Theo hãng phân tích Gartner, chuyển đổi hệ thống kế thừa là quá trình hiện đại hóa một hệ thống hoạt động để giữ lại và mở rộng giá trị của các khoản đầu tư vào hệ thống đó. Các nỗ lực chuyển đổi kế thừa thường có quy mô lớn, liên quan đến cơ sở hạ tầng và hiện đại hóa ứng dụng. Lợi ích chính của chuyển đổi kế thừa là giá trị thu được từ việc cung cấp nhanh chóng chức năng mới hoặc cải tiến hỗ trợ các mục tiêu kinh doanh và quy trình kinh doanh nâng cao.
Trên thế giới, mọi ngành từ giáo dục, dầu khí, tiện ích… đặc biệt là sản xuất và tài chính đều gặp phải “câu chuyện” hệ thống cũ. Các doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi hệ thống nếu muốn tồn tại. Đại dịch Covid-19 chính là cú knock-out khiến các doanh nghiệp thức tỉnh và làm cho áp lực chuyển đổi hệ thống kế thừa tăng lên. Tại Nhật Bản, nhu cầu chuyển đổi số càng trở nên cấp bách. Chính phủ Nhật đã ra khuyến nghị tất cả doanh nghiệp phải chuyển đổi số trong giai đoạn 2020-2025.
Nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển, từ năm 2021, FPT Software tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ này. “Đây là thời điểm tốt cho việc bước chân vào lĩnh vực Legacy Transformation. Dịch vụ này đánh trúng nhu cầu rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới, đặc biệt trong các ngành như sản xuất, tài chính…”, Giám đốc đơn vị Global Automotive & Manufacturing (GAM) Nguyễn Đức Kính nhận định.
Dựa trên lợi thế về nhân sự, công nghệ cùng những kinh nghiệm khi chuyển đổi hàng loạt hệ thống cũ cho các khách hàng lớn hàng đầu thế giới như SoftRoad, SCSK, Toshiba, TIS, Infosys… FPT Sofware đặt mục tiêu đem về 10 triệu USD doanh thu từ Legacy Transformation trong năm 2021.
Nhận định của anh Kính được đưa ra phù hợp với bối cảnh hiện nay, khi hiện đại hóa hệ thống đang trở thành nhu cầu bức thiết của các doanh nghiệp, các ngành nghề như sản xuất, tài chính...
Anh Nguyễn Đức Kính cho rằng thời điểm hiện tại là phù hợp để Phần mềm FPT chú trọng phát triển Legacy Transformation. |
Báo cáo Manufacturer Product EOL/EOS năm 2018 của Flexera đã chỉ ra rằng, các công nghệ lỗi thời là một vấn đề nghiêm trọng mà tất cả các tổ chức phải đối mặt. Hệ thống cũ được coi là “kẻ hủy hoại ngân sách” khi doanh nghiệp phải dùng đến 70 đến 80% ngân sách CNTT để vận hành và duy trì. Chi tiêu này càng tăng lên khi công nghệ trở nên lỗi thời và suy yếu dần. Một hệ thống lỗi thời có thể làm ngừng hoạt động của dây chuyền sản xuất. Một giờ ngừng hoạt động có thể khiến một doanh nghiệp mất từ vài trăm euro trong ngành thực phẩm đến hàng trăm triệu euro trong ngành lọc dầu.
Phân tích khác từ Deloitte cũng cho thấy, các giải pháp cũ thiếu tính linh hoạt và kiến trúc lỗi thời không làm thoả mãn người dùng… Cùng với đó, việc tìm được người để vận hành và hỗ trợ các công nghệ cũ rất khó. Nguy cơ tiềm ẩn rủi ro về bảo mật các công nghệ cũ cũng cao hơn bởi khó kiểm soát và giám sát hơn.
Ngày nay, thị trường và hệ sinh thái mới khiến các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội thu hút và làm hài lòng khách hàng dựa trên các nền tảng số và hệ sinh thái hỗ trợ công nghệ. Điều này sẽ rất khó thực hiện thậm chí, không thể làm được khi IP bị mắc kẹt trong các hệ thống kế thừa.
Trong một khảo sát của Deloitte, các công ty cho biết lý do chính để họ bắt đầu nâng cấp nền tảng CNTT là nhằm hỗ trợ tốt hơn cho chiến lược và mục tiêu sản phẩm - tức là tiếp cận thị trường nhanh hơn. Tốc độ trở thành một yếu tố khác biệt thực sự trong cạnh tranh.
Gartner nhận định, chi phí cho hiện đại hóa các hệ thống hiện có với các doanh nghiệp sẽ gấp hơn ba lần giá trị của các khoản đầu tư được lên kế hoạch. Dự kiến, quy mô thị trường dịch vụ hiện đại hóa ứng dụng toàn cầu sẽ tăng từ 11,4 tỷ USD vào năm 2020 lên 24,8 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm tổng hợp (CAGR) là 16,8% trong giai đoạn dự báo. Quy mô thị trường này dự kiến đạt 7,7 tỷ vào năm 2023. Trong đó, chuyển đổi và hiện đại hóa các hệ thống kế thừa là một trong những yếu tố chính, thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này.
>> Cựu chuyên gia Google làm Giám đốc Dữ liệu FPT
Hoa Hạ
Ý kiến
()