Không có nhiều thời gian để cùng nhau thảo luận, làm việc nhưng bằng niềm đam mê và quyết tâm chinh phục công nghệ, mentor Đoàn Thế Vinh cùng ba sinh viên Võ Tiến Công, Phạm Khánh Huy và Nguyễn Quốc Trung vẫn quyết định đăng ký dự thi GDG DevFest MienTrung 2018. Đây là sân chơi quy tụ hơn 100 đội thi tham gia, là các lập trình viên, sinh viên CNTT... Chủ đề của sân chơi là “Phát triển các ứng dụng trên di động hoặc website phục vụ xây dựng thành phố thông minh và văn minh hơn”.
Lọt vào top 10 đội xuất sắc nhất, mỗi đội thi dành 9 phút để trình bày ý tưởng sản phẩm của mình và trả lời câu hỏi chất vấn từ Ban giám khảo. Các tiêu chí đánh giá dự án tốt bao gồm ý tưởng sáng tạo, kỹ thuật, tính khả thi của công nghệ áp dụng đối với ý tưởng và mức độ hoàn thiện các tính năng của sản phẩm. |
Ứng dụng của đội tuyển FUNiX có tên "Smart City Monitoring" - Hệ thống theo dõi giám sát từng khu vực trong thời gian thực và công khai cho người dân. Mentor Đoàn Thế Vinh cho biết, ý tưởng xuất phát cách đây khoảng 1 năm. Thời điểm đó, đơn vị Asia Foundation mời anh tư vấn về mặt công nghệ cho dự án "City monitoring". Dự án đó Asia Foundation kết hợp với 15 trường học ở Hà Nội tổ chức với mục tiêu giúp các học sinh tự làm được thiết bị đo chất lượng không khí và tổng hợp dữ liệu đo về một nơi để mọi người đều có thể xem được. Qua đó giúp học sinh và gia đình nâng cao ý thức về việc giữ gìn môi trường sống.
"Đến khi đăng ký tham gia GDG Devfest MienTrung 2018, ý tưởng này quay lại với tôi", anh nói và cho biết phải mất một tuần để hoàn thiện dần ứng dụng và khoảng 48 giờ lập trình liên tục tại Đà Nẵng. Dù không có nhiều thời gian nhưng điểm thuận lợi của đội là các thành viên có kỹ năng đa dạng nên phân chia công việc phù hợp, đặc biệt tập trung tối đa vào buổi tối.
Anh Nguyễn Duy Nghiêm, GĐ Đại học Greenwich (Việt Nam) tại Đà Nẵng (ngoài cùng bên phải) là một trong những thành viên Ban giám khảo. |
Ứng dụng "Smart City Monitoring" sử dụng công nghệ Arduino để lập trình phần cứng; Firebase để xử lý thông tin Server, và Android để xử lý và hiển thị thông tin... Mọi người đều có thể tích hợp các thiết bị đo chất lượng không khí tại chính khu vực mình sinh sống để tổng hợp chung lên bản đồ chất lượng không khí của toàn thành phố. "Sản phẩm giúp mọi người nâng cao ý thức về giữ gìn chất lượng môi trường sống của chính nơi mình đang ở. Ngoài ra, ưu điểm của sản phẩm là tương đối hoàn thiện, khả thi về việc triển khai. Nhược điểm là khó để xây dựng mô hình kinh doanh dựa trên sản phẩm", mentor Vinh chia sẻ.
Tại vòng chung kết diễn ra tại Đà Nẵng, ứng dụng của đội FUNiX đã lọt vào top 10 ý tưởng công nghệ xuất sắc nhất, và được trình bày, demo trước đội ngũ chuyên gia, giám khảo và hơn 600 thành viên cộng đồng. So với các sản phẩm, ứng dụng khác, "Smart City Monitoring" mang đến nhiều triển vọng thực tế cũng như góp phần cải thiện chất lượng môi trường sống người dân trong việc xây dựng thành phố thông minh. Chung cuộc, nhóm FUNiX nằm trong nhóm 4 đội xuất sắc với giải thưởng Cộng đồng.
"Đội không so sánh ứng dụng với đối thủ, mà quan tâm đến mục tiêu ban đầu đặt ra. Có thể thành tích chưa thực sự ấn tượng nhưng đủ để nhóm tiến tới những bước phát triển mới. Về cơ bản, sản phẩm hoàn thiện được khoảng 80% so với mục tiêu ban đầu", anh Vinh nói và cho biết nhóm dự kiến sẽ cùng FUNiX đưa dự án vào các trường THPT ở Hà Nội. Các trường có cơ hội để giáo dục học sinh về ý thức giữ gìn môi trường, còn FUNiX sẽ giới thiệu các chương trình học đến với học sinh.
Giải cộng đồng thuộc về ứng dụng Smart City Monitoring – Hệ thống theo dõi giám sát từng khu vực trong thời gian thực và công khai cho người dân, do nhóm FUNiX thực hiện. |
GDG DevFest MienTrung 2018 do Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) phối hợp với Trung tâm Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin Đà Nẵng (IID) và nhóm cộng đồng Google Developer Group MienTrung (GDG MienTrung) tổ chức. Chủ đề của sân chơi là “Phát triển các ứng dụng trên di động hoặc website phục vụ xây dựng thành phố thông minh và văn minh hơn”.
Không chỉ dừng lại ở sứ mệnh xây dựng, kết nối và phát triển cộng đồng lập trình viên tại Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung, sân chơi còn giúp những người đam mê công nghệ thỏa sức “code” nên những ý tưởng đã được ấp ủ và nuôi dưỡng từ lâu, rèn luyện tinh thần làm việc nhóm, khả năng tư duy nhiều chiều, phản biện khách quan và giao tiếp với khách hàng.
Bên cạnh giải thưởng Cộng đồng thuộc về đội FUNiX, Ban tổ chức còn traao giải Toàn diện cho nhóm WiiNav; nhóm Phân tích phản hồi giành giải Tiềm năng; giải Tài năng trẻ thuộc về đội RFID Visitor Guide. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao giải Dự án Ươm tạo của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng DNES cho nhóm Danang Smart Parking, và dự án được yêu thích nhất thuộc về Smart Traffic Light...
>> Đội FUNiX giành giải Cộng đồng Hackathon Google Devfest 2018
Việt Nguyễn
Ý kiến
()