Chúng ta

FPT Telecom 'xây' nền chuyển đổi số hạ tầng

Thứ năm, 8/8/2019 | 09:53 GMT+7

Số hóa quản lý hạ tầng viễn thông (DIP) là tiền đề vững chắc cho công cuộc chuyển đổi số của FPT Telecom. Giải pháp vừa giành giải Vàng iKhiến.

Anh Lý Hưng Lai (Phòng Kỹ thuật Mạng ngoại vi - Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam - INF), người có thâm niên làm hạ tầng ngầm, cho hay, trước đây nhân sự phụ trách dùng AutoCAD (phần mềm ứng dụng CAD để tạo bản vẽ kỹ thuật) để làm việc. Và khó khăn là những bản vẽ về hầm cáp viễn thông, ống giữa các hầm, các đoạn ống ngoi lên trụ/lên tường nhà hay vào các tòa nhà nằm trên từng tệp AutoCAD riêng lẻ, không hiển thị thông tin chi tiết, dẫn đến khó thống kê báo cáo và kiểm soát hạ tầng.

Theo anh Lai, một hạ tầng ngầm có tuổi đời từ 10-30 năm. Theo thời gian, trí nhớ con người sẽ mai một dần hoặc người biết rõ lại rời nhà F. Và từ khi FPT Telecom áp dụng giải pháp Số hóa quản lý hạ tầng viễn thông (DIP), mọi khó khăn đều được giải tỏa. Giờ đây, nhân sự trong khối có thể biết đâu là hạ tầng FPT Telecom đầu tư hay dây nào của các nhà cung cấp dịch vụ khác thuê hạ tầng. Việc quản lý hợp đồng thuê hạ tầng và thanh toán của đối tác cũng giúp triển khai cáp nhanh hơn.

Câu chuyện bắt đầu từ cách đây hơn 2 năm. Sau khi khảo sát và đánh giá lại thực trạng quản lý hạ tầng và nhìn nhận các bất cập tồn tại, các lãnh đạo trong mảng Hạ tầng như anh Vũ Đức Huy, anh Phùng Hưng, anh Trương Tiến Trí cùng các quản lý phòng chức năng INF đã đề ra bài toán phải thực hiện số hóa việc phát triển và quản lý hạ tầng để đáp ứng yêu cầu mở rộng hạ tầng cả về quy mô và số lượng.

Với kinh nghiệm từng làm cho các doanh nghiệp viễn thông lớn khác, kết hợp sự am hiểu về hạ tầng ngay từ những ngày đầu xây dựng, Trung tâm Hệ thống thông tin (ISC) và INF đã xây dựng thành công giải pháp số hóa hạ tầng viễn thông với hai nền tảng quan trọng ban đầu là số hóa cơ sở dữ liệu hạ tầng số hóa quản lý hạ tầng trực quan trên nền bản đồ Google maps miễn phí. Giải pháp này sẽ thay thế cho cách thức quản lý bằng Excel hay phần mềm Corel/CAD hiệu quả thấp trước đó, anh Nguyễn Hồng Phương (Trưởng phòng Kỹ thuật mạng ngoại vi, INF miền Bắc) chia sẻ.

187F0232-CB9C-4C42-B560-138C0E-3610-3827

"Giải pháp số hóa hạ tầng viễn thông" nhận cú đúp danh hiệu iKhiến gồm giải Vàng và giải Chuyển đổi số. Ảnh anh Phạm Văn Phước (ISC) đại diện nhóm nhận giải từ Chủ tịch FPT Trương Gia Bình. "Việc phối hợp trao đổi để thực hiện công việc được thực hiện liên tục thông qua các kênh online và họp trực tuyến. Những lúc phát sinh công việc cần phải họp thống nhất xử lý ngay, các thành viên hai miền phải tranh thủ họp xuyên trưa và làm ngoài giờ thêm cho kịp thời hạn hoàn thành, anh Phạm Văn Phước nhớ lạiẢnh: Ngọc Trâm. 

Trong suốt thời gian triển khai, những thành viên của nhóm đến từ phòng Kỹ thuật mạng ngoại vi INF hai miền cùng đồng nghiệp đến từ phòng Phát triển phần mềm số 2 và số 12 của ISC liên tục làm việc cùng nhau để thực hiện phát triển các mô-đun chức năng của giải pháp số hóa hạ tầng ngay từ khi hình thành ý tưởng đến lúc triển khai áp dụng vào thực tế và tối ưu theo thực tế sử dụng.

Cụ thể, phòng Kỹ thuật mạng ngoại vi INF miền Bắc & Nam thực hiện nhiệm vụ tổng hợp yêu cầu từ thực tế của công việc phát triển quản lý hạ tầng, hình thành các ý tưởng về số hóa quản lý, viết tài liệu mô tả cho các mô-đun chức năng của giải pháp, thực hiện kiểm thử và hiệu chỉnh mô-đun trước khi đưa vào áp dụng, viết tài liệu hướng dẫn sử dụng, đào tạo triển khai áp dụng giải pháp vào thực tế công việc.

Trong khi đó, nhân sự phòng Phát triển phần mềm số 2, số 12 ISC chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ phân tích thiết kế mô-đun chức năng của giải pháp theo bản mô tả của INF, lựa chọn công nghệ phát triển, thực hiện lập trình xây dựng giải pháp, hỗ trợ viết tài liệu hướng dẫn sử dụng, vận hành, bảo trì và tối ưu giải pháp.

B80E3413-A02E-4259-A39E-D6DC52-9748-3386

Giải pháp số hóa quản lý hạ tầng viễn thông (DIP) xây dựng trên nền tảng bản đồ số của Google, kết với cơ sở dữ liệu hiện hữu nhằm quản lý mạng lưới tối ưu, trực quan và chuyên nghiệp hơn, giúp người dùng dễ sử dụng, tra cứu, quản lý nhanh và hiệu quả nhất.

Sau khi xây dựng ứng dụng, việc triển khai áp dụng vào thực tế cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, từ lối mòn không-muốn-thay-đổi của đội ngũ nhân sự đang làm công tác quản lý hạ tầng theo cách cũ đến việc triển khai đồng loạt trên toàn quốc.

Nhóm tác giả sáng tạo DIP đã cho chạy demo (thử) để chứng minh giải pháp của dự án mới hiệu quả, chính xác và rất hữu ích hơn cho toàn bộ hệ thống, thực hiện chuyển đổi dữ liệu từng phần để CBNV làm quen dần với việc sử dụng ứng dụng mới, loại bỏ hoặc đồng bộ ngay dữ liệu mang tính khác biệt vùng miền, đặc thù riêng để đảm bảo tính hợp nhất.

"Một trong những kinh nghiệm quan trọng đến từ bài học thất bại của các doanh nghiệp lớn khác. Họ có nguồn lực để đầu tư các hệ thống quản lý hạ tầng như các dự án Mapinfo, Intergraph, GIS... nhưng cuối cùng vẫn thất bại chỉ vì thiếu yếu tố quan trọng: dữ liệu phải được cập nhật thường xuyên, tự động hóa cao, theo thời gian thực (realtime)", anh Đoàn Văn Cường từ đơn vị ISC cho biết.

Nhờ sự nỗ lực phát triển bổ sung và hoàn thiện giải pháp liên tục của đội ngũ cộng sự đến INF miền Nam/miền Bắc và ISC như Lê Trung, Nguyễn Hồng Phương, Vũ Xuân Phát, Phạm Văn Phước, Đoàn Văn Cường…, ứng dụng đã phục vụ đắc lực cho việc đầu tư xây dựng phát triển và quản lý vận hành khai thác hạ tầng cho FPT Telecom, cũng như hỗ trợ tạo ra sự khác biệt cho việc bán hàng và triển khai cung cấp dịch vụ tới khách hàng.

Anh Bùi Trung Hiếu (INF), một người đã sử dụng ứng dụng DIP trong công việc hằng ngày, bày tỏ: "Tôi làm từ ngày số liệu bằng Excel và bản giấy đến giờ nên hiểu được không có số hóa sẽ khổ như nào. Trước đây không có công cụ DIP, người quản lý phải mở dữ liệu trên tệp Excel rồi ghi chú lại port (cổng) cấp cho nhân viên thi công. Nhưng đồng thời lại có nhân viên kinh doanh khác thấy thực tế đang chưa được sử dụng dẫn tới tranh chấp do dùng trùng dữ liệu. Khi có công cụ mới, toàn bộ được số hóa, tất cả nhân viên FPT Telecom khi cần truy xuất dữ liệu đều có thể trực tiếp kiểm tra". 

Theo đồng tác giả Nguyễn Hồng Phương, trong tương lai, nhóm dự định ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, học máy, dữ liệu lớn để quản lý và khai thác lượng dữ liệu hạ tầng rất lớn mà giải pháp đang có để giải quyết tốt hơn bài toán tối ưu hạ tầng, dự báo sớm các nguy cơ rủi ro tiềm tàng có thể xảy ra với hạ tầng để hỗ trợ công tác vận hành được chủ động nhất và đưa ra gợi ý vùng hạ tầng tiềm năng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh được tốt hơn.

"D.I.P đánh dấu sự chuyển mình đầy nỗ lực và mạnh mẽ nhất của INF trong hành trình chuyển đổi số. Từ những thành phần thụ động như sợi cáp quang, bộ chia quang, nhà trạm, công cụ dụng cụ... đến công việc thiết kế, vận hành ngoài hiện trường đã được số hóa. D.I.P là tiền đề thiết yếu, vững chắc cho công cuộc tự động hóa trong hạ tầng viễn thông, giúp cho các quyết định đầu tư, thiết kế, vận hành hạ tầng được nhanh chóng, chính xác và đạt hiệu suất cao nhất", anh Lê Trung, PGĐ Trung tâm Phát triển và Quản lý Hạ tầng miền Nam (INF), nhấn mạnh.

>> iKhiến: Giải pháp số hóa quản lý hạ tầng viễn thông

Hà An

Ý kiến

()