Chúng ta

'FPT Telecom đã cung cấp IPv6 cho hầu hết khách hàng'

Thứ hai, 15/7/2019 | 14:43 GMT+7

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đã tăng đến 15%. FPT là một trong các doanh nghiệp dẫn đầu về chuyển đổi sang IPv6.

Nửa đầu 2019, có thêm hơn 16 triệu người Việt ứng dụng IPv6. Với kết quả này, Việt Nam hiện xếp thứ nhất ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6. Theo thống kê mới đây, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam, theo số liệu của APNIC Lab, là 39,45%.

FPT cùng một số công ty ICT khác như Viettel, VNPT, MobiFone, dẫn đầu về chuyển đổi sang IPv6 tại Việt Nam. Cụ thể, theo thống kê của APNIC, tỷ lệ chuyển đổi IPv6 của FPT (FPT Telecom) là 30,11% (1,5 triệu thuê bao FTTH).

Tỷ lệ được ghi nhận chưa đến 1/3 nhưng theo anh Nguyễn Thành Đạt, Phó phòng NOC-Net (thuộc Trung tâm Điều hành mạng - NOC), FPT Telecom hiện cung cấp IPv6 cho hầu hết khách hàng. "Thực tế FPT là đơn vị đầu tiên triển khai IPv6 ở Việt Nam nên ban đầu có một số lỗi khiến khách hàng tắt IPv6 ở máy tính, do vậy tỷ lệ hiện tại của FPT (30.11%) thấp hơn thực tế. Trung tâm Điều hành mạng sẽ đề nghị Trung tâm Quản lý đối tác phía Bắc và phía Nam (PNC/TIN) truyền thông và mở lại ở máy tính nhà khách hàng". 

Phó phòng NOC-Net cũng cho hay, một số người dùng chưa có IPv6  do vẫn dùng hạ tầng ADSL, mẫu modem (thiết bị giao tiếp với mạng lưới của các nhà cung cấp dịch vụ Internet) cũ, hay firmware (phần mềm điều khiển phần cứng cấp thấp) của modem cũ. 

trung-tam-scc-8982-1563176477.jpg

Trung tâm Đảm bảo dịch vụ (SCC) thuộc FPT Telecom, trái tim của nhà mạng. 

Địa chỉ IPv6 là phiên bản địa chỉ và giao thức Internet thế hệ mới được triển khai sử dụng để thay thế nguồn IPv4 đã cạn kiệt và đáp ứng yêu cầu công nghệ giai đoạn mới. IPv6 là giao thức mặc định trong mạng di động 4G/LTE, 5G và là công nghệ tối ưu cho cơ sở hạ tầng đám mây (cloud). Việc chuyển đổi IPv6 tại Việt Nam gắn liền với công cuộc chuyển đổi số.

Trước khi tiến tới các thành phố thông minh và Chính phủ điện tử, hạ tầng và nguồn tài nguyên Internet quốc gia cần sẵn sàng về kết nối, đảm bảo các yêu cầu về an toàn an ninh phục vụ cho việc triển khai các công nghệ sẽ bùng nổ trong tương lai như Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI)...

Việc chuyển đổi toàn bộ mạng Internet sang IPv6 không chỉ phản ánh hiện trạng phát triển Internet quốc gia, góp phần khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế mà còn thể hiện mục tiêu cao, sứ mạng mới gắn liền với ứng dụng công nghệ cao trong phát triển Internet an toàn, bền vững.

Thống kê của Trung tâm thông tin mạng châu Á – Thái Bình Dương (APNIC) cho thấy tỉ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đã tăng trưởng hơn 300% chỉ trong vòng gần 3 năm, từ dưới 1% trong năm 2016 tăng lên đến 39,41% trong tháng 7/2019.

Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, tỉ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam đã tăng đến 15% với hơn 16 triệu người sử dụng IPv6. Trong khi đó, tỉ lệ ứng dụng IPv6 chung toàn cầu hiện mới đạt 22,98%. Với kết quả này, Việt Nam hiện xếp thứ nhất Đông Nam Á, thứ 2 Châu Á và thứ 5 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6 (sau Ấn Độ, Mỹ, Bỉ, Đức).

Việc triển khai tốt IPv6 là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang bắt kịp đúng xu thế phát triển toàn cầu, sẵn sàng “chuyển mình” vươn lên trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet cao trên thế giới. Với sự tăng cường chuyển đổi IPv6 rộng rãi và toàn diện, hiện tại tài nguyên IPv6 tại Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển các công nghệ thế hệ mới như 4G/LTE, 5G, IoT, AI…

Theo kế hoạch, trong thời gian tới, VNNIC sẽ tiếp tục hỗ trợ và làm việc trực tiếp với các cơ quan Nhà nước, góp phần đảm bảo hạ tầng Internet quốc gia phát triển trên nền tảng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6.

IP là chuỗi số phân cho mỗi máy tính, máy chủ, smartphone và các thiết bị kết nối Internet khác. Kho địa chỉ Internet trên nền IPv4 (với tổng cộng 4,3 tỷ địa chỉ) đã cạn kiệt trong khi các dòng thiết bị mới vẫn tiếp tục ồ ạt được bán ra thị trường. Do đó, IPv6 ra đời. Địa chỉ IPv6 dài 128 bit, cho phép mở rộng kho địa chỉ lên tới 2^128, tức lớn hơn rất nhiều so với IPv4 (số địa chỉ cụ thể của IPv6 là 340.282.366.920.938.463.463.374.607.431.768.211.456).

IPv6 có lợi thế lớn so với IPv4 khi có không gian địa chỉ gần như vô hạn, cho phép thiết bị tự cấu hình các thông số phục vụ cho việc kết nối mạng như địa chỉ IP, địa chỉ máy chủ tên miền, khả năng bảo mật cao…Vấn đề là quá trình nâng cấp lên IPv6 đòi hỏi công sức và chi phí cao, nên nhiều bên vẫn chần chừ đến khi nào không thể trì hoãn được nữa.

Thuỷ Minh

Ý kiến

()