Sau 8 tháng với các vòng thi đầy kịch tính, Cuộc đua số 2017-2018 đã bước đến hồi kết. 8 đội xuất sắc đến từ 6 trường đại học trên cả nước sẽ hội ngộ tranh tài tại Nhà thi đấu quận Tây Hồ - Hà Nội vào tối nay, ngày 17/5.
Cách đây hai ngày, các đội từ Sài Gòn và Đà Nẵng đã hội quân với các đối thủ tại Hà Nội. Cùng thời điểm với việc lắp đặt sân thi đấu, Ban tổ chức cũng công bố sa hình bí mật. Đó là sân hình vuông, có đường ở giữa. “Độ khó của sa hình này là biển Stop”, anh Lê Ngọc Tuấn, thành viên Ban tổ chức, tiết lộ.
Sa hình bí mật (phải) vừa được công bố với các đội thi. |
Như vậy, trận chung kết Cuộc đua số năm nay sẽ chia thành 2 vòng: vòng công khai và vòng bí mật. Các đội thi sẽ phải sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo (AI) để cho xe di chuyển với tốc độ cao nhất trên các đường đi có địa hình phức tạp như có hàng đinh, có vạch kẻ đường hoặc kẻ nét đứt… xác định và tránh được vật cản với hình dạng bất kỳ trên đường, nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo. Đặc biệt, các biển báo sẽ tự động thay đổi ngẫu nhiên qua từng lượt chạy để đảm bảo chính xác khả năng nhận biết biển báo của từng đội.
12h ngày 16/5, 30 giờ trước khi đêm thi diễn ra, phần đường đua cơ bản được hoàn thành. 8 đội cũng lục tục đến sân trong cái nóng 38 độ của Hà Nội để thực hiện các bài chạy thử, kiểm tra, căn chỉnh và lập trình chiếc xe tự hành.
Là người theo dõi các đội từ đầu, qua bán kết và đồng hành trong công cuộc tập luyện trước giờ G, anh Lê Ngọc Tuấn tỏ ra lo lắng cho Sophia, đội thi của ĐH CNTT TP HCM, khi xe của đội này vừa gặp sự cố hỏng động cơ tại Nhà thi đấu quận Tây Hồ. “Các bạn đang cấp tốc thay động cơ dự phòng”, anh Tuấn lo âu. “Sau đó, các bạn còn phải chỉnh thông số hàm điều khiển cho phù hợp”.
Theo thành viên Ban tổ chức, một đại diện của ĐH CNTT TP HCM năm thứ 2 liên tiếp vào chung kết Cuộc đua số là thành tích đáng nể. Với nhóm Sophia, 4 thành viên học CNTT nên kỹ năng về phần cứng và điều khiển xe không mạnh bằng các đội khác trong khi gặp sự cố trước giờ G vài tiếng là điều đáng tiếc. “Quan sát các bạn đang rất nỗ lực để xe chạy ổn định nhất trong vòng thi”.
Các thành viên đội NII - Bách khoa Đà Nẵng cân não trên sàn tập. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Cũng đến từ phương Nam, BK-PIF của Bách khoa TP HCM, lại hoàn toàn trái ngược với Sophia: 4 thành viên đều học Điện - Điện tử. “Không có ai học CNTT nên khả năng lập trình chưa được nhanh và mượt như các đội bạn”, anh Tuấn nhận định. Tuy nhiên, lợi thế của BK-PIF là những thuật toán phía dưới và phần chuyển động.
“So với bán kết, các bạn đang tích cực chuẩn bị trên sân và nâng cấp xe. Độ ổn định của BK-PIF đã khá hơn trong khi vòng tốc độ đang được tập trung. Các bạn theo tiêu chí chậm mà chắc”, thành viên Ban tổ chức phụ trách công nghệ đánh giá BK-PIF sẽ tiếp nối đàn anh từ Bách khoa TP HCM, là trường có truyền thống thi đấu tốt ở Cuộc đua số.
Dù tối 16/5 mới tập trên sa hình bí mật nhưng xe của MTA Race4Fun (Học viện Kỹ thuật Quân sự) đã khiến các đối thủ trên sân lo âu. Xe chạy trọn vẹn một vòng chưa hết 20 giây, tốc độ khá cao trong cuộc thi. “Đại diện Học viện Kỹ thuật Quân sự rất chăm chỉ, kỷ luật. Họ tập sa hình hàng ngày ngay trên nóc ký túc xá trường”, anh Tuấn tiết lộ. “MTA Race4Fun là đối thủ đáng gờm. Họ tinh chỉnh thuật toán rất tốt”.
Với UET Fastest của ĐH Công nghệ Hà Nội, thành viên Ban tổ chức ấn tượng bởi họ giành vé cuối cùng của Bán kết phía Bắc, vượt qua những đội đến từ Bách khoa Hà Nội hay Học viện Bưu chính Viễn thông. “Đêm qua (16/5), UET Fastest là đội duy nhất phân chia thành viên trắng đêm thực hiện các bài kiểm tra, căn chỉnh và tái lập trình chiếc xe tự hành trong lúc đồng đội đang nghỉ dưỡng sức”, anh Tuấn ấn tượng. “Họ là ẩn số của giải”.
Nhận xét về hai đội thuộc ĐH FPT - Prototype và Win Win Spiral, thành viên Ban tổ chức bày tỏ ấn tượng khi bộ đôi gây bất ngờ ở bán kết. “Đó là thành quả xứng đáng, bởi trong suốt quá trình chuẩn bị, thành viên hai đội này liên tục hỏi và nhờ Ban tổ chức tư vấn”, anh Tuấn cười. “Prototype và Win Win Spiral đều xử lý điều khiển xe mượt và cảm biến tốt bên cạnh phần mềm là thế mạnh. Họ là những đối thủ nặng ký cho nhóm vào vòng tranh giải Vàng”.
MTA Race4fun từ Học viện Kỹ thuật Quân sự vừa có màn chạy thử ấn tượng. Ảnh: Ngọc Thắng. |
Khi chạy thử, xe của đội NII - Đại học Bách khoa Đà Nẵng gặp vấn đề ở phần nhận diện biển báo dừng, chuyển hướng và tại thiết bị cảm nhận ánh sáng khiến xe không nhận ra phần đường có cỏ.
“Xe chúng tôi chưa thực sự ổn định như mong muốn”, Trần Gia Khang của đội NII âu lo. “So mô hình tập cũng không quá khác biệt, xe của đội đang chạy với tốc độ khoảng 20 km/h”.
Trong khi đó, đội đồng hương DUT Stark (ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cũng gặp vấn đề về độ rộng của đường chạy. “Ở vòng chung kết, độ rộng sa đường bé hơn ở vòng bán kết”, đội trưởng Trần Duy Hùng phân trần. “Xe chưa chạy ổn định. Chúng tôi đang chạy đua với thời gian”.
Cập nhật lúc 16h (khoảng 4 giờ trước vòng thi), anh Lê Ngọc Tuấn, thành viên Ban tổ chức, cho hay Prototype của ĐH FPT vừa phải thay một thiết bị phần cứng hư hỏng. “Do phần lập trình tốt nên sự cố được cải thiện nhanh chóng trong khoảng 20 phút”, anh Tuấn chia sẻ.
Trong khi đó, nhóm các đội của Đà Nẵng và TP HCM vẫn đang hăng say tập luyện để cải thiện tốc độ, độ ổn định trước khi "nhấn nút" tăng tốc. “MTA Race4Fun của Học viện Kỹ thuật Quân sự vừa trình diễn các vòng chạy khá nhanh”, thành viên Ban tổ chức cập nhật từ sàn đấu. “Nhưng ấn tượng nhất lúc này thuộc về UET Fastest (ĐH Công nghệ Hà Nội), khi đội vừa chạy thử kết quả cán đích trong 23 giây - tương đương thành tích tốt nhất của bán kết phía Bắc”.
19h30 ngày 17/5, tại Nhà thi đấu Quận Tây Hồ, Hà Nội, 8 đội thi sẽ bước vào cuộc đấu tranh giải Vàng. Đội vô địch sẽ được nhận tổng giá trị phần thưởng của các vòng là 450 triệu đồng, trong đó có một chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Nhật Bản trong vòng một tuần.
Sự kiện sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam, VnExpress, Chungta.vn và livestream trên Fanpage cuộc thi.
Thứ tự các lượt thi gồm: Lượt 1 NII - DUT Stark; lượt 2: Winwin Spiral - MTA Race4Fun; lượt 3: Prototype - UET Fastest và lượt 4: Sophia - BK-PIF. 4 đội có thành tích tốt nhất sẽ bước vào phần thi tìm đội giải Nhất Cuộc đua số 2017-2018.
>> Thức thâu đêm, ăn cơm hộp chuẩn bị Chung kết Cuộc đua số
Nguyên Văn
Ý kiến
()