Chúng ta

Nguyễn Xuân Phong và khát vọng AI Việt

Thứ hai, 29/6/2020 | 10:42 GMT+7

Luôn trăn trở đem kiến thức trí tuê nhân tạo (AI) tiên tiến nhất về Việt Nam, chuyên gia Nguyễn Xuân Phong đã từng bước góp nhặt cơ hội để biến khát vọng thành hiện thực.

Thể hiện khát vọng Việt trước "Bố già AI"

Năm 2019, đứng trước "Bố già AI" Yoshua Bengio - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo Mila (Canada), chuyên gia AI người Việt Nguyễn Xuân Phong nói: "Tôi đang được công ty Nhật Bản cử sang làm việc với thầy, nhưng ngoài việc đại diện Nhật Bản, tôi còn là một người con của Việt Nam. Tôi rất mong một ngày nào đó có cơ hội đem kiến thức AI về Việt Nam". 

Lúc bấy giờ, anh được tập đoàn Hitachi Nhật Bản, nơi anh làm việc đã 7 năm, cấp kinh phí sang Canada nghiên cứu. Trước đó, anh tốt nghiệp thạc sĩ trường Carnegie Mellon (CMU) của Mỹ - một trong những trường top đầu thế giới về công nghệ thông tin, nơi tình yêu với lập trình thuở bé của Phong được thổi bùng lại.

Mới đây (ngày 12/6), tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa FPT và Mila thông qua hình thức trực tuyến tại hai đầu cầu Hà Nội - Việt Nam và Montreal - Canada, Yoshua Bengio nói ông vẫn còn nhớ rõ câu nói của chàng trai Việt Nam ngày ấy.

PhongNX-5226-1593399631.jpg

Anh Nguyễn Xuân Phong và "Bố già AI" Yoshua Bengio. Ảnh: NVCC

Đó không phải là lần đầu tiên anh gặp vị giáo sư đạt giải thưởng Turing - được ví như giải Nobel trong khoa học máy tính, và câu nói của chàng chuyên gia người Việt cũng không phải vô cớ. Một năm trước đó, Nguyễn Xuân Phong từng gặp Bengio tại một hội thảo quốc tế ở Montreal và đã say mê lý tưởng của ông về việc phát triển kiến thức AI cho toàn cầu, để AI không chỉ được sở hữu bởi một vài công ty công ty lớn mạnh nhất, để mọi người đều bình đẳng có quyền tiếp cận những kiến thức tốt nhất về AI.

Khi mạnh dạn thể hiện khát vọng Việt trước nhà khoa học lỗi lạc thế giới, Phong chưa dám mơ nhiều. Việc Mila sẽ hợp tác với FPT anh càng chưa dám nghĩ tới. Bởi anh biết Mila rất khó tính khi lựa chọn chọn đối tác: vừa phải có đủ tiềm lực về tài chính, vừa phải có tiềm lực về con người - tức có những bộ phận làm AI nghiên cứu riêng biệt, đặc biệt vừa phải có một mục tiêu cao cả như giúp đỡ cho xã hội, chứ không phải chỉ là mục đích về kinh doanh, kiếm tiền.

Danh sách đối tác lúc bấy giờ của Mila chỉ toàn những cái tên rất nổi tiếng trên toàn thế giới như Google, Facebook, Microsoft, Hitachi, Samsung. Để một công ty đến từ đất nước đang phát triển xa xôi như Việt Nam có cơ hội được hợp tác với Mila quả là một bài toán rất khó. 

Nhưng Phong đã luôn trăn trở làm thế nào để mang được AI về Việt Nam sau khi được tiếp xúc và và làm việc với một viện nghiên cứu AI lớn nhất thế giới. Sau một thời gian làm việc tại Viện nghiên cứu, hợp tác với giáo sư Bengio cũng như nhiều thầy cô và nhà nghiên cứu khác tại Mila, nhà nghiên cứu đến từ Việt Nam xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp và dần đặt nền móng cho một cú bắt tay lịch sử.

San-hai-huoc-phim-TQ-4-8421-1593399631.j

Anh Nguyễn Xuân Phong, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo. Ảnh: NVCC

Cú bắt tay lịch sử với Viện nghiên cứu AI hàng đầu thế giới

Tình cờ cuối năm 2019 - đầu năm 2020, Giám đốc hợp tác của Mila nghỉ Giáng sinh tại Việt Nam. Anh Nguyễn Xuân Phong và Chủ tịch FPT Software lúc bấy giờ là anh Hoàng Nam Tiến đã tiếp đón và có cơ hội trò chuyện nhiều hơn về Việt Nam, văn hóa và con người Việt Nam cũng như FPT. Chỉ sau cuộc gặp, vị quản lý Mila mới biết rằng cũng có một công ty công nghệ hàng đầu đã có tên trên bản đồ thế giới.

Sau khi quay lại Canada, kỹ sư AI người Việt bắt đầu "thủ thỉ" mong tìm cơ hội hợp tác giữa Mila và công ty công nghệ Việt Nam. Lúc này nước Việt đã không còn là khái niệm mơ hồ, xa xôi với nhà lãnh đạo cao cấp của Mila và lời ngỏ hợp tác được trình đến Viện trưởng Viện Nghiên cứu - Yoshua Bengio.

San-hai-huoc-phim-TQ-6810-1593399631.jpg

FPT trở thành đối tác chiến lược của Mila - Viện Nghiên cứu AI hàng đầu thế giới. Ảnh: FPT Software

Theo anh Phong, FPT có 2 điểm lớn nhất thuyết phục được 'Bố già AI'. Thứ nhất, lòng trắc ẩn của Yoshua Bengio rất lớn - bậc thầy AI hơn ai hết là người mong muốn đem AI phát triển cho các "vùng trũng", không để kiến thức AI chỉ nằm ở những nước phát triển. Kế tiếp, Việt Nam là một đất nước đang phát triển, rất cần sự giúp đỡ của những người đi đầu như Mila và giới trẻ Việt Nam rất đam mê học hành, rất giỏi về toán và tư duy và giành nhiều giải toán quốc tế.

Trong 6 tháng từ lúc đề cập ý tưởng đến ký kết hợp tác, Phong đã kết nối Giám đốc Công nghệ FPT Lê Hồng Việt trao đổi với Mila để giới thiệu thêm về công nghệ AI của FPT và trao đổi về những bài toán, chủ đề có thể hợp tác giải quyết.

"Tôi có một mong muốn rằng AI Việt Nam sẽ phát triển. FPT là nơi tôi có thể góp phần đưa ra được những chính sách và những hành động để đưa AI Việt Nam đi lên. Trong quá trình đi làm và nghiên cứu, tôi nhận thấy cần hành động thì mới ra được kết quả, trong khi nghiên cứu không cho được hành động đó. Để đưa được AI Việt Nam đi lên cần nhiều yếu tố về con người, cơ sở hạ tầng, dữ liệu… FPT có thể giúp tôi hiện thực hóa khát vọng của mình".

Nguyễn Xuân Phong cũng nhận ra, khi mình suy nghĩ nhiều về điều gì đó và mong muốn nó trở thành thành hiện thực, rồi mình sẽ thấy được con đường dù rất nhỏ. Với khát vọng cháy bỏng được mang những kiến thức AI cao nhất về Việt Nam, cuối cùng cựu nghiên cứu sinh ĐH Carnegie Mellon đã thành công.

Trong vòng 3 năm tới, FPT và Mila sẽ hợp tác trên 4 khía cạnh gồm: Nâng cao năng lực công nghệ AI của FPT; Tư vấn xây dựng Trung tâm Nghiên cứu AI tại Việt Nam, cụ thể là tại Quy Nhơn (Bình Định); Đào tạo và trao đổi nguồn nhân lực chất lượng về AI; và tìm kiếm cơ hội phát triển trong hệ sinh thái đối tác của Mila. 

Trước mắt, FPT sẽ thảo luận cùng Mila để giải bài toán đầu tiên về ngôn ngữ. Hiện FPT.AI đã có có khách hàng và có những dấu ấn của riêng mình, việc hợp tác được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực của FPT.AI phục vụ người dùng. Trong tương lai, việc hợp tác sẽ mở rộng ra các dịch vụ khác, chẳng hạn như nhà máy thông minh, nông nghiệp thông minh, y tế thông minh, giáo dục… Từ những bước đi cụ thể, FPT sẽ hiện thực hóa mong muốn xã hội hóa AI, đem trí tuệ nhân tạo đến cho mọi người. 

Theo anh Nguyễn Xuân Phong, AI còn là một thị trường rất mới. Bản thân AI là một môn khoa học tương đối lớn, mới được nghiên cứu khoảng vài thập kỷ gần đây sau khi máy tính ra đời. Một biển kiến thức còn rất mênh mông chờ con người chinh phục. Hiện giờ mọi người đều nhận biết được tầm quan trọng của AI trong tương lai nhưng không phải ai cũng biết khai thác. 

Hợp tác được với Mila, FPT và nền công nghệ Việt nói chung có thể tiếp cận kho tri thức khoa học khổng lồ về AI, được tiếp xúc với những 'sư phụ AI' là chuyên gia hàng đầu thế giới tư vấn và cùng tham gia giải quyết các bài toán khoa học. Cạnh đó, hình ảnh của FPT cũng sẽ được nâng cao giá trị rất nhiều khi được nhìn nhận là công ty biết đầu tư cho khoa học. Hơn nữa, CAIO nhà Phần mềm cũng hy vọng sẽ có những chương trình đem nhân tài của FPT sang Mila để phát triển.

Kết quả sớm nhất có thể nhìn thấy được là một trung tâm AI tại Quy Nhơn - Bình Định được lập nên bởi sự quyết tâm và sự đầu tư từ FPT và sự tư vấn chiến lược từ phía Mila - người đã biến Montreal từ một thành phố bình thường trở thành một trung tâm AI của thế giới, thu hút được không chỉ các ông lớn trong ngành công nghệ, tinh hoa về AI mà còn khiến cả một hệ thống từ chính trị đến kinh doanh vào cuộc để giúp đỡ phát triển AI bằng nhiều chính sách khác nhau.

San-hai-huoc-phim-TQ-2-4026-1593399631.j

Anh Nguyễn Xuân Phong nhận Sao FPT cho dự án hợp tác với Mila trong vai trò là cầu nối giữa viện nghiên cứu Mila với tập đoàn FPT để xây dựng Trung tâm Nghiên cứu FPT.AI tại Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: CT

"AI chính là dòng điện của thế kỷ mới"

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Phong, AI có thể được áp dụng rất nhiều trong đời sống và kinh doanh. AI như là một dòng điện của thế kỷ mới. 3 lĩnh vực mà anh kỳ vọng AI sẽ 'làm nên chuyện' nhiều nhất là giáo dục - giúp loài người phát triển về mặt kỹ năng, tâm hồn dựa vào năng lực và sở thích của từng người; công nghiệp - giúp tăng hiệu suất của máy móc; và lĩnh vực y tế - khám chữa bệnh tốt hơn và tìm ra các loại thuốc mới.

"Những công việc về cơ bản sẽ được máy móc thay thế nhưng không phải vì vậy mà con người mất việc. Chúng ta sẽ chuyển sang những công việc rất mới và rất khác so với bây giờ, ví dụ tập trung hơn cho nghệ thuật, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cho việc phát triển những kỹ năng. Thế giới sẽ tạo ra rất nhiều giá trị thặng dư và con người sẽ được giải phóng để làm những công việc trình độ cao hơn, mang tính chất con người hơn."

Trong thời gian ở Nhật Bản, anh Phong cũng từng là thầy giáo dạy AI cho các em học sinh cấp 2, cấp 3. Và anh càng tin tưởng rằng tuổi trẻ đã có thể tiếp cận những kiến thức cơ bản về AI - lĩnh vực không quá khô khan và quá khó nhằn. Đó chính là những công cụ giúp Việt Nam có thể phát triển cạnh tranh với thế giới, tạo ra được sự khác biệt trong tương lai, như cậu bé Nguyễn Xuân Phong 9 tuổi năm nào đã được tiếp xúc máy tính, biết lập trình và đạt nhiều giải thưởng lập trình trước khi trở thành tiến sĩ AI sau này.

"Các bạn có niềm đam mê với máy tính hoặc có sự tò mò về quá trình tiến hóa và phát triển của con người thì ngành AI rất phù hợp. Nếu thực sự cảm thấy AI thú vị và nhận thấy tầm quan trọng của nó trong tương lai, các bạn sẽ dần tìm hiểu và đầu tư thời gian. Nó sẽ tạo ra được lợi thế cho các bạn trong tương lai", chuyên gia AI quốc tế Nguyễn Xuân Phong gửi gắm.

Ngày 15/6, Chủ tịch FPT đã trao tặng Sao Công nghệ FPT hạng Ba đầu tiên cho anh Nguyễn Xuân Phong kèm phần thưởng 10 triệu đồng với thành tích xúc tiến thoả thuận hợp tác với Viện Nghiên cứu AI hàng đầu thế giới Mila. Thành tích này đã mang về cơ hội chiến lược cho FPT nâng cao năng lực công nghệ và mở ra cơ hội kinh doanh mảng trí tuệ nhân tạo.

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đánh giá cao tinh thần năng động, sáng tạo, luôn đặt mọi thứ ở mức chủ động cao, gắn sát với mục tiêu của FPT. Bên cạnh đó, anh Bình đặt kỳ vọng, FPT Software sẽ là đơn vị đầu tiên tận dụng được đối tác lần này để có những dự án đầu tiên liên quan đến AI.

>> AI Lab quy tụ nhân tài mảng trí tuệ nhân tạo FPT Software

Thủy Minh

Ý kiến

()