Chúng ta

Kiếm 7 tỷ đồng cho FPT Software, akaBot ‘giật’ Vàng iKhiến

Thứ hai, 26/8/2019 | 11:47 GMT+7

Mang về 'cú đúp' giải thưởng ở iKhiến số 4, akaBot giành luôn ngôi đầu bảng xếp hạng cho FPT Software. 

Sáng 26/8, sự kiện công bố và trao giải Sáng tạo FPT iKhiến số 4 đã diễn ra tại buổi họp giao ban tập đoàn. Trước đó, tại buổi chấm giải chung khảo diễn ra ngày 21/8, Hội đồng thẩm định iKhiến đã thảo luận và quyết định trao giải Vàng cho giải pháp akaBot, sản phẩm được xây dựng bởi anh Bùi Đình Giáp và đội ngũ ở FPT Software. 

ikhien-so4-giaivang-5555-1566793506.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình trao giải Vàng và giải Chuyển đổi số cho tác giả Bùi Đình Giáp (thứ 2 từ trái qua phải) và các cộng sự ở FPT Software. 

Hệ thống điều khiển và giám sát trung tâm dữ liệu và Hệ thống dự báo chất lượng Accu thông qua log cúp điện của FPT Telecom cùng FPT EagleEye malBot của FPT IS đều giành giải Bạc. Giải đồng thuộc về sáng tạo còn lại dự thi chung khảo số 4 là FPT Software Mail Merge. Cạnh đó, iKhiến số 4 cũng trao 2 giải Chuyển đổi số cho giải pháp Akabot và FPT EagleEye malBot.

collage-photocat-5546-1566793506.jpg

TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa và TGĐ FPT Software Phạm Minh Tuấn trao giải cho các tác giả phía Nam. 

akaBot ra đời trong bối cảnh RPA (Robotic Process Automation) trên thị trường phát triển nhanh, kèm theo đó là nhu cầu tự động hóa hàng trăm quy trình nghiệp vụ khối back office, giúp tiết kiệm chi phí nhân công, tăng năng suất, giảm sai sót.

Sản phẩm gồm ba thành phần, trong đó akaBot Studio dành cho người không biết lập trình có thể tự thiết kế hệ thống bằng cách kéo thả, akaBot Center dành cho operator có chức năng tạo lập hệ thống vận hành, điều phối và akabot Agent tự động thực thi các quy trình nghiệp vụ đã được thiết kế, có thể chạy được cả trên máy ảo, máy local PC.

Hiện akaBot có khả năng thay thế mọi công việc khối back office. Ngoài ra, hệ thống bảo mật dữ liệu nhờ sử dụng nền tảng AI, OCR tích hợp sâu. DPO tích hợp trong akaBot giúp sử dụng dịch vụ với độ chính xác cao. akaBot có nhiều ưu điểm, tuy nhiên mức giá sử dụng cạnh tranh trên thị trường.

Sản phẩm hoạt động từ tháng 7/2018 tại các bộ phận hỗ trợ của FPT Software. Ngoài ra, akaBot được sử dụng tại một số công ty của Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, châu Âu, với doanh thu 7 tỷ đồng.

Nhận giải Vàng iKhiến, tác giả Bùi Đình Giáp chia sẻ, mình "tham gia cuộc thi lần này với mong muốn thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo". Chủ nhân của akaBot không khỏi bất ngờ khi được trao "cú đúp" giải thưởng. Anh và các cộng sự đều hy vọng akaBot có thể được triển khai trên toàn FPT vì sản phẩm cần được thử lửa để tiếp tục phát triển và bán cho nhiều khách hàng hơn nữa. 

Trong buổi họp, Chủ tịch Trương Gia Bình và TGĐ FPT Nguyễn Văn Khoa cũng đồng thuận với đề xuất triển khai akaBot, EagleEye mailBot, FSO mail merge trong toàn tập đoàn.

Tính đến hết tháng 8/2019, iKhiến mùa 3 ghi nhận tổng số 55 sáng tạo đăng ký tham dự, trong đó có 49 sáng tạo hợp lệ. FPT Telecom vẫn đang dẫn đầu về số lượng đăng ký trong khi đó FPT HO, FPT Retail vẫn chưa có đăng ký dự thi nào sau 4 số chung khảo.

Ở bảng tổng sắp giải thưởng, FPT Software trở lại ngôi đầu bảng với 3 Vàng, 2 Đồng, 1 Khuyến khích. FPT Telecom đồng hạng nhất với cùng 35 điểm. Nhà Hệ thống vươn lên vị trí thứ 2, đẩy nhà Giáo dục xuống hạng 3. Các thứ hạng còn lại không có nhiều biến động khi FPT Online, FPT HO, FPT Retail và Synnex FPT vẫn "dậm chân tại chỗ".

iKhiến là giải thưởng thưởng Sáng tạo FPT nhằm tìm kiếm, tôn vinh những sáng tạo của người FPT. Giải thưởng tạo điều kiện thúc đẩy, mang lại cơ hội đầu tư (tiền bạc và nguồn lực) cho tác giả và mở ra hướng phát triển mới với sự tư vấn của các chuyên gia. Đồng thời giúp các tác giả quảng bá được sáng tạo, kết nối với cộng đồng sáng tạo.

Tại iKhiến mùa 3, sẽ có giải Vàng, Bạc, Đồng và Khuyến Khích mỗi tháng, tương đương với giải thưởng trị giá 5 triệu đồng, 3 triệu đồng, 2 triệu đồng và 500.000 đồng mỗi giải. Đặc biệt, iKhiến 2019 có thêm một điểm mới hấp dẫn. Cụ thể, sáng tạo thuộc Chuyển đổi số sẽ nhận thêm phần thưởng 2 triệu đồng/giải.

Giải Sáng tạo của năm trị giá 70 triệu đồng.

Trâm Nguyễn

Ý kiến

()