Tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm thành phố Seattle, tiểu bang Washington, để gặp gỡ các đối tác khổng lồ như Amazon, Apple, Boeing và Microsoft. Nhà lãnh đạo Trung Quốc khuyến khích các công ty thành lập cơ sở nghiên cứu phát triển tại Trung Quốc và hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, cũng như những lĩnh vực khác nằm trong kế hoạch chiến lược “Made in China 2025”. Tuy nhiên, các công ty tỏ ra khá dè dặt trong việc gặp gỡ.
Trái ngược với tình cảnh của Chủ tịch Trung Quốc, cùng tuần đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bay tới Thung lũng Silicon (bang California, Mỹ) gặp ban lãnh đạo cấp cao Facebook, Google, Apple, Tesla và Uber. Chào đón ông là một sân vận động có sức chứa 18.000 chỗ ngồi chật kín người. Tại đó, ông Modi có bài phát biểu nói về chính sách mở cửa của Ấn Độ với các công ty Mỹ.
Kỹ sư Ấn Độ có nhiều lợi thế trong môi trường công nghệ Mỹ hơn những đồng nghiệp Trung Quốc. Ảnh: glassdoor |
“Khi người Mỹ và người Ấn Độ dường như hòa làm một tại Thung lũng Silicon trong buổi tiếp đón Thủ tướng Modi, thì buổi tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình lại mang tính chất lễ nghi”, Anja Manuel, đồng sáng lập công ty cố vấn RiceHadleyGates có cơ hội tham gia bữa tiệc tối với hai nhà lãnh đạo, nhận xét.
“Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Thung lũng Silicon khăng khít hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Không khí cũng thoải mái hơn khi hợp tác với Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang bắt đầu cảm thấy lo lắng về Trung Quốc vì sự cạnh tranh không lành mạnh. Thậm chí, một số CEO còn không muốn chụp ảnh cùng ông Tập Cận Bình. Thông điệp hoàn toàn rõ ràng. Đó là ví dụ hoàn hảo cho thấy sự khác biệt về văn hóa hai nước”, Manuel, cựu nhân viên ngoại giao và hiện làm chuyên viên cấp cao tại Viện Sáng kiến Kỹ thuật Harvard, cho hay.
Trong khi người lao động Trung Quốc đang ngày mất dần đi cơ hội tại trung tâm công nghệ lớn nhất thế giới, chính bản thân họ cũng tiến hành nghiên cứu để tìm ra lý do vì sao phải chịu lép vế mặc dù so về số lượng cử nhân, họ hơn hẳn Ấn Độ với tỉ lệ 3-1.
“Đây là một chủ đề được thảo luận tích cực, làm cách nào để vá lỗ hổng này”, một nhà đầu tư kỹ thuật giấu tên có mối quan hệ mất thiết với Trung Quốc bày tỏ về mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đã giảm mạnh khi Mỹ - Trung mất niềm tin lẫn nhau và chính quyền Tổng thống Trump tăng cường kiểm soát xuất khẩu, hạn chế đầu tư nước ngoài. Sinh viên, giáo sư và nhà nghiên cứu người gốc Trung Quốc phải đối mặt với sự nghi ngờ ngày càng tăng khi bị coi là gián điệp ngầm. Ngay cả Chính phủ Trung Quốc cũng không có động thái xoa dịu căng thẳng trên.
Tham vọng công nghệ và các kế hoạch “đôi bên cùng có lợi” đang góp phần hình thành đường một chiều cho các công ty nội địa được nhà nước bảo trợ. Sự hạn chế ngày càng tăng của Trung Quốc đối với dữ liệu, tiếp cận thị trường - ngăn chặn Google, Twitter và Facebook hoạt động tại thị trường khổng lồ nước này - khiến nhiều nhà đầu tư ở Thung lũng Silicon mất thiện cảm.
Theo James Mulvenon – Giám đốc Defense Group Inc.'s (DGI), trong chuyến thăm vào năm 2015 tới Seattle, người được coi là “ông hoàng Internet” Lỗ Vĩ - Cục trưởng không gian mạng - gây sức ép đối với các công ty công nghệ Mỹ phải tham gia diễn đàn thảo luận cùng Chủ tịch Tập Cận Bình, nếu không các công ty này sẽ phải đối mặt với các lệnh hạn chế ngặt nghèo hơn khi hoạt động tại Trung Quốc.
Không chỉ vậy, phía Mỹ cũng mang trong mình một định kiến rằng nhân viên Trung Quốc thường xuyên vi phạm các điều khoản không cạnh tranh và bí mật chuyển giao công nghệ quan trọng về cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, trong đủ mọi lĩnh vực từ công nghệ mạng, chất bán dẫn đến viễn thông.
“Trung Quốc lựa chọn cạnh tranh với mọi nơi trên thế giới. Thung lũng Silicon vốn dĩ đã rất phức tạp về tình trạng đánh cắp công nghệ. Và họ tin rằng thị trường Trung Quốc cũng không quá hấp dẫn nếu như ngay cả Google không thể tồn tại”, Gordon Feller, nhà sáng lập tổ chức nghiên cứu thành phố thông minh Meeting of the Minds, lý giải.
Con đường đến với Thung lũng Silicon giữa người lao động Ấn Độ và Trung Quốc cũng rất khác nhau. Các lập trình viên, kỹ sư Ấn Độ đã gây dựng vị thế của mình tại trung tâm công nghệ lớn nhất thế giới này từ những năm 1970, khi mà các sinh viên đến Mỹ học tập và ở lại làm việc, từ những công việc nhỏ nhất như trực điện thoại cho đến những công việc chuyên môn hơn như tư vấn, xây dựng phần mềm. Lực lượng lao động Ấn Độ trở thành một phần ‘AND’ trong các tập đoàn công nghệ Mỹ. Họ giao tiếp giỏi bằng tiếng Anh và đến từ một quốc gia có thể chế dân chủ tương tự Mỹ. Rất nhiều CEO các hãng công nghệ hiện là người Ấn Độ như CEO Google - Sundar Pichai hay CEO Satya Nadella của Microsoft.
Trong khi đó, các kỹ sư Trung Quốc sau khi đến Mỹ học tập lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ, họ thường có xu hướng về nước. Điều này khiến cho mối quan hệ làm việc theo nhóm giữa người Trung Quốc và người Mỹ trở nên lỏng lẻo. Thay vì gây dựng sự nghiệp tại Thung lũng Silicon, các nhà đầu tư Trung Quốc lại muốn đem công nghệ Mỹ về phát triển tại quê nhà - có thể nhìn thấy những ví dụ điển hình như Huawei, Baidu và Tencent.
“Phần lớn các quốc gia tập trung làm thế nào để các công ty của họ hòa nhập với Thung lũng Silicon, nhưng Trung Quốc lại ưu tiên tìm các công ty khởi nghiệp, hỗ trợ họ và đem về nước. Xét về nhiều mặt, quan hệ với Ấn Độ sẽ tự nhiên hơn vì nền kinh tế thị trường của họ - không bị can thiệp chính trị như bạn phải đối mặt tại Trung Quốc”, Sean Randolph, Giám đốc cấp cao tại Hội đồng Kinh tế Bay Area, lý giải.
Theo SCMP, một điểm khác biệt dẫn tới điểm yếu của lực lượng lao động Trung Quốc là hệ thống giáo dục. Người Trung Quốc dường như ít thành công hơn trong việc điều hành các dự án phức tạp đòi hỏi phải có sự giám sát, truyền cảm hứng và thúc đẩy động lực giữa các nhóm.
Corey Glickman, đối tác của Strategic Design Consulting, một đơn vị của Infosys từng đảm trách tuyển dụng nhân sự của hai nước, cho rằng giới trẻ Trung Quốc khá kém khi đối mặt với thất bại so với người Ấn Độ.
>> Google giảm họp tránh lộ bí mật công nghệ
Mai Anh
Ý kiến
()