Chúng ta

Hệ thống của Amazon tự động đuổi nhân viên năng suất thấp

Chủ nhật, 28/4/2019 | 16:19 GMT+7

Hệ thống theo dõi năng suất của Amazon có quyền tự động chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên mà không cần ý kiến của người giám sát.

Yêu cầu cao của Amazon đối với năng suất lao động của nhân viên khiến tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới trở thành tâm điểm của nhiều cuộc điều tra từ giới chức lẫn giới truyền thông. Song, theo tờ Business Insider, một báo cáo mới đây cho thấy Amazon không chỉ theo dõi năng suất lao động của nhân viên trong các nhà kho, mà còn có hẳn một hệ thống có khả năng tự động buộc họ thôi việc.

Trang The Verge tiết lộ, Amazon đã sa thải hơn 300 nhân sự trong một nhà kho ở Baltimore thuộc tiểu bang Maryland trong giai đoạn từ tháng 8/2017 tới tháng 9/2018 với lý do năng suất của họ thấp hơn mức quy định. The Verge dẫn thông tin này trong một thư mà luật sư của Amazon gửi tới Ủy ban Quan hệ Lao động quốc gia.

Một người phát ngôn của Amazon xác nhận với Business Insider: "Xấp xỉ 300 người lao động ở Baltimore buộc phải thôi việc do không đạt năng suất trong khung giờ mà hãng quy định. Nhìn chung, số vụ sa thải người lao động đã giảm trong hai năm qua tại nhà kho ở Baltimore cũng như các nhà kho trên khắp Bắc Mỹ".

amazon-kho-hang-5553-1556443110.jpg

Nhân viên làm việc trong các nhà kho của Amazon chịu áp lực rất lớn để đạt năng suất theo yêu cầu của tập đoàn. Ảnh: mundocontact.com

Hệ thống theo dõi của Amazon có khả năng đánh giá lượng thời gian nhân viên dừng hay nghỉ giải lao, theo The Verge. Trước đây, giới truyền thông Mỹ đưa tin nhiều người lao động của Amazon sợ hệ thống theo dõi năng suất đến nỗi họ không dám vào toilet.

Nếu hệ thống xác định một nhân sự không đạt năng suất theo định mức, nó có thể tự phát thông điệp cảnh báo và chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần tham vấn người giám sát. Tuy vậy, Amazon nói người giám sát có thể thay đổi những quyết định từ hệ thống bất cứ lúc nào.

“Tuy cần làm việc năng suất, nhưng con người không phải robot. Chúng ta có những ngày làm việc tốt và những ngày kém hiệu quả”, đại diện Amazon tuyên bố. Trang Business Insider bình luận: “Không nên dùng người lao động như những bánh răng trong một hệ thống, mà cần tận dụng sự sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề và tư duy phát triển của họ”.

Cơ chế quản lý nghiêm ngặt của Amazon tác động xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động khác. Chẳng hạn, các tài xế giao hàng của hãng phàn nàn rằng họ cảm thấy áp lực đến mức sẵn sàng phóng nhanh qua các khu phố, lờ biển cấm và không dám dừng lâu để vào toilet. Chừng nào công việc kinh doanh của Amazon còn phát triển, tập đoàn vẫn sẽ cần các tài xế vận chuyển hàng với tốc độ nhanh nhất có thể.

Trước đây, các tài xế Uber cũng than phiền vì kiểu quản lý dựa vào thuật toán. Amazon không phải doanh nghiêp đầu tiên cho phép máy móc theo dõi và sa thải người lao động. Với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ tự động, những hệ thống tự động đuổi nhân viên năng suất thấp sẽ dần trở nên phổ biến hơn.

>> Đám mây của Amazon và Microsoft duy trì mức tăng khủng

Hải Ninh

Ý kiến

()