Chúng ta

Hơn 50% nhà bán lẻ chú trọng an ninh mạng

Chủ nhật, 2/8/2020 | 09:38 GMT+7

Nâng cấp bảo mật dữ liệu và chú trọng an toàn thông tin là mục tiêu hàng đầu của đa số doanh nghiệp bán lẻ toàn cầu, theo BDO.

Theo Forbes, vài năm gần đây, chuyển đổi số (digital transformation- DX) trở thành xu hướng thời đại khi hàng loạt doanh nghiệp cho rằng quá trình này sẽ đóng vai trò cốt lõi để họ vững vàng trước nhiều biến động, gia tăng năng lực cạnh tranh và cải thiện cấu trúc vận hành theo hướng tối ưu hóa nhờ ứng dụng hiệu quả nhiều mô hình công nghệ tiên tiến.

Phần lớn đơn vị bán lẻ nhấn mạnh, nếu những cuộc tấn công trên mạng xảy ra làm rò rỉ dữ liệu người dùng, hình ảnh thương hiệu sẽ giảm sút hay thậm chí bị loại khỏi cuộc chơi. Do đó, họ xác định chiến lược chuyển đổi số cần gắn liền với kế hoạch đảm bảo an toàn thông tin (cybersecurity) cho người mua lẫn người bán và đồng thời cam kết giữ uy tín bảo mật dữ liệu người dùng.

Cybersecurity-picture-1-9213-1596335066.

An ninh mạng là lựa chọn cao nhất trong số ý kiến từ 100 quản lý cấp cao thuộc các nhà bán lẻ có doanh thu dao động từ 250 triệu đến 3 tỷ USD. Nguồn: BDO. Ảnh: Unsplash

Dựa trên Báo cáo năng lực chuyển đổi số từ 100 doanh nghiệp bán lẻ do hãng cung ứng dịch vụ đa ngành BDO thực hiện từ cuối năm 2019, 57% trong số đó nhắm đến việc củng cố tiềm lực an ninh mạng theo kế hoạch ngắn hạn (từ 12 - 18 tháng), 40% cho rằng họ sẽ tiếp tục duy trì mục tiêu này trong chiến lược dài hạn và sẵn sàng bắt tay với các công ty công nghệ để triển khai thêm giải pháp bảo mật.

Đồng thời, 71% doanh nghiệp bán lẻ nhận định, việc đẩy mạnh an ninh mạng sẽ giúp nâng chất lượng trải nghiệm khách hàng khi đây là mục tiêu cao nhất mà họ đang hướng tới. Bước đầu là nhận diện thương hiệu, dẫn dắt khách hàng đến với dịch vụ và sau đó thực hiện hành vi mua hàng. Họ mong rằng quy trình này sẽ diễn ra dưới sự bảo hộ của những giải pháp an ninh mạng hiệu quả.

Theo phân tích từ McKinsey, làn sóng doanh nghiệp tập trung vào cybersecurity nhiều hơn các dự định khác còn do yếu tố thời sự. Bởi vì hiện nay đa phần người lao động đang làm việc tại nhà và tương tác chủ yếu qua mạng nên phương pháp đảm bảo an toàn môi trường làm việc trực tuyến cho nhân viên là điều cấp thiết.

Chỉ riêng tháng 4, Google ghi nhận hơn 18 triệu phần mềm độc hại và email giả liên quan đến tin tức về Covid-19. “Khi người dùng nhấn chọn vào chúng, các thông tin cá nhân sẽ bị đánh cắp”, McKinsey chia sẻ và cho rằng cybersecurity cần thuộc diện ưu tiên trong định hướng phát triển doanh nghiệp, không chỉ hiện tại mà còn trong giai đoạn “Bình thường mới” (New Normal).

“Người lao động khẳng định chưa muốn trở lại làm việc tại công ty như trước đây và 70% trong số đó sẽ xem xét cơ hội làm việc trực tuyến với doanh nghiệp như một tiêu chí ưu tiên nghề nghiệp sau này”, McKinsey trích dẫn từ khảo sát mới nhất của Global Workplace Analytics.

Có thể thấy, Covid-19 mang lại một làn gió mới về cách con người làm việc và cách thế giới vận hành. Khi hầu hết các nhà bán lẻ đang khấp khởi với kế hoạch chuyển đổi số trong năm mở đầu thập kỷ mới, sự xuất hiện của đại dịch có thể sẽ khiến nhiều doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch và lộ trình số hóa.

Bà Natalie Kotlyar - Trưởng bộ phận bán lẻ & tiêu dùng thuộc BDO tại Mỹ, nhận định: “Dù đại dịch làm chậm lộ trình chuyển đổi số thì đây cũng là lúc doanh nghiệp nhìn nhận độ hiệu quả của những giải pháp số hóa trong thời gian qua. Xu hướng bán hàng trực tuyến và giao nhận không tương tác đang gia tăng mạnh mẽ, do đó chúng ta nên xem xét các sáng kiến mới và chuẩn bị cho bước chuyển dịch khi thị trường mở cửa trở lại”.

Tuy nhiên, hãng BDO cũng nêu rõ, bên cạnh nhiều doanh nghiệp đã triển khai thành công kế hoạch số hóa trong năm 2019 và theo đuổi tầm nhìn về an ninh mạng, vẫn còn khoảng 15% đơn vị bán lẻ đang loay hoay với chiến lược chuyển đổi số với các vướng mắc như: chưa sử dụng tối ưu công nghệ, nhân viên thiếu kỹ năng và định hướng chuyển đổi số là 3 lý do hàng đầu.

Screen-Shot-2020-08-02-at-09-2-4783-1829

6 lý do khiến các nhà bán lẻ chưa thể chuyển đổi số toàn diện. Nguồn: BDO

Trên thực tế, không chỉ doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp trở ngại khi chuyển đổi số mà các công ty giàu tiềm lực về tài chính cũng đã từng nhận "trái đắng". Theo Harvard Business Review (HBR), nhiều vị trí phụ trách chuyển đổi số tại các tập đoàn lớn như GE, P&G, Ford, McDonald, hay Lego đã phải thay nhân sự mới trong thập kỷ qua. Tất cả có điểm chung rằng họ đều đầu tư hơn triệu đô cho phát triển sản phẩm số, cơ sở hạ tầng, thu hút sự quan tâm lớn từ phía công chúng và các nhà đầu tư. Tuy nhiên, kết quả lại chưa đạt được như kỳ vọng.

Giải thích về điều này, tờ Forbes cho rằng, tuy chuyển đổi số nhấn mạnh tính ứng dụng của công nghệ trong doanh nghiệp, nhưng quá trình đó còn phải gồm sự chuyển biến trong cách nhân viên tư duy và hợp tác cùng nhau. Họ sẽ cần định hướng trong việc thay đổi suy nghĩ, lối đưa ra quyết định và trang bị những kỹ năng phù hợp hơn với môi trường chuyển đổi số. Tất cả đòi hỏi doanh nghiệp cần triển khai nhiều chương trình hành động giúp nhân viên nắm bắt kịp thời tầm nhìn của người lãnh đạo trên hành trình chuyển đổi số.

“Quá trình số hóa với doanh nghiệp hơn 50,000 nhân viên sẽ thách thức hơn rất nhiều”, báo cáo của McKinsey khẳng định.

Vì vậy, chuyển đổi số là một quá trình dài hơi, chia thành nhiều giai đoạn để doanh nghiệp được "số hóa" từ trong ra ngoài, từ đội ngũ nhân viên đến năng lực triển khai dự án bằng công nghệ. Hãng BDO xác định, tiến trình ấy cần hội đủ 3 yếu tố: Doanh nghiệp số (Digital business), Vận hành số (Digital process) và An ninh số (Digital backbone) để tạo nên sự kết nối liền mạch giữa con người, máy móc và cách hoạt động của doanh nghiệp.

Riêng các doanh nghiệp bán lẻ, Tập đoàn Bain & Company cùng Deloitte tiết lộ: “Công nghệ nên đóng vai trò kích thích toàn bộ giác quan của người dùng khi tương tác với dịch vụ hay sản phẩm và giúp những cảm xúc tốt đẹp về thương hiệu đọng lại trong tâm trí của họ”.

>> Chuyên gia Deloitte và FPT đưa giải pháp tối ưu vận hành doanh nghiệp

Đình An

Ý kiến

()