Chúng ta

Thức thâu đêm, ăn cơm hộp chuẩn bị Chung kết Cuộc đua số

Thứ tư, 16/5/2018 | 17:29 GMT+7

Các thành viên Ban tổ chức đang phải chạy đua cùng thời gian để chuẩn bị cho đêm Chung kết Cuộc đua số diễn ra thành công.

Những ngày giữa tháng 5, Hà Nội bước vào đợt nắng nóng cao điểm. Đây cũng là lúc diễn ra vòng Chung kết cuộc thi lập trình xe tự hành Cuộc đua số 2017-2018. Sự kiện này được tổ chức tại Nhà thi đấu quận Tây Hồ, Hà Nội.

Ban tổ chức có 2 ngày để lắp đặt 4 đường đua cùng hàng chục thiết bị điện tử điều khiển biển báo tự động. Để thực hiện được khối lượng công việc lớn như vậy, đội kỹ thuật gồm 10 kỹ sư đến từ Ban Công nghệ và Ban CNTT tập đoàn đã phải làm cả ngày lẫn đêm để kịp hoàn thành đường đua một ngày trước đêm thi để các đội có thể chạy thử nghiệm.

Mức độ gấp rút khiến anh Lê Hồng Việt, Giám đốc Công nghệ tập đoàn, dành cả một buổi sáng để giám sát và hỗ trợ đội kỹ thuật. Anh Việt cho biết, Ban tổ chức đặt mục tiêu sẽ không để xảy ra sự cố trong đêm chung kết nên các kỹ sư của FPT phải rất tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị và cài đặt.

DSC-0374-2649-1526465894.jpg

Anh Lê Hồng Việt cho biết công tác chuẩn bị sẽ được thực hiện kỹ lưỡng để giảm thiểu sự cố đến mức thấp nhất.

12h ngày 16/5, 30 tiếng trước khi đêm thi diễn ra, phần đường đua cơ bản được hoàn thành. Cái nóng 38 độ của Hà Nội khiến không khí trong sân đấu vô cùng oi bức. Thực thực hiện những công đoạn cuối cùng, các kỹ sư mồ hôi chảy ròng ròng. Ba chiếc quạt công suất lớn không đủ để khiến mọi người cảm thấy dễ chịu hơn. Nhiều kỹ thuật viên phải cởi trần để tiếp tục công việc.

Nghỉ tay ăn suất cơm hộp cùng anh em, anh Lê Ngọc Tuấn, Ban Công nghệ FPT, đội trưởng đội kỹ thuật, cho biết các thiết bị biển báo tự động đã được làm mới hoàn toàn với độ chính xác vượt trội so với vòng Bán kết. Cả đội đã mất hơn một tháng để hoàn thiện bộ thiết bị này.

DSC-0361-3381-1526465894.jpg

Các thiết bị điều khiển biển báo tự động đã được làm lại với độ chính xác cao hơn. Trong ảnh, anh Lê Ngọc Tuấn (bên phải) đang xem lại các thiết bị.

Chịu trách nhiệm về mặt nội dung chương trình là các thành viên Ban Truyền thông tập đoàn. Họ cũng đã túc trực tại nhà thi đấu từ hai hôm nay để giám sát các hạng mục thi công sân khấu, lắp đặt băng-rôn, trang trí, đồng thời phối hợp với VTV2 để lắp các thiết bị phục vụ truyền hình trực tiếp. Trong nhóm toàn bộ là phụ nữ nhưng không quản ngại vất vả làm việc tới tận đêm muộn.

Cũng để chuẩn bị cùng cả nhóm, chị Đặng Ánh Tuyết, Phó Ban tổ chức cuộc thi, cho biết, công tác chuẩn bị nội dung và truyền thông cho đêm Chung kết đã được thực hiện từ ngay sau khi vòng Bán kết kết thúc. Đã có hàng chục bài báo viết về cuộc thi. Trang Fanpage của cuộc thi cũng nhận được nhiều sự quan tâm với số lượng tương tác lớn chưa từng có. Công tác phối hợp với Đài truyền hình - VTV2 cũng là một áp lực rất lớn cho nhóm vì đây là kênh truyền hình quốc gia, có nhiều quy định khắt khe vể quy trình, nội dung và hình thức.

"Khối lượng công việc lớn, trong nhóm lại có nhiều nhân viên mới còn thiếu kinh nghiệm là những khó khăn chúng tôi đang gặp phải. Tuy nhiên, với tinh thần làm việc hết mình, chúng tôi tin đêm Chung kết sẽ diễn ra thành công", chị Tuyết chia sẻ.

DSC-0459-3072-1526465894.jpg

Nhóm truyền thông đều là nữ với tuổi đời rất trẻ nhưng không quản ngại vất vả túc trực tại nhà thi đấu chuẩn bị cho đêm Chung kết.

Chung kết Cuộc đua số 2018 sẽ diễn ra lúc 20h ngày 17/5, tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao Tây Hồ (101 Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội). Chương trình được truyền hình trực tiếp trên VTV2, đồng thời livestream trên Fanpage Cuộc đua số.

8 đội đại diện cho cả ba miền Bắc, Trung, Nam dự thi chung kết gồm: Đội Proptype và đội Winwin Spiral (ĐH FPT); Đội UET Fastest (ĐH Công nghệ - ĐHQG Hà Nội); Đội MTA_ Race4Fun (Học viện Kỹ thuật Quân sự); Đội DUT Stack và đội NII (ĐH Bách khoa Đà Nẵng); Đội Sophia (ĐH CNTT - ĐHQG TP HCM); Đội BK-PIF (ĐH Bách khoa - ĐHQG TP HCM).

Đây là những đội tuyển xuất sắc trong số 260 đội tuyển đăng ký vừa trải qua các trận bán kết hấp dẫn tại Hà Nội và TP HCM. Trong trận bán kết, các đội thi phải sử dụng kiến thức trong lĩnh vực lập trình, xử lý ảnh, trí tuệ nhân tạo để cho xe di chuyển với tốc độ cao nhất, xác định và tránh được vật cản trên đường; nhận dạng và đi đúng theo chỉ dẫn của biển báo.

Tại trận chung kết, các đội thi sẽ phải lập trình để xe có thể di chuyển với tốc độ cao nhất trong địa hình phức tạp (đường có vạch kẻ hoặc kẻ nét đứt, thảm cỏ, vỉa hè…), nhận diện các biển báo rẽ trái/phải, dừng lại... Đội vô địch sẽ được nhận tổng giá trị phần thưởng của các vòng là 450 triệu đồng, trong đó có một chuyến trải nghiệm, tìm hiểu về công nghệ mới tại Nhật Bản trong vòng một tuần.

Cuộc đua số mùa thứ 2 diễn ra từ tháng 10/2017 đến tháng 4/2018. Đây là cuộc thi lập trình công nghệ xe tự hành dành cho tất cả sinh viên đại học trên cả nước do FPT tổ chức với sự đồng hành của VTV2. Với gần 800 sinh viên - 260 đội thi đến từ 32 trường đại học đăng ký chinh phục công nghệ xe tự hành, Ban tổ chức đã chọn ra 205 đội bước vào vòng loại trường.

Đề bài của cuộc thi năm nay cũng được nâng cao độ khó so với năm trước. Cụ thể, tại vòng chung kết, các thí sinh sẽ phải lập trình để xe có thể chạy được với điều kiện mô phỏng ánh sáng ngoài trời, nhận diện biển báo giao thông, rẽ trái/phải theo quy định…

Nguyễn Thắng

Ý kiến

()