thủ tướng Ấn Độ Modi dự một sự kiện do Samsung tổ chức.

Để tạo đà bán hàng tại thị trường lớn thứ hai thế giới, Samsung mới đây đã giới thiệu hai kế hoạch tiếp thị smartphone mới ở Ấn Độ. Đáng chú ý là chương trình Galaxy Assured thu mua lại các dòng smartphone cao cấp với tỷ lệ tối đa 70% giá trị của sản phẩm. Ngoài ra, chương trình Galaxy Forever cho phép khách hàng có thể mua mẫu smartphone cao cấp nhất Galaxy S20 của hãng với giá chỉ bằng 60% giá gốc.

Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất Trung Quốc thường chiếm phần lớn trong bảng xếp hạng 5 thương hiệu smartphone hàng đầu tại thị trường Ấn Độ. Theo số liệu của công ty nghiên cứu Counterpoint Research, Xiaomi dẫn đầu với 30% thị phần, tiếp đến là "người đồng hương" Vivo với 17%. Realme và Oppo xếp thứ 4 và thứ 5 trên thị trường smartphone Ấn Độ với thị phần lần lượt là 14% và 12%. Samsung đứng thứ 3 trong danh sách với 16% thị phần.

Trong khi đó, ngày 13/7, Google cũng công bố mở rộng thị phần tại thị trường đông dân thứ hai thế giới, theo Bloomberg. Thông báo được CEO Sundar Pichai đưa ra khi công bố Quỹ số hóa Google vì Ấn Độ tại sự kiện thường niên mang tên "Google for India" được tổ chức trực tuyến ngày 13/7.

Cụ thể, Google có kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD vào Ấn Độ trong 5-7 năm tới, giữa bối cảnh "gã khổng lồ" trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet của Mỹ đang nhắm đến mục tiêu mở rộng sự hiện diện tại thị trường đông dân thứ hai thế giới.

Phát biểu tại sự kiện, ông Sundar Pichai bật mí Google sẽ thực hiện kế hoạch thông qua sự kết hợp giữa đầu tư vốn cổ phần, quan hệ đối tác và đầu tư về hoạt động, cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái.

Theo ông Pichai, điều này phản ánh niềm tin của Google vào tương lai của Ấn Độ nói chung và nền kinh tế kỹ thuật số của nước này nói riêng.

NSW-India-Zones-Startups-600x4-4210-4726

Dân số đông và nhân lực lao động trẻ là lợi thế của Ấn Độ khi thu hút các 'ông lớn' công nghệ.

Các dự án đầu tư của Google sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực quan trọng đối với tương lai số hóa của Ấn Độ, gồm cho phép truy cập và cung cấp thông tin với chi phí thấp cho mọi người dân Ấn Độ theo ngôn ngữ địa phương (tiếng Hindi, Tamil, Punjab) hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác; phát triển các sản phẩm và dịch vụ mới phù hợp với nhu cầu đặc thù của Ấn Độ; tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số; tận dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo vì lợi ích xã hội trong nhiều lĩnh vực

Ấn Độ là một thị trường nước ngoài vô cùng quan trọng đối với Google. Hàng loạt sản phẩm và dịch vụ như Google Search, YouTube, Android và Google Pay đang là những ứng dụng phổ biến nhất ở nước này. Hiện có hơn 500 triệu người trong số hơn 1,3 tỷ dân tại Ấn Độ đang sử dụng Internet, trong đó có hơn 450 triệu điện thoại thông minh đang hoạt động tại đây.

Mặc dù vậy, ông Pichai đánh giá Google vẫn còn nhiều việc phải làm để mang lại dịch vụ Internet có chi phí phải chăng và hữu dụng đối với 1 tỷ người Ấn Độ, từ việc cải thiện tính năng nhập thông tin bằng giọng nói đến điện toán cho tất cả các ngôn ngữ của Ấn Độ, nhằm truyền cảm hứng và hỗ trợ cho cả một thế hệ khởi nghiệp hoàn toàn mới.

Trong khi đó, Giám đốc Google tại Ấn Độ Sanjay Gupta khẳng định cam kết đầu tư 10 tỷ USD vào Ấn Độ, giúp định hình tương lai của nhiều sản phẩm và dịch vụ tại nước này.

Trước đó, hồi tháng 4, Facebook thông báo đầu tư hàng tỷ USD vào Jio Platforms thuộc sở hữu của Reliance Industries, một tập đoàn lớn của Ấn Độ.

Với 5,7 tỷ USD, Facebook nắm 9,99% cổ phần trong Jio Platforms. Ấn Độ được xem là một trong các thị trường tăng trưởng lớn nhất của mạng xã hội này, trong đó WhatsApp có 400 triệu người dùng. Reliance Industries là công ty của tỷ phú Mukesh Ambani.

Trong khi đó, Jio Platforms lại sở hữu nhiều thương hiệu, bao gồm công ty viễn thông Reliance Jio. Reliance Jio cũng đang phát triển nhanh chóng nhờ giá cả cạnh tranh và trở thành nhà mạng số 1 Ấn Độ về doanh thu và thuê bao.

Facebook cho biết sẽ hợp tác với Jio để tạo ra các phương thức mới cho mọi người và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn trong nền kinh tế số. Nó có thể kết hợp JioMart và WhatsApp để kết nối người dùng với doanh nghiệp, cửa hàng. Khoản đầu tư mới của Facebook được công bố đúng thời điểm hãng đang muốn ra mắt tính năng thanh toán cho WhatsApp tại Ấn Độ.

Phi vụ được đánh giá là quan trọng vì nhiều lý do, trong đó có khả năng tiếp cận hơn 380 triệu người dùng của Jio Platforms cũng như được hỗ trợ về chính trị của ông Ambani. Facebook đang tìm mọi cách để có chỗ đứng tốt trên thị trường Ấn Độ trong vài năm qua nhưng chưa thành công. Năm 2016, nhà chức trách nước này chặn dịch vụ “Free Basics” của Facebook.

>> Trí tuệ nhân tạo đang 'tự động hóa' cách sống xa xỉ

Hải Ninh

Ý kiến

()