Ngày 13/9, hãng sản xuất phần cứng xử lý đồ họa (GPU) hàng đầu của Mỹ vừa tiết lộ giá mua Arm, công ty thiết kế vi xử lý (chip) của Anh, là 40 tỷ USD. Sau khi hoàn tất thủ tục, Arm sẽ vận hành trong vai trò là một đơn vị trực thuộc Nvidia và vẫn giữ nguyên các dịch vụ open license (giấy phép mở) cho khách hàng hiện tại.
Softbank mua Arm Holdings vào năm 2016, với giá 31 tỷ USD. Ảnh: Apple Insider. |
Trước đây, Nvidia từng muốn tạo ra chip điện thoại nhưng thành công chỉ mới thấp thoáng ở giai đoạn đầu mà số tiền bỏ ra thì không ít. Năm 2013, họ tung ra dòng chip Tegra cạnh tranh trực tiếp với Snapdragon của Qualcomm, Exynos của Samsung nhưng chưa thu lại nhiều thành tích nổi bật, ngoại trừ việc đang lưu hành rộng rãi trong máy chơi game Nintendo Switch.
Trong khi đó, Arm lại là “tay chơi” sành sỏi hơn rất nhiều trong lĩnh vực di động. Các bản thiết kế chip nhỏ gọn với kiến trúc Arm được tùy biến trong hầu hết các chip A của Apple, Exynos của Samsung và Snapdragon của Qualcomm. Đồng thời, chip Arm còn có sự hiện diện trong dòng máy tính Microsoft Surface và "nhà Táo" cũng đang có dự định đưa chip của hãng này vào lộ trình tương lai của Macbook.
Do đó, thay vì mất công sức xâm nhập vào thị trường vốn không quen thuộc, Nvidia sẽ tạo ra một bước khẳng định mới trong lĩnh vực 1,5 tỷ thiết bị này. Sự am hiểu thị trường và đội ngũ nghiên cứu chip Arm có đóng góp rất lớn để đưa Nvidia đến gần với tập khách hàng đang sử dụng smartphone.
Ngược lại, Nvidia vốn có thế mạnh trong việc sản xuất GPU mạnh mẽ cho các phần cứng AI và nắm giữ lượng lớn các bằng sáng chế về công nghệ lõi. Vì vậy, các chuyên gia nhận định đây là thương vụ đôi bên cùng có lợi.
Trả lời Theverge, Nvidia CEO Jensen Huang cho biết, họ sẽ chi mạnh tay cho lần sáp nhập với Arm và hoạt động kinh doanh giữa hai bên sẽ không thay đổi. Đồng thời, nhân viên của hãng nghiên cứu chip smartphone vẫn làm việc tại trụ sở chính ở Cambridge (Anh) như bình thường, bên cạnh việc Nvidia sắp xây dựng thêm trung tâm nghiên cứu AI tại đó. “Chúng tôi muốn tạo ra mạng Internet lớn hơn gấp nghìn lần và Nvidia kỳ vọng trở thành công ty của kỷ nguyên AI”, nhà điều hành Nvidia khẳng định.
Phía Arm cũng đồng thuận về tầm nhìn phát triển khi đạt thỏa thuận với Nvidia. CEO Arm Simon Segars giải thích rằng họ muốn mỗi phần mềm sau khi xuất xưởng phải tương thích ở mọi nền tảng. Ứng dụng được làm ra không chỉ chạy được trên điện thoại mà còn phải trơn tru trên điện toán đám mây (cloud) cũng như các nền tảng khác. “Bức tranh vĩ mô ấy yêu cầu một kiến trúc điện toán có thể linh hoạt chuyển đổi thiết lập từ thiết bị nhỏ nhất cho đến siêu máy tính khổng lồ”, CEO Arm chia sẻ và cho rằng sự xuất hiện của Nvidia là cần thiết cho mục tiêu của họ.
Ngoài ra, giới phân tích nhận định, Arm có thể sở hữu lượng lớn trung tâm dữ liệu, nghiên cứu IoT, tự hành là nhờ vào nguồn tài chính từ quỹ đầu tư của tỷ phú "liều ăn nhiều" Masayoshi Son. Với khoản đầu tư 31 tỷ USD, Arm đã nhanh chóng tăng sự hiện diện trên thị trường và mạnh dạn đẩy mạnh hàng loạt nghiên cứu nhiều công nghệ NPU (gia tốc AI). Cho nên, họ sẽ hưởng lợi về dòng vốn sau khi khép lại thương vụ với Nvidia.
Tuy nhiên, sự bắt tay giữa Nvidia và Arm vẫn còn nhiều lấn cấn. Trong số đó, các "gã khổng lồ" di động như Apple, Samsung và Qualcomm rất quan ngại về việc Nvidia nắm Arm trong tay. Sẽ không có gì khó hiểu nếu Nvidia trở lại đường đua chip di động sau khi có sự hậu thuẫn vững vàng từ Arm. Điều này sẽ dẫn tới một cuộc đối đầu nảy lửa trên thương trường vốn dĩ đã nguội lạnh từ nhiều năm trước.
Qualcomm và Samsung cho rằng, Nvidia đã không “chơi đẹp” khi lôi họ ra tòa với cáo buộc vi phạm bằng sáng chế thiết kế GPU di động, chỉ vì họ từ chối mua nhượng quyền kiến trúc Kepler của Nvidia vào năm 2013. Một số nguồn tin cho biết Apple cũng suýt bị “thổi phạt” do Nvidia nên "nhà Táo" đã loại bỏ toàn bộ sản phẩm từ Nvidia ra khỏi các thiết bị công nghệ của Apple.
Những ký ức không đẹp về Nvidia trong suy nghĩ các hãng di động có tiếng sẽ là sự do dự đối với họ trong việc xem xét có nên tiếp tục sử dụng kiến trúc Arm hay không. Thời điểm này, các công ty khởi nghiệp với ý tưởng đột phá trong ngành chip di động đang trỗi dậy và nổi bật nhất kiến trúc mã nguồn mở RISC-V. Những “đại gia” CNTT sẽ có những quyết sách mới nếu thương vụ này diễn ra và có thể thị trường smartphone sắp có bước chuyển mình mới về công nghệ lõi.
>> Tỷ phú Ấn Độ muốn bán 40% cổ phần bán lẻ cho Amazon
Đình An
Ý kiến
()