Thay thế hay hỗ trợ?
Máy bơm xăng tự động thay thế các nhân viên trạm xăng, những ứng dụng Microsoft Office thay thế nhiệm vụ của các thư ký… Trên thực tế, có rất nhiều lý do để khiến mọi người lo sợ về việc mình sẽ sớm thất nghiệp trong tương lai, khi mà máy móc đang ngày càng thực hiện quá tốt công việc của con người. Mặc dù vậy, quá trình tự động hóa không hẳn chỉ mang đến những rủi ro về mặt nghề nghiệp cho xã hội hiện đại. Phân tích ở góc độ kinh tế, khi công việc của con người được giải phóng dẫn đến lượng tài sản tăng lên kéo theo sự gia tăng về mặt nhu cầu trong cuộc sống, đồng nghĩa xã hội cũng xuất hiện thêm nhiều việc làm hơn nhằm đáp ứng những nhu cầu đó.
Tất nhiên, những công việc mới này sẽ phải do con người thực hiện bởi tính thời điểm khiến máy móc chưa thể nào thay thế chúng ta hoàn toàn trong mọi lĩnh vực hay công việc. Thế nhưng, hiệu ứng bổ sung hay nói đơn giản hơn là 'sự hợp tác' giữa con người và những cỗ máy sẽ không tồn tại cân bằng mãi mãi. Theo dự đoán, chỉ trong vòng ba thập kỷ tới, máy móc có thể làm việc nhanh gấp… 1.000.000 (hẳn là 1 triệu) lần so với thời điểm hiện tại và hoàn thành tốt hầu hết mọi việc của con người. Khi ấy, một viễn cảnh về việc máy móc thay thế hoàn toàn con người trong công việc là điều có thể xảy ra.
Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo sẽ hình thành nên một cuộc cách mạng xã hội? Ảnh: Forbes |
Sáng tạo là chìa khóa?
Nhiều người tin rằng sự sáng tạo chính là điểm mấu chốt giúp họ duy trì công việc trong tương lai, bởi máy móc không thể sáng tạo, không có ý thức và thiếu đi sự đồng cảm. Tuy nhiên, không ít dẫn chứng lại chỉ ra rằng đây là một quan điểm sai lầm, khi mà các hệ thống AI đã bắt đầu biết 'sáng tạo' và có khả năng giải mã cảm xúc con người. Tương tự, máy móc cũng có thể cung cấp sự đồng cảm trong môi trường công việc.
Đứng trước những vấn đề này, các nhà hoạch định đã đề ra một số giải pháp dành cho nền kinh tế như đánh thuế robot hay đưa ra mức thu nhập cơ bản phổ thông (UBI)… Tất nhiên, tính hiệu quả của các phương án vẫn còn phải chờ câu trả lời trong tương lai nhưng nhiều chuyên gia đã dự đoán rằng sự phát triển của nền kinh tế nhờ vào ứng dụng tự động hóa sẽ giúp cho hàng hóa và dịch vụ xa xỉ trở nên dồi dào hơn. Như vậy, chi phí để có một mức sống tốt sẽ dần giảm xuống thấp và rất thấp.
Thoạt nghe qua, điều này có vẻ hơi… điên rồ nhưng hãy nhìn vào ngành công nghiệp âm nhạc, chúng ta sẽ dễ dàng hình dung ra vấn đề. Hai mươi năm trước, ngay cả một người giàu cũng chưa chắc đã đủ khả năng nghe bất kỳ bản nhạc nào mà họ thích. Thế nhưng, bây giờ, chỉ cần 10 USD một tháng, với Spotify và các dịch vụ tương tự, âm nhạc có thể dành cho mọi người. Đây chính là ưu điểm của một nền kinh tế được số hóa, trở nên phi vật chất đồng thời có khả năng tạo ra những giá trị đáng kể cho xã hội.
Đào thải hay hợp tác?
Sức mạnh của thị trường vẫn sẽ giữ vai trò hết sức quan trọng nhằm khuyến khích xã hội tạo ra những sản phẩm và dịch vụ thực sự có giá trị, trong khi công nghệ chính là chìa khóa để con người thực hiện công việc một cách hiệu quả hơn. Xét tổng thể, thị trường là hệ thống tốt nhất để phân bổ nguồn lực xã hội và với sự kết hợp hoàn hảo giữa công nghệ và thị trường trong vai trò phục vụ một nền kinh tế dồi dào, chúng ta có thể tạm thời đưa ra một hình thức mới của xã hội: đó là chủ nghĩa tư bản xa xỉ hoàn toàn tự động hóa.
Ở hệ thống này, con người sẽ phải học cách làm việc cùng máy móc để không bị đào thải. Thậm chí, có thể hiểu rằng sự giáo dục trong chủ nghĩa tư bản xa xỉ tự động hóa gần như nhằm mục đích tuyển dụng thay vì chỉ đào tạo kỹ năng như thông thường. Cụ thể, bằng sự lựa chọn mục đích học tập nhằm phát triển bản thân theo chiều hướng cá nhân hóa, mỗi người sau khoảng thời gian được hướng dẫn bởi chính những 'người thầy tự động' sẽ tiếp tục hợp tác làm việc cùng với máy móc chứ không phải để thay thế AI. Đây chính là điểm mấu chốt giúp cho nền kinh tế thị trường kết hợp với các ứng dụng công nghệ có thể được vận hành suôn sẻ và tạo ra sự dồi dào cho xã hội mà vẫn không hề ảnh hưởng đến nhu cầu công việc của con người.
>> Tại sao doanh nghiệp chưa mặn mà với AI
Nam Anh (theo Forbes)
Ý kiến
()